menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phan Quang Anh

Nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà bối rối

Dự thảo Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà vừa được Bộ Công thương đưa ra đang gây nhiều băn khoăn.

Chỉ thêm 2.600 MW điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu

Dự thảo Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà mới dừng lại ở việc khuyến khích lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp để tự sử dụng và không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.

Quyết định 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Điện VIII đề cập cơ cấu nguồn điện đến năm 2030 với điện mặt trời là 12.836 MW (chiếm 8,5%, không bao gồm điện mặt trời mái nhà hiện hữu). Trong đó, nguồn điện mặt trời tập trung là 10.236 MW, nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu khoảng 2.600 MW.

Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính tới ngày 31/12/2020, cả nước có 103.809 hệ thống điện mặt trời mái nhà, với tổng công suất lắp đặt khoảng 9.608 MWp (khoảng 7.686 MW). Từ đó đến nay, không có thống kê nào được thực hiện tiếp bởi cơ chế chính sách cho phát triển điện mặt trời mái nhà không có.

Ông Nguyễn Bình, chuyên gia về năng lượng tái tạo cho hay, cho tới nay, chưa biết con số 7.686 MW điện mặt trời mái nhà ở thời điểm ngày 31/12/2020 đã biến động ra sao, nhất là khi rất nhiều doanh nghiệp đã ồ ạt triển khai lắp đặt điện mặt trời mái nhà thời gian qua, với tư cách là một giải pháp để có chứng chỉ xanh trong quá trình sản xuất, đáp ứng nhu cầu của bên mua hàng.

Chính Bộ Công thương cũng thừa nhận, kể từ ngày 1/1/2021 tới tháng 8/2023, việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà trên cả nước diễn ra tự phát, được cho là để tự sử dụng, chưa được kiểm soát. “Điều cần nhất bây giờ là rà soát tình hình lắp đặt điện mặt trời mái nhà sau năm 2020 để có bức tranh tổng thể trước khi tiếp tục đề ra cơ chế mới”, ông Nguyễn Bình nói.

Tại Dự thảo Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, Bộ Công thương đưa ra giải pháp phân bổ phát triển điện mặt trời cho các địa phương trên cơ sở cường độ bức xạ, số giờ nắng trung bình trong năm và phụ tải hiện có. Đồng thời, hạn chế đối tượng áp dụng cơ chế, chỉ các đối tượng được cấp có thẩm quyền phê duyệt mới được triển khai phát triển. Việc kiểm soát phát triển điện mặt trời mái nhà sẽ được giao các địa phương quyết định và chịu trách nhiệm.

Nhà đầu tư bối rối

Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết, Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà chưa ưu tiên phát triển ở khu công nghiệp, bệnh viện, trường học. Điều này cần được xem xét, tính toán trên cơ sở phát triển các nguồn điện khác trong tổng cơ cấu nguồn điện, nhằm khai thác nguồn điện năng lượng tái tạo phân tán và không phải đầu tư nâng cấp lưới điện phân phối, đặc biệt là đảm bảo cho hệ thống điện vận hành an toàn.

Theo giải thích, mái nhà ở khu công nghiệp, bệnh viện, trường học… đều có diện tích lớn, có thể lắp đặt từ gần 1 MW đến cả chục MW. Việc đầu tư quy mô lớn như vậy cần nhiều điều kiện về vốn, an toàn kỹ thuật, phòng chống cháy nổ, trạm biến áp, đường dây truyền tải nội bộ, quản lý, nhân sự vận hành; chất lượng điện, lưu trữ điện, các điều kiện kết nối xoay chiều giữa điện tự dùng và điện lưới quốc gia khi không có nắng vào buổi tối, trời mưa hoặc thay đổi thời tiết trong ngày.

Dẫu vậy, trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã lắp đặt điện mặt trời mái nhà để sử dụng trong chiến lược giảm phát thải, trung hòa carbon của tập đoàn mẹ.

Đơn cử, Honda Việt Nam, với mục tiêu đến năm 2030 cắt giảm 46% CO2 so với năm 2019 và tiến tới Trung hòa carbon vào năm 2050, đang áp dụng 2 chiến lược chính là tăng cường các hoạt động tiết kiệm năng lượng và phát triển nguồn năng lượng sạch. Trong năm 2023, Công ty đã đưa vào vận hành hệ thống điện áp mái tại 2 nhà máy Vĩnh Phúc và Hà Nam, với tổng công suất 8 MWp, góp phần giảm sử dụng điện lưới quốc gia hơn 7,5 triệu kWh/năm, tương đương giảm khoảng 4.700 tấn CO2/năm.

Lãnh đạo Honda Việt Nam cho hay, sản lượng điện mặt trời nêu trên chiếm khoảng 6% nhu cầu của doanh nghiệp và đang xem xét hiệu quả để mua trực tiếp điện mặt trời từ các đơn vị sản xuất thông qua Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng mà Bộ Công thương đang xây dựng.

Một số doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời trên các mái nhà xưởng tại khu công nghiệp để bán lại cho chính các doanh nghiệp bên dưới mái hoặc trong khu công nghiệp tiêu thụ rất băn khoăn về việc thời gian tới sẽ phát triển tiếp điện mặt trời mái nhà ra sao.

Với điện mặt trời mái nhà, Bộ Công thương mới khuyến khích với nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp, chưa xem xét tới các mái lớn. Nhưng DPPA mới được Bộ Công thương trình lại khuyến khích phát triển bán điện không qua lưới quốc gia giữa đơn vị phát điện tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn thuộc nhóm sản xuất.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, có ít nhất 3 doanh nghiệp cho hay, họ đang đầu tư điện mặt trời mái nhà và bán cho khách hàng dưới mái, nên không dùng đến lưới điện quốc gia; hay khách hàng trong khu công nghiệp, nên đầu tư đường dây ngắn và vẫn chịu được chi phí. Việc Bộ Công thương chưa khuyến khích điện mặt trời mái nhà tại các nhà xưởng, trang trại, khu công nghiệp, nhưng khuyến khích triển khai DPPA không cần nối lưới khiến doanh nghiệp hoang mang”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại