24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Lan Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nguyễn Thái Luyện bị tuyên án chung thân

TAND TP HCM bác quan điểm bào chữa của các luật sư bảo vệ Chủ tịch địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm, cho rằng các bị cáo đã lừa đảo hơn 4.500 người.

Chiều 29/12, sau hơn 3 tiếng đọc bản án, HĐXX bác toàn bộ quan điểm bào chữa của các luật sư bảo vệ Nguyễn Thái Luyện, 36 tuổi, Chủ tịch Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba (địa ốc Alibaba) cùng 22 đồng phạm.

Tòa tuyên phạt Luyện mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) 20 năm tù về cùng tội danh, 12 năm tù về tội Rửa tiền, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù (mức án cao nhất của hình phạt tù có thời hạn).

HĐXX buộc Luyện và Mai liên đới bồi thường toàn bộ số tiền chiếm đoạt của các bị hại (được nêu chi tiết trong các phụ lục I, II của bản án) - tương đương 2.100 tỷ đồng.

Bị cáo Nguyễn Thái Lực bị tuyên 27 năm tù; Nguyễn Thái Lĩnh 17 năm tù; các bị cáo khác nhận 10-19 năm tù. Riêng bị cáo Huỳnh Kim Thắng (đang được tại ngoại để chữa bệnh ung thư) bị phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Tòa cũng kiến nghị cơ quan điều tra các tỉnh có dự án "ma" của Nguyễn Thái Luyện cần làm rõ sai phạm của một số cá nhân có liên quan; Công an TP HCM tiếp tục làm rõ và thu hồi 9 tỷ đồng mà bị cáo Mai đã chuyển cho hai cá nhân vì đây là tiền phạm tội.

Về nội dung vụ án, HĐXX cho rằng, số tiền các bị cáo chiếm đoạt và số tiền của các bị hại có chênh lệch do tính toán về số học, nhưng việc này không làm thay đổi bản chất vụ án. Do đó không chấp nhận quan điểm của một số luật sư về việc "trả hồ sơ để điều tra lại".

Tòa xác định, vụ án có hơn 4.500 bị hại nhưng đến nay chỉ có hơn 3.900 người đăng ký giải quyết yêu cầu bồi thường. Do đó, HĐXX sẽ tiếp tục đăng báo trong ba kỳ liên tiếp để tiếp tục giải quyết. Một số bị cáo nhận mình "cũng là bị hại của địa ốc Alibaba" nhưng không cung cấp được các hồ sơ chứng từ, nên toà tiếp tục cho các bị cáo quyền khởi kiện bằng vụ án dân sự khác.

HĐXX cho rằng hồ sơ vụ án và kết quả thẩm vấn công khai cho thấy có đủ căn cứ xác định Luyện phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản như cáo buộc của VKS. Từ tháng 5/2016, Luyện (cử nhân luật) thành lập Công ty địa ốc Alibaba với vốn điều lệ một tỷ đồng. Hai năm sau, công ty thay đổi vốn lên mức 1.600 tỷ đồng, song con số này chỉ tăng trên giấy tờ. Với vai trò Chủ tịch HĐQT và lợi thế hiểu biết Luyện tìm cách lách luật, tạo dựng lên hệ thống kinh doanh các dự án bất động sản "ma".

Luyện thành lập 22 pháp nhân, giao cho người thân và nhân viên đứng tên, trong đó sử dụng 12 công ty với tư cách là chủ đầu tư 58 dự án bất động sản không có thật tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận; tự phân lô, tách thửa trái pháp luật; quảng cáo gian dối để bán cho hàng nghìn người.

Toàn bộ dự án được vẽ trái phép trên diện tích đất nông nghiệp đặc biệt lớn mà Công ty Alibaba chuyển nhượng cho khách hàng, không phải là đất thổ cư như nội dung thể hiện trong hợp đồng chuyển nhượng. Bằng các thủ đoạn này, Chủ tịch địa ốc Alibaba và đồng phạm là nhân viên dưới quyền đã chiếm đoạt gần 2.400 tỷ đồng của 4.560 khách hàng.

Theo tòa, đất đai là nguồn tài sản hữu hạn, nên mỗi quốc gia đều có những chính sách và nguyên tắc nhằm đảm bảo việc sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Mỗi địa phương đều có những quy định về giới hạn nhận chuyển nhượng đất, nhưng Luyện đã lách luật, nhờ người thân, nhân viên đứng ra thu gom mua diện tích lớn đất nông nghiệp vượt hạn mức rất nhiều lần.

Việc thực hiện dự án phân lô bán nền phải đảm bảo nhiều điều kiện về quy hoạch, hạ tầng, giấy phép... và hoàn thành nghĩa vụ tài chính trước khi bán. Tuy nhiên, Luyện và đồng phạm đã tự ý phân lô bán nền trái phép, không xin cấp phép thực hiện dự án nhưng đã đưa ra các thông tin gian dối để khách hàng tin tưởng dự án có đầy đủ giấy tờ pháp lý.

"Luyện và đồng phạm còn vẽ ra các dự án với những tên gọi hoành tráng, thuê quảng cáo rầm rộ... nhằm tạo lòng tin cho khách hàng. Toàn bộ số tiền thu được bị cáo không thực hiện dự án như cam kết mà tiếp tục sử dụng vào việc thu mua đất nông nghiệp cho cá nhân mình", bản án nêu. Từ đó, HĐXX không chấp nhận quan điểm bào chữa của luật sư cho rằng "các dự án là có thật, đang trong quá trình hoàn thành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng"...

"Trong vụ án này Luyện có vai trò xuyên suốt, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của công ty. Hành vi của bị cáo không chỉ chiếm đoạt tiền của các bị hại mà còn phá vỡ quy hoạch của địa phương nên cần có mức án nghiêm khắc...", tòa nhận định. "Do toàn bộ đều là dự án 'ma' nên không có căn cứ xác định trách nhiệm của các bị cáo khác theo tỷ lệ diện tích đứng tên như đề nghị của luật sư. Tuy nhiên, HĐXX sẽ xem xét đánh giá mức độ vai trò để xem xét trách nhiệm cho từng bị cáo".

Đối với các bị cáo bị truy tố tội Rửa tiền, HĐXX đánh giá, Võ Thị Thanh Mai là vợ Luyện, Giám đốc tài chính Công ty Alibaba; Huỳnh Kim Thắng là nhân viên kế toán và Nguyễn Thái Lực là em trai đồng thời là trợ lý của Luyện. Với vị trí đang đảm nhiệm, các bị cáo có đủ hiểu biết nhận thấy toàn bộ tài sản của Alibaba có nguồn gốc là tiền của công ty.

Sau khi vụ án được khởi tố, Mai và Thắng chứng kiến việc cơ quan điều tra thu giữ toàn bộ tài sản của công ty. Như vậy, các bị cáo biết rõ số tiền 13 tỷ đồng bị cáo Thắng đứng tên có nguồn gốc bất hợ pháp nhưng vẫn rút ra chuyển lòng vòng, sau đó đưa cho Mai sử dụng vào mục đích cá nhân. Do đó, hành vi của các bị cáo phạm tội như cáo trạng truy tố. "Đến nay, bị cáo Mai cương quyết không trình báo về việc sử dụng số tiền cho các cá nhân nào khiến các cơ quan tố tụng không thể thu hồi.

Nguyễn Thái Luyện bị tuyên án chung thân
Các bị cáo tại tòa sáng 29/12. Ảnh: Đình Văn

Trước đó, quá trình xét xử, luật sư Phan Thanh Hưng (một trong ba luật sư của Luyện), thân chủ không phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản bởi điều kiện cấu thành tội danh này phải "có ý thức chiếm đoạt từ trước, người thực hiện hành vi phải sử dụng các thủ đoạn gian dối để người khác tin tưởng, giao tài sản cho mình".

Trong khi đó, trước khi nhận tiền của khách hàng, Luyện đã ký dưới các hình thức "hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất" và hợp đồng đầu tư cam kết trả lãi và bồi thường thiệt hại. Thực tế nhiều khách hàng đã nhận được tiền lãi và thanh lý hợp đồng theo thỏa thuận.

Luật sư cũng cho rằng dấu hiệu chiếm đoạt trong vụ án này chưa rõ ràng. Việc mua bán diễn ra công khai, khách hàng đều biết đất mua là đất nông nghiệp. Họ có niềm tin là khi nhận được nền đất, giá trị sẽ cao hơn lúc đầu tư. Khách hàng tự nhận thức và quyết định theo ý chí của mình một cách tự nguyện.

Ngoài ra, tại tòa và quá trình điều tra có nhiều khách hàng được xác định là bị hại nhưng vẫn khẳng định Công ty Alibaba và Luyện thực hiện đúng cam kết với họ theo các nội dung thỏa thuận trong hợp đồng. Khi Luyện bị bắt, một số người đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đúng theo quy định, chưa đăng bộ sang tên thì cơ quan điều tra kê biên tài sản, nên không thể hoàn tất.

Từ đó luật sư đề nghị HĐXX xem xét hành vi của Luyện và đồng phạm có dấu hiệu của tội Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai theo Điều 228 Bộ luật Hình sự (khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù) và đề nghị tòa xét xử thân chủ về tội danh này.

Một số luật sư khác cũng chung quan điểm, đề nghị tòa xem xét đổi tội danh đối với thân chủ.

Bào chữa cho Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện), luật sư Vũ Đức Lê cho rằng ở tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Mai với vai trò là vợ phải phụ thuộc chồng, nên mọi việc làm đều theo chỉ đạo của Luyện. Bị cáo cũng không hưởng lợi ích gì từ công ty, do đó đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Đối với tội Rửa tiền, luật sư Lê cho rằng hành vi của thân chủ không cấu thành tội danh như cáo buộc của VKS. Việc bị cáo Mai chuyển 13 tỷ đồng có nguồn gốc là tiền của công ty cho em chồng là Nguyễn Thái Luyện không nhằm mục đích tẩu tán tài sản.

Theo luật sư, sau khi Luyện bị bắt, bị cáo Huỳnh Kim Thắng (nhân viên kế toán) không muốn liên quan đến vụ án nên đã chủ động báo với Mai tất toán khoản tiết kiệm đang đứng tên giúp chứ không phải Mai chỉ đạo nhân viên này rút tiền đưa cho mình. Do đó, bị cáo Mai hoàn toàn không cố ý rút tiền của công ty sau khi biết chồng bị bắt.

Bào chữa cho những bị cáo khác, các luật sư cho rằng thân chủ thiếu hiểu biết, làm theo chỉ đạo của Luyện, không được hưởng lợi, bản thân cũng là bị hại (đầu tư tiền vào công ty), hoàn cảnh khó khăn... nên xin tòa xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.

Trước đó, VKS giữ nguyên quan điểm cho rằng có đủ căn cứ xác định Luyện có vai trò chủ mưu, chỉ đạo xuyên suốt các nhân viên lập 58 dự án "ma" trên toàn bộ diện tích đất nông nghiệp, lừa bán cho hơn 4.000 khách hàng, chiếm đoạt hơn 2.400 tỷ đồng. Từ đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên bị cáo mức án tù chung thân.

Võ Thị Thanh Mai và Nguyễn Thái Lực bị đề nghị mức án 30 năm tù về hai tội Lừa đảo và Rửa tiền. Các bị cáo khác bị đề nghị 5 đến 20 năm tù về một trong hai tội.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả