24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Irina Phạm
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nguyên nhân Trung Quốc bất ngờ thay đổi thái độ đối với thương chiến

Các biện pháp thuế quan mới của Trung Quốc nhằm vào hàng hóa Mỹ được đưa ra trong bối cảnh áp lực kinh tế suy giảm ngày một tăng, các chỉ số về công nghiệp, tiêu dùng xuất hiện dấu hiệu đáng lo ngại.

Ngày 23/8, Bộ Tài chính Trung Quốc bất ngờ tuyên bố nâng cấp biện pháp thuế quan đối với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Ba hôm sau, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc lại bất ngờ phản đối leo thang chiến tranh thương mại và theo Tổng thống Mỹ Donald Trump, Bắc Kinh còn sẵn sàng trở lại bàn đàm phán thương mại với Washington.


Theo tờ Economic Journal, việc Trung Quốc cứng rắn áp thuế trả đũa Mỹ với mức cao, nhất là với nông sản Mỹ (đậu tương: 30%; ngũ cốc 35%; hoa quả, thịt các loại: 35%...) cho thấy nước này dường như có ý chủ động ra đòn, đặt cược vào sự thay đổi Chính phủ ở Mỹ.


Bởi các biện pháp thuế quan mới của Trung Quốc được đưa ra vào thời khắc nhạy cảm của hoạt động tranh cử Tổng thống Mỹ, hơn thế còn nhằm thẳng vào các điểm yếu chí tử của ông Trump trong lĩnh vực nông nghiệp, tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế.


Theo báo trên, phía Trung Quốc trước đây luôn chủ trương bình tĩnh đối phó với Mỹ trong cuộc chiến thương mại. Cho nên, việc Bắc Kinh mạnh tay cứng rắn với Mỹ bất chấp khó khăn kinh tế là một bất ngờ. Tuy nhiên, vài ngày sau, một bất ngờ khác đã xảy ra.


Khi tham dự một triển lãm quốc tế tại Trùng Khánh, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã kêu gọi Mỹ giải quyết chiến tranh thương mại thông qua tham vấn và hợp tác bằng một "thái độ bình tĩnh". Ông Lưu Hạc đồng thời bày tỏ Bắc Kinh kiên quyết phản đối leo thang cuộc chiến này vì nó không có lợi cho cả Trung Quốc và Mỹ lẫn nhân dân thế giới.


So với những ngôn từ truyền thông chính thức của Trung Quốc, như “chiến đấu tới cùng”, lời kêu gọi của ông Lưu Hạc rõ ràng là đã hạ thấp giọng điệu và cũng không đề cập tới việc trả đũa các biện pháp thuế quan mới mà ông Trump đưa ra sau khi Trung Quốc áp thuế mới với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ.


Đáng chú ý là vài giờ sau khi ông Lưu Hạc công khai lên tiếng kêu gọi các bên "bình tĩnh", ông Trump đã tiết lộ với các nhà lãnh đạo thuộc nhóm G7 đang nhóm họp ở Biarritz (Pháp) rằng phía Bắc Kinh đã liên lạc với đội ngũ phụ trách thương mại của Mỹ và mời phía Mỹ trở lại bàn đàm phán.


Những động thái trên dường như cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc đã quay trở lại với lập trường thái độ bình tĩnh, nhưng cũng có thể đó là phản ứng đối với hiện thực kinh tế và chính trị mà Bắc Kinh đang phải đối mặt. Trên thực tế, sau khi Trung Quốc nâng cấp biện pháp thuế quan đối với hàng hóa Mỹ, đã xảy ra một số vấn đề đáng chú ý.


Thứ nhất, phía Mỹ ra đòn trả đũa nhanh, mạnh vượt dự kiến đối với hàng hóa Trung Quốc. Trung Quốc mất hơn 3 tuần để đưa ra đòn trả đũa đối với việc ông Trump quyết định áp thuế bổ sung đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1/9/2019 (sau đó phân làm 2 đợt, lần lượt có hiệu lực từ ngày 1/9 và 15/12/2019).


Tuy nhiên, ông Trump chỉ mất khoảng 10 tiếng đồng hồ để đưa ra đòn trả đũa với quyết định áp thuế nhằm vào 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ của Trung Quốc. Hơn nữa, mức thuế mới đều được nâng lên, bao phủ gần như toàn bộ hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ hằng năm. Thậm chí, ông Trump còn để ngỏ khả năng vận dụng Đạo luật Quyền hạn Kinh tế quốc tế khẩn cấp (IEPPA) năm 1997 để ra lệnh cho doanh nghiệp Mỹ tìm nơi thay thế Trung Quốc.


Thứ hai, trong Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Pháp, không có một quốc gia nào đứng về phía Trung Quốc hay nghi ngờ hành động leo thang thuế quan của Mỹ để kiềm chế Trung Quốc. Bắc Kinh rõ ràng đã bị cô lập.


Thứ ba, sau khi Mỹ-Trung leo thang biện pháp thuế quan nhằm vào nhau, thị trường vốn của hai nước đều bị chấn động mạnh. Trong đó, tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc ngày 26/8 tái diễn cảnh rơi thẳng đứng, có lúc áp sát mức 7,2 NDT đổi 1 USD, là mức thấp nhất trong hơn 11 năm.


Theo nhà phân tích Lý Nhược Phàm thuộc Ngân hàng OCBC Wing Hang ở Hong Kong (Trung Quốc), nếu tình hình tiếp tục xấu đi, không loại trừ khả năng trong ngắn hạn, tỷ giá đồng NDT sẽ thử thách ngưỡng 7,3 NDT đổi 1 USD.


Một khi kỳ vọng về sự phá giá đồng NDT được hình thành, làn sóng rút vốn khỏi Trung Quốc trong quá khứ sẽ tái hiện, không chỉ bào mòn dự trữ ngoại tệ, mà còn đặt hệ thống tài chính của nước này trước thách thức lớn.


Vì thế, một số nhà phân tích cho rằng leo thang thuế quan khiến cả Trung Quốc và Mỹ chịu thiệt hại, nhưng không loại trừ khả năng thiệt hại mà Bắc Kinh phải gánh chịu sẽ lớn hơn Washington. Đây có thể là logic quan trọng trong sự thay đổi thái độ nhanh chóng của Trung Quốc./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả