menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trung Nguyên

Nhà đầu tư châu Âu đang ngày càng "lạnh nhạt" với Trung Quốc?

Căng thẳng giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc gia tăng đang trở thành nguyên nhân khiến các doanh nghiệp châu Âu chuyển hoạt động đầu tư sang khu vực Đông Nam Á. Bất chấp việc Bắc Kinh nới lỏng chính sách phòng dịch Zero COVID (Không COVID-19) nghiêm ngặt, xu hướng dịch chuyển này có thể vẫn tiếp tục diễn ra.

Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN, đại diện cho các doanh nghiệp châu Âu tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ông Chris Humphrey, cho biết việc Trung Quốc từ bỏ chính sách Zero COVID có thể là một tin tốt lành, song dường như "mọi việc không thể xoay chuyển" khi các doanh nghiệp châu Âu đã quyết định tách khỏi Trung Quốc nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Ông Humphrey cho rằng: "Các nước Đông Nam Á đã nhận thấy lợi ích của điều này khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng lên trong khi Trung Quốc không có động thái nào gần đây để thay đổi xu hướng đó". Đối với nhiều doanh nghiệp, Trung Quốc hiện đang vận hành như một thị trường kín, trong khi Đông Nam Á đang được xem là một phần của hoạt động toàn cầu hoặc toàn khu vực châu Á rộng lớn hơn.

Theo số liệu thống kê của ASEAN, hiện các quốc gia thành viên EU đã đầu tư 26,5 tỷ USD vào 10 quốc gia ASEAN trong năm 2021, cao hơn nhiều so với mức 18,5 tỷ USD trong năm 2020 và 6,1 tỷ USD năm 2019. Đây cũng là mức đầu tư hàng năm lớn nhất được ghi nhận và chiếm khoảng 14% tổng đầu tư trong khu vực.

Tại hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo EU và ASEAN diễn ra tháng trước tại Brussels (Bỉ), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã cam kết đầu tư 10 tỷ euro (10,53 tỷ USD) vào khu vực vốn nằm trong chiến lược "Cửa ngõ toàn cầu" của EU, một đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.

Quan hệ EU-Trung Quốc xấu đi

Trong những năm gần đây, khi đầu tư của châu Âu vào Trung Quốc chưa giảm sút, các nhà phân tích nhận định rằng các động lực chính trị đã thay đổi về cơ bản.

Căng thẳng giữa EU và Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn đáng kể vào năm 2021 trong một loạt vấn đề, nhất là sau khi EU trừng phạt một số quan chức Trung Quốc liên quan đến vấn đề Tân Cương. Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách trừng phạt một số chính trị gia châu Âu. Những động thái trên đã "khai tử" Thỏa thuận đầu tư toàn diện giữa EU và Trung Quốc, được ký kết hồi cuối năm 2020. Căng thẳng dường như khó có thể hạ nhiệt.

Theo một báo cáo của Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc công bố hồi tháng 9/2022, Trung Quốc đã trở nên "khó dự đoán hơn, kém tin cậy hơn và kém hiệu quả hơn". Việc tách khỏi thị trường này không chỉ là "đường một chiều". Chuyên gia Xu Chengwei thuộc Đại học Công nghệ Nanyang chỉ ra rằng Trung Quốc cũng đang tách khỏi phương Tây.

Xu hướng thay đổi

Các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt của Chính phủ Trung Quốc là lý do chính khiến các nhà đầu tư do dự đối với thị trường đông dân nhất thế giới này. Và mặc dù Trung Quốc đang nhanh chóng nới lỏng các quy định phòng dịch, song vẫn có nhiều lo ngại rằng chính phủ nước này có thể tái áp đặt các biện pháp đó hoặc số ca nhiễm mới và số ca tử vong do COVID-19 có thể tăng đột biến. Số liệu của The Economist dự báo có thể có tới 1,5 triệu ca tử vong do COVID-19 trong tháng Ba tới.

Một mối quan tâm khác là sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Chuyên gia, đồng thời là giảng viên tại Trường Nghiên cứu các vấn đề Quốc tế S Rajaratnam ở Singapore, Frederick Kliem cho biết, Mỹ có thể áp đặt các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Trung Quốc - các biện pháp trừng phạt trên phạm vi rộng mà châu Âu có thể phải tuân thủ.

Một báo cáo do công ty nghiên cứu Rhodium Group công bố hồi tháng 9/2022 cho thấy đầu tư của châu Âu vào Trung Quốc ngày càng tập trung quanh một số ít các công ty lớn, chủ yếu là của Đức. Thống kê cho thấy 3 nhà sản xuất ô tô lớn của Đức gồm Volkswagen, BMW và Daimler - và tập đoàn hóa chất BASF chiếm tới 1/3 tổng đầu tư của châu Âu vào Trung Quốc từ năm 2018-2021.

10 nhà đầu tư hàng đầu châu Âu đã chiếm tới 71% tổng số tiền đầu tư vào Trung Quốc trong năm 2021, thấp hơn so với con số khổng lồ là 88% trong năm 2019. Giá trị của các thương vụ mua lại của châu Âu tại Trung Quốc đã chạm mức thấp nhất trong 4 năm vào năm 2021. Theo thống kê, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020, hầu như không có nhà đầu tư châu Âu nào thực hiện đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc.

Các nhà phân tích nhận định rằng mặc dù các nhà đầu tư châu Âu đang ngày càng tìm kiếm cơ hội ở Đông Nam Á, nhưng cần phải tìm hiểu nhiều hơn nữa về các quy định và quan hệ đối tác kinh doanh nếu khu vực này thực sự có thể cạnh tranh với Trung Quốc.

Nhà bình luận về các vấn đề của EU Shada Islam, nói: "Câu thần chú mới của EU là giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào". Như trong trường hợp với Nga, việc tháo gỡ các mối quan hệ kinh doanh lâu đời thường nói dễ hơn làm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại