menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thúy Anh

Nhà băng cứu doanh nghiệp chính là cứu mình!

Ngân hàng là huyết mạch trong nền kinh tế, hệ thống ngân hàng có mạnh khỏe, kinh doanh hiệu quả, thì mới có thể đảm bảo cho nền kinh tế phát triển bền vững được.

Dường như đã thành thông lệ, mỗi khi nền kinh tế gặp khó khăn, ngành ngân hàng luôn đi đầu trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc giãn, hoãn nợ, miễn giảm lãi vay…

Để có thể giảm 2% lãi suất đối với tất cả các khoản vay cũ và mới hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch, BIDV dự kiến giảm khoảng từ 2.400 đến 3.000 tỷ đồng thu nhập.

Dịch COVID-19 bùng phát và làn rộng ra toàn cầu đang khiến hoạt động sản xuất – kinh doanh – xuất khẩu bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Thực tế đó khiến cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế bị đe dọa và tác động xấu tới vấn đề việc làm, an sinh xã hội.

Trong bối cảnh đó, cũng đã xuất hiện khá nhiều ý kiến kêu gọi nên nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng, mà quên đi rằng chính sách tiền tệ không thể giải quyết được tận gốc những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, bởi nó không thể nối lại chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy vì dịch bệnh và cũng không thể tạo thêm đơn hàng mới cho doanh nghiệp. Trong khi nới lỏng tiền tệ lại có thể thổi bùng lạm phạt, đẩy tăng tỷ giá, từ đó gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô.

Những ý kiến này chỉ chấm dứt khi Chính phủ lên tiếng khẳng định không nới lỏng tiền tệ, mà trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ cần tiếp tục điều hành một cách chủ động, linh hoạt và thận trọng để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Thế nhưng, hiểu rõ trọng trách “huyết mạch của nền kinh tế của mình”, hệ thống ngân hàng đã nhanh chóng vào cuộc bằng nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực dành cho doanh nghiệp. Theo đó, các ngân hàng tích cực rà soát để cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; miễn, giảm lãi suất theo đúng tinh thần Thông tư 01/2020/TT-NHNN của NHNN. Động thái này không chỉ giúp doanh nghiệp không phải chịu lãi suất phạt khi không trả nợ đúng hạn, mà còn không bị hạ điểm tín dụng, từ đó có thể đễ dàng tiếp cận các khoản vay mới khi có nhu cầu.

Không chỉ vậy, các ngân hàng còn triển khai gói hỗ trợ tín dụng 285.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 0,5-1% để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Gần đây nhất, thực hiện Chỉ thị 02-CT/NHNN của Thống đốc NHNN, các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay tới 2%, dành cho cả các khoản nợ cũ lẫn các khoản vay mới…

Hiện mặt bằng lãi suất huy động tuy có giảm so với cuối năm 2019, song chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, trong khi lãi suất huy động ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn neo ở mức khá cao. Thậm chí, đâu đó vẫn thấy có ngân hàng trả lãi tới trên 8%/năm cho các khoản tiền gửi. Với mặt bằng lãi suất huy động như vậy, rõ ràng để có thể giảm mạnh lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, thì các nhà băng phải tiết giảm tối đa chi phí hoạt động của mình, thậm chí chấp nhận giảm lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp.

Đơn cử như tại BIDV, để có thể giảm 2% lãi suất đối với tất cả các khoản vay cũ và mới để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bới dịch, ngân hàng này dự kiến giảm khoảng từ 2.400 đến 3.000 tỷ đồng thu nhập. Hay như VietinBank vừa tung ra gói tín dụng quy mô 60.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 2% để hỗ trợ doanh nghiệp. Để có thể triển khai gói tín dụng này, VietinBank cũng phải chấp nhận giảm thu không nhỏ…

Vẫn biết, mấy năm gần đây các nhà băng thu lãi rất lớn, thậm chí không ít nhà băng lãi trên chục ngàn tỷ đồng, nên việc bỏ ra vài trăm, thậm chí ngàn tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn cũng là điều nên làm. Hơn nữa, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng là mối quan hệ cộng sinh, doanh nghiệp khỏe thì ngân hàng mới khỏe. Do đó, nhà băng cứu doanh nghiệp cũng là cứu mình.

Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận ngân hàng cũng là doanh nghiệp và cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là khó khăn kép vì dịch bệnh. Quả vậy, dịch bệnh bùng phát khiến nhu cầu tín dụng sụt giảm mạnh, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu và lợi nhuận của các nhà băng. Trong khi nợ xấu lại được dự báo sẽ tăng nhanh, càng khiến năng lực tài chính của các nhà băng bị bào mòn. Thế nhưng, các nhà băng vẫn chấp nhận giảm thêm lợi nhuận để kéo giảm lãi suất chho vay hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế.

Điều đáng nói là dường như không ít người lại đang quên mất điều này. Chẳng thế mà ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT VietinBank khẩn thiết đề nghị, ngân hàng cũng rất cần thiết phải có những chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, ví dụ như chính sách xem xét giảm hoặc miễn thuế đối với các ngân hàng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả