Nguyên vật liệu tăng giá, dự án "treo" thi công
Dịch bệnh bùng phát phức tạp, đầu tư công tiếp tục là động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2021. Tuy nhiên, giá sắt, thép, xi măng, kính, gạch; giá nhân công tăng khiến nhiều dự án chậm tiến độ, thậm chí đình trệ.
Từ đầu năm tới nay, giá sắt, thép tăng tới 40%, dự án đầu tư công đội vốn cả trăm tỷ đồng. Điều này khiến doanh nghiệp (DN) xây dựng khó hoàn thành đúng tiến độ, thậm chí đình trệ thi công bởi càng làm làm lỗ.
Đại diện DN thi công dự án thành phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo cho biết, giá thép tăng đã làm phát sinh chi phí thêm gần 150 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai dự án. Dù đã có phương án dự phòng rủi ro từ biến động giá của thị trường, nhưng đà tăng giá phi mã của nguyên vật liệu khiến DN và nhà thầu khó cầm cự, buộc phải chấp nhận chịu phạt thầu hoặc dừng thi công để tránh bị thiệt hại.
“Các gói thầu đầu tư dùng vốn ngân sách nhà nước chúng tôi đang thi công buộc phải ngưng. Tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công của DN năm 2021 chắc chắn bị ảnh hưởng. Điều này cần sớm được tháo gỡ, nhất là trong bối cảnh đầu tư công được xem là động lực tăng trưởng quan trọng giữa bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp”, đại diện một nhà thầu xây dựng quân đội cho biết.
Điều này cũng diễn ra ở 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ông Nguyễn Minh Khiêm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty 319 (đơn vị đang thi công 3 dự án trọng điểm là Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn và Mỹ Thuận - Cần Thơ) cho biết, do giá vật liệu tăng, khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, khó đạt tiến độ.
Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết do Ban Quản lý Dự án 7 (Bộ GTVT) quản lý được khởi công ngày 30/9/2020 với tổng mức đầu tư khoảng gần 11.000 tỷ đồng, cũng đang trong tình trạng "treo thi công" tương tự. Dự án có chiều dài 100,8km, dự kiến cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2022, nhưng do giá vật liệu tăng chóng mặt nên các nhà thầu không thể xoay xở và dự án khó có thể về đích đúng kế hoạch.
Theo ông Cung, cần tránh “bó cứng” tổng mức đầu tư của dự án. Nếu được, bỏ luôn quy định liên quan tới điều chỉnh chủ trương đầu tư, vì trong năm 2021 và vài năm tới, động lực tăng trưởng vẫn đến từ đầu tư công. Có như vậy, chủ đầu tư và nhà thầu mới yên tâm khi tham gia dự án đầu tư có sử dụng ngân sách nhà nước.
Theo ông Trần Quang Tuyến, đại diện Công ty Xây dựng Vạn Cường (đơn vị thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Phan Thiết - Dầu Giây), doanh nghiệp này tham gia bỏ thầu vào tháng 10/2020 khi giá thép xây dựng được chủ đầu tư cập nhật trong dự toán chỉ khoảng 11.000 - 12.000 đồng/kg. Hiện nay, giá thép đã tăng 40% so với thời điểm đó.
Theo một số nhà thầu, không chỉ giá thép tăng mà lượng thép cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu, mặc dù các nhà thầu đã đặt tiền trước cả tháng. Tình trạng này khiến các nhà thầu thi công hạng mục cầu vượt sông đứng trước nguy cơ chậm tiến độ và lỗ nặng.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá sản xuất nhóm sản phẩm sắt, thép tháng 4/2021 đã tăng gần 28% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng hơn 23%.
Cần sự vào cuộc của bộ, ngành
Trước thực trạng trên, Bộ GTVT vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu chủ đầu tư dự án hạ tầng giao thông khẩn trương đề xuất các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực do biến động giá thép. Bộ Xây dựng cũng có công văn đề nghị bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND các tỉnh, thành phố đánh giá tác động của COVID-19 và biến động giá một số vật liệu xây dựng đến tình hình dự án đầu tư công.
Về việc dự án đầu tư công có nguy cơ đình trệ khi giá hàng hóa tăng, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, không chỉ thép mà rất nhiều vật liệu xây dựng khác tăng giá đã làm đội vốn công trình xây dựng. Điều này khiến nhiều dự án đầu tư có sử dụng ngân sách nhà nước có nguy cơ đình trệ.
Vật liệu xây dựng tăng đã làm thay đổi tổng vốn đầu tư, nội dung quan trọng nhất trong chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư. Khi tổng mức đầu tư thay đổi, chủ đầu tư buộc phải xin thay đổi chủ trương đầu tư. Thủ tục này có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí hàng năm. Vì vậy, nếu Chính phủ không chỉ đạo quyết liệt, giải ngân đầu tư công năm nay chắc chắn sẽ thấp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận