Nhà băng nào ROE 'khủng' nhất?
Thống kê từ 27 ngân hàng niêm yết cho thấy tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) 4 quý gần nhất ngành này có xu hướng giảm.
Theo đó, ROE bình quân các ngân hàng đạt gần 18% tính đến cuối tháng 6-2023. Trước đó, năm 2022, ROE trung bình gần 20%, năm 2021 đạt 19%.
ROE giảm trong bối cảnh lợi nhuận sau thuế cả ngành đi xuống. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận sau thuế ngân hàng niêm yết giảm 2,9%, chủ yếu do tăng tín dụng thấp và chi phí trích lập dự phòng tăng.
Mặc dù giảm, song ROE ngành ngân hàng vẫn thuộc "top" cao trên thị trường chứng khoán và khi so với một số ngành như bất động sản (gần 11%).
Vị trí quán quân tính đến quý 2-2023 tiếp tục thuộc về VIB với ROE 28,84%. Xếp thứ hai là ACB - ngân hàng có chủ tịch trẻ từng nổi như cồn sau vũ đạo "Cô đơn trên sofa".
Tiếp đến là Vietcombank, HDBank, BIDV, TPBank, SHB, MSB, Sacombank với ROE lần lượt 23,58%; 22%; 19,92%; 19,79%; 18,27%; 17,78%; 17,5%.
"Đội sổ" là nhóm Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NVB), Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVB), Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAB)...
Chuyên gia Chứng khoán MB (MBS) cho biết một trong các yếu tố quan trọng giúp ROE VIB đạt mức cao đến từ nguồn thu ngoài lãi dồi dào được phát sinh trên nguồn vốn chủ có sẵn mà không cần gia tăng thêm nguồn vốn chủ sở hữu.
Việc tận dụng nguồn thu phí từ thẻ sẽ tận dụng được các hiệu quả về chuyển đổi số trên nền tảng khách hàng bán lẻ lớn của VIB là một ưu thế lớn.
Ngoài ra theo MBS, những khó khăn hiện tại của trái phiếu và các dự án bất động sản gần như không tác động đến chất lượng tài sản của ngân hàng này.
Chuyên gia từ Wigroup cũng chỉ ra rằng những ngân hàng có tỉ lệ cho vay bán lẻ cao sẽ tiếp tục hưởng lợi khi Việt Nam đang dần bước vào giai đoạn phục hồi.
Ngược lại, những ngân hàng có tăng trưởng cho vay chủ yếu đến từ bất động sản sẽ tiếp tục gặp khó do chính sách siết tín dụng sẽ giới hạn khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Một chỉ số khác - ROA (tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản) cũng được nhà đầu tư quan tâm khi đong đếm lợi nhuận ngành ngân hàng.
Thống kê cho thấy tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) 4 quý gần nhất của 27 ngân hàng ở mức 1,54%, giảm nhẹ so với năm 2022.
Đứng đầu là Techcombank (2,65%), tiếp đến là MBBank (2,57%), VIB (2,47%), ACB (2,46%)...
Có thể thấy ngành ngân hàng có tỷ lệ ROE rất cao nhưng ROA lại ở mức thấp, thậm chí không có đơn vị nào trên 3%. Trong khi ROA bất động cùng thời điểm là 3,66%, chứng khoán hơn 2,7%.
Điều này do quy mô tổng tài sản ngân hàng rất lớn. Nhà băng dùng hai nguồn vốn sinh lời chủ yếu: vốn tự có, huy động. Trong đó, tiền gửi huy động khách hàng nhiều ngân hàng cả triệu tỷ đồng. Do vậy, rất khó để so ROA ngân hàng với các ngành khác, mà thường chỉ để "đọ" trong ngành.
Đứng ở góc độ nhà đầu tư, ngoài ROE và ROA, cần đánh giá tổng quát các tỉ lệ khác, như: NIM (biên lãi ròng), CASA (tiền gửi không kỳ hạn), nợ xấu.
"ROE cao chưa chắc đã tốt. Nếu quý này họ chưa trích lập, lợi nhuận tốt nhưng quý sau cũng sẽ phải trích lập, lúc đó lợi nhuận giảm, ROE giảm. Nợ xấu còn có nguy cơ gia tăng khi kinh tế khó khăn, những ngân hàng bộ đệm vốn mỏng cần được chú ý", một chuyên gia tài chính ngân hàng nói với Tuổi Trẻ.
Trong khi đó, NIM của các ngân hàng thương mại tiếp tục xu hướng giảm trong quý 2/2023. Theo MBS, NIM giảm mạnh nhất ở VPBank và Techcombank, chủ yếu do nhu cầu các mảng cho vay chủ lực như tiêu dùng hay bất động sản bị sụt giảm nghiêm trọng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận