menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Nhật Anh Pro

Nguyên nhân đằng sau những khoản đầu tư thua lỗ là điều mà chúng ta cần nhìn nhận lại?!

Nhìn lại hững khó khăn của thị trường thời gian gần đây.

Nguyên nhân đằng sau những khoản đầu tư thua lỗ là điều mà chúng ta cần nhìn nhận lại?!

Trong thời gian từ tháng 9 đến đầu tháng 10 vừa qua, thị trường chứng khoán đã trải qua không ít khó khăn, trở ngại không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Riêng ở thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index đã sụt giảm hơn 33% kể từ đỉnh 1500 điểm và đỉnh điểm chính là vào ngày 3/10 khi chỉ số VN-Index giảm hơn 4% với 190 mã giảm sàn hết biên độ. Thông qua thống kê trong cùng ngày, chỉ số chứng khoán Việt Nam đã gây sự chú ý đến cộng đồng nhà đầu tư thế giới với xếp hạng cao nhất về sự sụt giảm so với chỉ số chứng khoán của hàng loạt các quốc gia khác trên thế giới.

Nguyên nhân đằng sau những khoản đầu tư thua lỗ là điều mà chúng ta cần nhìn nhận lại?!

Chỉ số chứng khoán thế giới-Nguồn: Investing.com

Không dừng lại ở đó, những ngày tiếp theo thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tiếp tục có những phiên sụt giảm với biên độ không hề nhỏ trước những thông tin về vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Vạn Thịnh Phát và rủi ro trái phiếu bất động sản trên toàn bộ hệ thống liên ngân hàng. Hàng loạt mã cổ phiếu ngân hàng, bất động sản và chứng khoán đã bị bán bất chấp nhiều phiên liên tiếp. Với diễn biến xấu ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường, chỉ số VN-Index đã không thể vực dậy trong thời điểm này và tiếp tục giảm sâu.

Những áp lực chỉ thực sự qua đi khi Nhà nước đã vào cuộc để trấn an người dân và đảm bảo sự hoạt động bình thường của hệ thống liên ngân hàng. Thị trường do đó đã dần ổn định trở lại với những phiên hồi phục kể từ ngày 12/10.

Tính bất cập của thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện tại là không thể phủ nhận.

Mặc dù không phải toàn bộ nhưng có thể nói phần lớn những nhà đầu tư cá nhân là những người chịu thiệt hại lớn nhất trong giai đoạn khó khăn vừa rồi của thị trường. Trên các diễn đàn, có không ít những chia sẻ vô cùng đau xót về tình trạng thua lỗ. Có những người âm 20,30% rồi 50% tài khoản và cũng có những người cháy tài khoản do sử dụng margin khi thị trường sập. Đằng sau họ không chỉ có mỗi cuộc sống mưu sinh cá nhân mà còn là cả 1 gia đình. Những chia sẻ ấy cũng đã nhận được không ít sự đồng cảm và động viên từ những nhà đầu tư mới khác và cả những nhà đầu tư đã có kinh nghiệm lâu năm.

Những vấn đề được đưa ra chủ yếu được đưa ra bàn luận là tính bất cập của thị trường Việt Nam, T2.5 hay phái sinh. Có một điều không thể phủ nhận rằng đó là những yếu tố đang thực sự hiện hữu và có những ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán Việt Nam mặc dù đã trải qua hơn 20 năm thăng trầm nhưng so với những thị trường như Mỹ, Trung Quốc hay Châu Âu thì vẫn còn đang rất non trẻ. Với tính chất của một Marginal Market thì việc bị tác động và bóp méo bởi các yếu tố thông tin là điều không thể tránh khỏi. Truyền thông do đó mặc dù là phương tiện để nắm bắt thông tin về thị trường nhưng đồng thời cũng là công cụ mà không ít những tổ chức sử dụng để tạo những tác động có chủ ý lên tâm lý nhà đầu tư.

Tương tự như thế, thị trường phái sinh cũng đã cho thấy những tác động tiêu cực nhất định lên chỉ số thị trường chung suốt giai đoạn vừa qua. Những cổ phiếu vốn hóa lớn trong tay các tổ chức liên tục bị sử dụng như một công cụ để điều tiết chỉ số nhằm phục vụ cho việc kiếm lợi nhuận bên thị trường phái sinh. Tình trạng bất cập ở thị trường phái sinh không phải chỉ có ở Việt Nam mà điều này cũng đã xảy ra ở một quốc gia lớn ngay gần chúng ta đó là Trung Quốc. Trong quá khứ, thị trường phái sinh của Trung Quốc đã gần như sụp đổ vào Quý IV/2015, cùng với sự lao dốc của thị trường chứng khoán cơ sở nước này. Nhận thấy sự bất cập, Trung Quốc thời điểm đó đã đưa ra một loạt những quy định thắt chặt hơn, đặc biệt là những quy định có mục đích làm cho chi phí giao dịch của hợp đồng tương lai đắt đỏ hơn. Sau khi thị trường đã ổn định trở lại, năm 2017, CFFEX mới dần dần từng bước nới lỏng quy định hạn chế đối với thị trường hợp đồng tương lai. Như vậy, có lẽ việc chính phủ có những biện pháp quản lý thị trường phái sinh trong thời gian tới là sẽ là cần thiết.

Cuối cùng là về câu chuyện T+2.5, đây có thể nói là vấn đề được đề cập rất nhiều kể từ khi nó được đem vào thực thi để thay thế cho giao dịch T+3. Việc rút ngắn thời gian giao dịch lại tất nhiên là một điều hết sức tuyệt vời vì nó sẽ giúp nhà đầu tư có thể bán chứng khoán sớm hơn. Điều này cũng được kì vọng là sẽ tăng tính thanh khoản cho thị trường chứng khoán và giúp cho thị trường ngày càng phát triển mạnh hơn. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích hiện hữu thì cũng có không ít bất cập. Trong bối cảnh tính đầu cơ ngày càng gia tăng trên thị trường, việc nguồn cung cổ phiếu dồn về trong cùng một phiên chiều thay vì dàn trải ra cho cả ngày giao dịch như trước đã khiến cho xu hướng thị trường trở nên rất khó đoán. Tình trạng cổ phiếu tăng mạnh trong phiên sáng rồi bị đạp sâu về tham chiếu trong phiên chiều diễn ra liên tục. Phiên chiều cũng là khung thời gian mà những nhà đầu tư tổ chức giao dịch và do đó những nhà đầu tư cá nhân cũng dần chuyển sang giao dịch chủ yếu vào phiên này. Phiên giao dịch buổi sáng do đó dần trở nên hết sức tẻ nhạt với mức thanh khoản rất thấp khi nhà đầu tư có tâm lý ngại tham gia. Tình trạng này dần dần tạo nên sự sụt giảm mạnh về thanh khoản so với thời điểm vẫn còn áp dụng T+3, điều mà tưởng chừng không thể xảy ra trước khi T+2.5 chính thức được áp dụng.

Nguyên nhân đằng sau những khoản đầu tư thua lỗ là điều mà chúng ta cần nhìn nhận lại?!

Thống kê thanh khoản sàn HOSE-Nguồn: CafeF

Liệu những yếu tố bất cập và khó khăn trên thị trường có phải là nguyên nhân duy nhất khiến nhiều người thua lỗ?

Bên cạnh tình hình chung về mặt bằng lãi suất tăng cao trên toàn thế giới khiến dòng tiền bị rút bớt ra khỏi các kênh đầu tư có tính rủi ro cao như chứng khoán thì những bất cập ở thị trường luôn là những yếu tố được đem ra bàn luận như những tội đồ gây ra các khoản thua lỗ trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, bạn có tự hỏi rằng bản thân bạn cũng có trách nhiệm đối với những khoản thua lỗ của mình không? Mọi vấn đề đều có 2 mặt của nó. Nếu bạn nhận thấy được những yếu tố khách quan đối với những khoản thua lỗ của mình thì cũng cần phải nhìn ra được những nguyên nhân chủ quan.

Khi FED nâng lãi suất, thị trường bước vào giai đoạn khó khăn thì bạn có hạ tỷ trọng đối với các khoản đầu tư rủi ro cao? Những doanh nghiệp bạn đầu tư có phải là những doanh nghiệp tốt(cơ cấu tài sản vững mạnh, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng đều đặn, triển vọng kinh doanh tốt trong 2-3 quý tới, có lợi thế cạnh tranh trong ngành,…)? Hay đơn giản nhất là bạn liệu có sẵn sàng cắt lỗ khi đưa ra những quyết định sai? Có vẻ như đây là những vấn đề mà hầu hết những nhà đầu tư đều mắc phải những sai sót, đặc biệt là những nhà đầu tư F0.

Con người luôn có xu hướng đổ lỗi, việc những nhà đầu tư liên tục chìm đắm vào việc đưa ra những đánh giá tiêu cực đối với các yếu tố khách quan sẽ khiến cho bản thân họ quên đi một điều quan trọng hơn cả. Đó chính là kiểm điểm bản thân. Cha đẻ của ngành ô tô, ông Henry Ford đã từng trả lợi một phóng viên khi họ hỏi bí quyết thành công của ông bằng câu trả lời hết sức ngắn gọn: “Good decisions”(Những quyết định đúng đắn) và khi họ hỏi tiếp rằng làm sao ông có được những quyết định đúng đắn thì ông lại tiếp tục đáp lại chỉ với 2 từ: “Bad decisions”(Những quyết định sai lầm).

Điều kiện để bạn thành công trên thị trường chứng khoán không phải là luôn đưa ra những quyết định đúng vì sẽ luôn có những yếu tố bất ngờ xuất hiện và bóp méo kết quả. Vấn đề mấu chốt là bạn cần biết mình phải làm gì khi nó xảy ra. Những bài học đắt giá đằng sau mỗi sự thất bại là thứ mà bạn nên thực sự trân trọng. Nói cách khác, bạn cần phải biết tự kiểm điểm, việc luôn cố gắng đổ hết sai lầm lên những yếu tố ngoại cảnh mà quên đi việc nhìn nhận lại bản thân sẽ chỉ khiến cho giác quan đầu tư của bạn trở nên kém nhạy bén trước chiều sâu của vấn đề. Thay vì cố gắng cải thiện những điều xa vời thì trước tiên hãy tập trung vào những thứ mà bạn có thể kiểm soát được, đó chính là bản thân chúng ta. Đừng bao giờ dừng việc trau dồi kiến thức cho bản thân, chúng có thể chưa ngay lập tức đem lại tiền cho bạn nhưng trong tương lai nó sẽ là nền tảng để bạn đạt được những thành công lớn lao hơn rất nhiều.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Vũ Nhật Anh Pro

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

35 Yêu thích
26 Bình luận 40 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại