Nguyên nhân khiến thanh khoản thị trường BĐS quý 3 sụt giảm?
Theo bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman&Wakafield Việt Nam, yếu tố ảnh hưởng trực tiếp nhất đến thanh khoản của thị trường quý vừa qua đến từ việc Ngân hàng giới hạn tín dụng đối với lĩnh vực BĐS.
Trong buổi chia sẻ mới đây với Batdongsan.com.vn, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman&Wakafield Việt Nam nhìn nhận, thị trường BĐS các tháng cuối năm và nửa đầu năm 2023 sẽ vẫn ghi nhận xu hướng tăng giá bán với loại hình bất động sản nhà ở.
Chia sẻ về việc nguyên nhân khiến thanh khoản thị trường BĐS sụt giảm trong quý 3, bà Trang Bùi cho rằng, yếu tố ảnh hưởng trực tiếp nhất đến thanh khoản của thị trường quý vừa qua đến từ việc Ngân hàng giới hạn tín dụng đối với lĩnh vực BĐS. Chính sách kiểm soát tín dụng có hiệu lực từ đầu tháng 7 đã tạo ra nhiều rào cản trong việc huy động vốn từ các ngân hàng thương mại của các chủ đầu tư. Điều này dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn khi triển khai các dự án căn hộ mới. Bên cạnh đó, chính sách tín dụng còn gây nên những khó khăn trong việc giải ngân vốn vay cho khách hàng, khiến nhiều người mua nhà đắn đo hơn khi quyết định xuống tiền và tất yếu dẫn đến lượng bán mới và tỷ lệ hấp thụ thời gian qua thấp hơn nhiều so với các quý trước.
Ngoài ra, việc nguồn cung căn hộ mở bán tại TP.HCM thời gian qua có sự thiên lệch rõ ràng về loại hình trung – cap cấp. Phần lớn các sản phẩm nhà ở mở bán tại TP.HCM có tầm giá trên 50 triệu đồng/m2, chiếm đến 75% giỏ hàng. Phân khúc nhà ở bình dân giá từ 35 triệu đồng/m2 chỉ có khoảng 16%. Sự thiếu đa dạng nguồn cung cũng là nguyên nhân khiến dù nhu cầu nhà ở trong dân vẫn rất lớn nhưng khó tìm được sản phẩm phù hợp với tầm tài chính trong bối cảnh tiếp cận dòng vốn ngân hàng khó khăn.
Dự báo về thị trường BĐS từ nay đến cuối năm 2022, vị TGĐ của Cushman&Wakafield Việt Nam cho biết, thị trường sẽ vẫn đối mặt với nhiều thách thức, chính sách kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro như bất động sản và việc ngân hàng nhà nước tăng lãi suất điều hành khiến hai dòng vốn quan trọng vào bất động sản là tín dụng ngân hàng và trái phiếu chịu nhiều hạn chế. Lãi suất tăng, trái phiếu doanh nghiệp khó khăn khiến cơn khát vốn kéo dài chưa có giải pháp. Bên cạnh đó chi phí kinh doanh tăng lên, chi phí vốn cao hơn trước và tâm lý thắt chặt chi tiêu, trong đó có chi tiêu và đầu tư cho bất động sản gia tăng là những khó khăn mà thị trường BĐS cuối năm phải đối mặt. Tuy nhiên dòng vốn FDI lại đang là điểm sáng của thị trường. Số liệu mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, 9 tháng đầu năm 2022, lượng vốn FDI đã giải ngân đạt 15,4 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó lĩnh vực BĐS đứng thứ 2 với trên 3,5 tỷ USD, con số này tăng gần gấp đôi so với 9 tháng cùng kỳ năm 2021.
Mặc dù dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu giảm, Việt Nam vẫn được đánh giá rất khả quan. Trong 9 tháng năm 2022, GDP tăng 8,83%, hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Lạm phát được kiểm soát tốt, thuộc nhóm các nước có mức tăng lạm phát thấp so với mặt bằng chung. Chính phủ cũng đang đẩy nhanh triển khai nhiều dự án hạ tầng, kiểm soát vốn, thuế chuyển nhượng BĐS, hạn chế phân lô tách thửa và chú trọng vào phát triển sản phẩm nhà ở xã hội,... các yếu tố này đã và sẽ giúp thị trường có nhiều động lực tăng trưởng bền vững hơn trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận