Nhà đầu tư có nên thận trọng khi rót tiền vào các công ty Trung Quốc?
Các nhà đầu tư nước ngoài bị thu hút bởi các công ty Trung Quốc mới "chào sàn" vào thời điểm mối quan tâm đối với cổ phiếu Trung Quốc đang ở mức cao nhất mọi thời đại.
Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba (Trung Quốc) huy động được 25 tỷ USD khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sàn giao dịch Chứng khoán New York năm 2014. Đây là thương vụ IPO lớn nhất cho đến thời điểm đó, qua đó đưa giá trị thị trường của "gã khổng lồ" thương mại điện tử của Trung Quốc vượt cả Facebook và Amazon.
Được mô tả như "thời đại mới" của công nghệ Trung Quốc, thành công của Alibaba đã khuyến khích hàng trăm công ty công nghệ Trung Quốc niêm yết cổ phiếu ở các thị trường chứng khoán bên ngoài Trung Quốc Đại lục.
Theo số liệu của nền tảng cung cấp thông tin tài chính Dealogic (Anh), kể từ đầu năm 2014 đến nay, 769 công ty Trung Quốc đã niêm yết trên các sàn giao dịch bên ngoài Trung Quốc Đại lục, chủ yếu ở Mỹ hoặc Hong Kong (Trung Quốc). Các công ty này đã huy động được tổng cộng 250 tỷ USD, nhiều hơn con số 236 tỷ USD huy động được từ việc niêm yết chứng khoán tại Trung Quốc Đại lục trong cùng khoảng thời gian nói trên.
Các nhà đầu tư nước ngoài bị thu hút bởi các công ty Trung Quốc mới "chào sàn" vào thời điểm mối quan tâm đối với cổ phiếu Trung Quốc đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Những thành công ban đầu của Bắc Kinh trong việc kiềm chế đại dịch COVID-19, triển vọng các tài sản bằng đồng NDT sắp được xem xét bổ sung vào các chỉ số đầu tư cổ phiếu và trái phiếu thế giới đã góp phần làm tăng sức hấp dẫn của các loại tài sản này. Theo số liệu ước tính do Financial Times công bố hồi tháng 7/2021, giá trị cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ đã tăng 40% trong vòng một năm qua, lên hơn 800 tỷ USD.
Nhà sản xuất xe điện Xpeng Motors và Li Auto đã huy động được số vốn kỷ lục 46 tỷ USD khi niêm yết tại thị trường Mỹ trong năm 2020. Năm nay, cũng có nhiều thương vụ IPO đáng chú ý, và thu hút các nhà đầu tư đang kỳ vọng vào nền kinh tế đang phát triển của Trung Quốc. Nhiều người thậm chí cho rằng đầu tư vào Trung Quốc không khác gì bỏ tiền đầu tư vào các thị trường phát triển.
Tuy nhiên, theo tờ Financial Times của Anh, đó là một sai lầm lớn. Cổ đông sở hữu cổ phiếu của các công ty Trung Quốc thiếu các quyền cơ bản và các công ty này hoạt động trong một hệ thống mà những quy định và chính sách có thể thay đổi bất ngờ.
Bắc Kinh gần đây đưa ra một loạt chính sách để tăng cường giám sát những công ty Trung Quốc có ý định hoặc đang niêm yết tại Mỹ. Điều đó phản ánh thực tế là không có các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư và trong trường hợp xấu nhất, các công ty Trung Quốc có thể buộc phải hủy niêm yết tại các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ.
Các nhà đầu tư nước ngoài gần đây liên tục chứng kiến những ví dụ thể hiện sự khó đoán định của Bắc Kinh. Đầu tiên là vào tháng 11/2020, giới chức Trung Quốc bất ngờ đình chỉ thương vụ IPO của công ty tài chính Ant Group (thuộc Alibaba). Đây là đợt IPO được đánh giá là lớn nhất thế giới, với giá trị huy động dự kiến đạt 37 tỷ USD.
Động thái này ban đầu được coi là nhằm vào tỷ phú Jack Ma, người sáng lập Alibaba, nhưng sau đó các biện pháp kiểm soát đã dần mở rộng đối với nhiều doanh nghiệp và lĩnh vực khác.
Tháng Ba năm nay, Trung Quốc bất ngờ thắt chặt các quy định về thuốc lá điện tử, khiến cổ phiếu của nhà sản xuất thuốc lá điện tử RLX Technology giảm mạnh, chỉ hai tháng sau khi IPO tại Mỹ. Tháng trước, Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) bắt đầu điều tra nền tảng gọi xe trực tuyến Didi Chuxing và yêu cầu gỡ bỏ ứng dụng này trên các cửa hàng ứng dụng nội địa chỉ vài ngày sau khi công ty IPO tại Mỹ.
Các nhà chức trách cũng tiến hành một cuộc điều tra đối với công ty vận chuyển hàng hóa Full Truck Alliance (cũng mới IPO ở Mỹ) và cảnh báo rằng tất cả các công ty niêm yết tại thị trường chứng khoán Mỹ sẽ đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn.
Mới đây nhất, ngành công nghiệp dạy thêm trị giá 100 tỷ USD của Trung Quốc "vào tầm ngắm" của các nhà quản lý. Chính phủ Trung Quốc yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ dạy thêm trở thành "phi lợi nhuận", không được nhận đầu tư nước ngoài và không niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán trên toàn thế giới. Cổ phiếu của ba tập đoàn giáo dục lớn nhất đang niêm yết tại Mỹ đã mất khoảng 90% giá trị so với đầu năm nay.
Một nhóm luật sư đang cố gắng thay mặt nhà đầu tư bị thiệt hại nộp đơn kiện, nhưng cơ hội để các nhà đầu tư lấy lại tiền của họ là khá thấp. Các nhà quản lý và tài sản của công ty đều đặt tại Trung Quốc, nơi mà luật doanh nghiệp và chứng khoán của Mỹ không thể được thực thi một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng không thực sự có quyền sở hữu đối với tài sản của các công ty này.
Tại Trung Quốc, một số lĩnh vực không cho phép doanh nghiệp nhận vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, các công ty huy động vốn đầu tư nước ngoài bằng cách thành lập cấu trúc sở hữu đặc biệt (Variable Interest Entity - VIE). Bằng cách sử dụng cấu trúc VIE, doanh nghiệp có thể huy động vốn từ các cổ đông nước ngoài thông qua phát hành cổ phiếu hoặc chứng chỉ lưu ký tại các sở giao dịch chứng khoán.
Về cơ bản, các nhà đầu tư mua cổ phiếu của một công ty cổ phần (VIE của công ty Trung Quốc) thường đặt trụ sở tại Quần đảo Cayman, họ được chia lợi nhuận do công ty Trung Quốc tạo ra, nhưng không có quyền kiểm soát hoạt động công ty.
Các nhà quản lý Trung Quốc chưa bao giờ chính thức ủng hộ VIE, nhưng nhìn chung họ vẫn để cho các công ty trong nước sử dụng cấu trúc này để huy động vốn. Tuy nhiên, sự không chắc chắn về pháp lý mang lại cho Bắc Kinh một vũ khí mạnh mẽ mà họ có thể sử dụng bất cứ lúc nào, và kiểm soát bất kỳ công ty nào.
Một vấn đề phức tạp hơn nữa là các chiến dịch của Mỹ nhằm thắt chặt kiểm soát các công ty Trung Quốc niêm yết ở Mỹ. "Đạo luật về trách nhiệm giải trình của các công ty nước ngoài" do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ký cuối năm 2020 quy định, nếu một công ty nước ngoài không cho phép Ủy ban giám sát kế toán công ty đại chúng (PCAOB) kiểm tra báo cáo tài chính và kiểm toán trong 3 năm liên tục, thì cổ phiếu của công ty đó sẽ bị ngừng niêm yết. Hiện Bắc Kinh vẫn đang cấm động thái này với lý do bảo mật thông tin.
Trên thực tế, các kế hoạch IPO mới ở Mỹ của nhiều công ty công nghệ Trung Quốc đang bị đóng băng, một số công ty đang cố gắng chuyển hướng IPO sang Hong Kong. Tuy nhiên, cần lưu rằng Bắc Kinh vẫn có thể kiểm soát bất kỳ lĩnh vực hoặc công ty nào và các nhà đầu tư đang trở nên thận trọng hơn.
Mới đây, công ty cung cấp dịch vụ nghe nhạc trực tuyến Cloud Village của Trung Quốc đã tạm dừng kế hoạch IPO tại Hong Kong, còn tập đoàn đầu tư SoftBank (Nhật Bản) thông báo cắt giảm các khoản đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ của Trung Quốc.
Sức hút của các thị trường mới nổi được thể hiện bằng sự quản trị hiệu quả cũng như lợi ích của nhà đầu tư phù hợp với những mục tiêu của chính phủ hoặc cổ đông kiểm soát. Ở thị trường Trung Quốc, nhiều yếu tố không chắc chắn đã bắt đầu xuất hiện ngay từ khi Alibaba niêm yết ở Mỹ, nhưng các nhà đầu tư đã đánh giá thấp. Giờ đây, có lẽ các nhà đầu tư không thể "phớt lờ" những rủi ro này./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận