Nhà đầu tư châu Á tìm kiếm nơi “trú ẩn an toàn” trước bất ổn từ đại dịch
Mối đe dọa của biến thể Omicron đang ngày càng hiện hữu đối với nhiều quốc gia lớn nhất châu Á, trong khi tình hình có vẻ đã dịu bớt ở một số quốc gia phương Tây. Điều đó đang làm phức tạp thêm việc tìm kiếm những lựa chọn của các nhà đầu tư trong khu vực.
Ở châu Á, làn sóng biến thể Omicron đang bắt đầu bùng phát với số ca mắc COVID-19 gia tăng ở Nhật Bản hay Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc).
Quá mệt mỏi với các đợt đóng cửa, các quốc gia châu Âu đã phần lớn tránh quay trở lại các biện pháp gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty môi giới đầu tư Oanda (Mỹ), ông Jeffrey Halley viết trong một báo cáo mới đây rằng các quốc gia châu Á không hoàn toàn tin tưởng nhận định của các nước phương Tây rằng đợt dịch mới sẽ nhẹ hơn và tác động hạn chế hơn.
Vấn đề là các chính phủ châu Á đang thực hiện những chính sách và chiến lược phòng chống dịch rất khác nhau, từ việc Trung Quốc quyết tâm theo đuổi "zero COVID" cho đến việc Australia chuyển sang trạng thái sống chung với dịch bệnh. Một số nước khác lại tỏ ra thận trọng với các biện pháp lưng chừng giữa hai cấp độ trên. Tốc độ tiêm chủng và sức mạnh của hệ thống chăm sóc sức khỏe cũng có nhiều khác biệt giữa các quốc gia trong khu vực.
Đây được coi là một trong những cách đại dịch COVID-19 đang buộc nhà đầu tư phải đối mặt với những thách thức mới. Dù vậy, nhiều người vẫn lạc quan về khả năng “vượt bão” của châu Á khi các quốc gia hàng đầu của khu vực giữ số người tử vong vì đại dịch ở mức thấp hơn nhiều so với những nơi khác.
Lựa chọn nào cho nhà đầu tư
Đối với một số người, thành công của Chính phủ Trung Quốc trong việc dập tắt bất cứ ổ dịch bùng phát nào đồng nghĩa các nhà đầu tư tại đây không phải lo lắng về biến thể Omicron.
Bà Jian Shi Cortesi, Giám đốc đầu tư chứng khoán tại thị trường Trung Quốc và châu Á của công ty quản lý tài sản toàn cầu GAM Investments (Thụy Sỹ) đánh giá dù các lệnh phong tỏa có thể tạm thời làm gián đoạn một số địa điểm nhất định, chúng nhiều khả năng ít tác động đến nền kinh tế Trung Quốc nói chung. Theo bà, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã học cách thích ứng với chiến lược “zero COVID” và hầu hết các lĩnh vực hoạt động bình thường.
Tuy nhiên, một số khác đang tự hỏi chiến lược đó có thể được duy trì trong bao lâu. Ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ) đã hạ các dự báo cho nền kinh tế Hong Kong khi thành phố này một lần nữa áp đặt các lệnh hạn chế đi lại nghiêm ngặt – yếu tố có khả năng trì hoãn việc mở cửa trở lại với Trung Quốc đại lục. Các lệnh đóng cửa của Trung Quốc hiện vẫn chỉ mang tính cục bộ, nhưng có thể trở nên phổ biến hơn trong giai đoạn tới.
Ông Richard Kaye, nhà quản lý danh mục đầu tư tại công ty quản lý tài sản Comgest Asset Management Japan Ltd. (Nhật Bản) nhận định Nhật Bản hiện là quốc gia có các yêu cầu kiểm soát biên giới nghiêm ngặt hàng đầu trong nhóm các nền kinh tế phát triển. Nhưng chuyên gia này lưu ý chính sự nghiêm khắc đó giúp Nhật Bản trở thành một thị trường lý tưởng khi nước này mở cửa trở lại.
Trong khi đó, chiến lược gia Wai Ho Leong tại công ty quản lý tài chính Modular Asset Management của Singapore (Xin-ga-po) nhận định các quốc gia châu Á nhìn chung sẽ được chuẩn bị tốt hơn để đối phó với làn sóng dịch do biến thể Omicron gây ra, khi đợt dịch này nhiều khả năng sẽ tồn tại trong thời gian ngắn hơn. Theo ông, những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao và các biện pháp kiểm soát đi lại kịp thời sẽ có khả năng phục hồi nhanh hơn sau làn sóng này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận