Nguyên liệu đầu vào tăng: Thực phẩm thiết lập mặt bằng giá mới
Từ cuối tháng 4 đến nay, nguyên liệu sản xuất, chăn nuôi tăng giá đã khiến nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu thiết lập mức giá mới. Để bảo đảm bình ổn thị trường, hệ thống siêu thị trên địa bàn TP đã triển khai nhiều biện pháp dự trữ hàng hóa nhằm tìm cách giữ giá, không gây biến động.
Thực phẩm rục rịch tăng giá
Khảo sát thực tế tại hệ thống chợ, siêu thị trên địa bàn Hà Nội, từ đầu tháng 5 đến nay, nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đã nhúc nhắc tăng giá khoảng 10-15% so với tháng 4. Chị Minh Khai - một người kinh doanh tạp phẩm tại chợ Kim Liên (quận Đống Đa) cho biết, trong tháng 4, giá dầu ăn Tường An loại 5 lít chỉ 180.000 - 185.000 đồng/chai, nhưng hiện tăng lên 203.000 - 205.000 đồng/chai; dầu ăn Simply cũng trong tình trạng tương tự, hiện được bán với giá từ 207.000 - 210.000 đồng/chai 5 lít; dầu ăn Neptune Light 215.00 đồng/chai 5 lít.
Những ngày này, tại hệ thống chợ dân sinh, các mặt hàng thực phẩm tươi sống có xu hướng tăng từ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng/kg. Hiện thịt ba chỉ, sườn thăn có giá 160.000 -170.000 đồng/kg, nạc vai 150.000 -155.000 đồng/kg; thịt bò thăn 270.000 - 300.000 đồng/kg, thịt mông 250.000 - 255.000 đồng/kg, thịt bắp 260.000 - 350.00 đồng/kg, thịt nạm, dẻ sườn 180.000 - 200.000 đồng/kg; đùi gà công nghiệp 70.000 -75.000 đồng/kg, cánh gà công nghiệp 80.000 - 90.000 đồng/kg…
Không chỉ chợ truyền thống mà hệ thống siêu thị cũng đã nhận được yêu cầu tăng giá từ các DN cung ứng sản phẩm Việt và hàng nhập khẩu. Giám đốc Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, với lý do giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng nên DN cung ứng đã đề nghị tăng giá dầu ăn, sữa, bột dinh dưỡng, mì ăn liền. “Nhiều sản phẩm thịt thăn lưng, đùi gà, phô mai khô… nhập từ Mỹ và châu Âu được báo giá mới sẽ tăng tới 32% so với đơn đặt hàng hồi tháng 1/2021. Thậm chí, một công ty sản xuất mỳ nui thông báo sẽ tăng 40 - 50%” - bà Dung nêu ví dụ. Đại diện Central Retail (DN khai thác hệ thống siêu thị Big C và Go!) thông tin, đơn vị cũng nhận được đề nghị tăng giá từ các nhà cung cấp của hai ngành hàng đường và dầu ăn với mức tăng nhẹ từ 5 - 7%.
Bảo đảm hàng hóa thiết yếu
Theo các chuyên gia bán lẻ, nguyên nhân khiến nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có dấu hiệu tăng giá là do điện, xăng và thức ăn chăn nuôi bắt đầu tăng giá. Báo cáo về chỉ số tiêu dùng (CPI) tháng 4/2021 của Tổng cục Thống kê cho thấy, bình quân 4 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 0,89% so với cùng kỳ 2020, nguyên nhân chủ yếu là giá gạo, thực phẩm, xăng dầu tăng.
Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu, xăng dầu là mặt hàng ảnh hưởng lớn đến cơ cấu giá hàng hóa, từ cuối tháng 11/2020 đến nay xăng liên tục tăng giá, tại kỳ điều chỉnh ngày 12/5, xăng RON95 đã lên hơn 19.530 đồng/lít, xăng E5 18.500 đồng/lít, so với cùng kỳ năm 2020, xăng đã tăng hơn 60%. Tương tự, từ cuối năm 2020 đến nay, thức ăn chăn nuôi đã tăng 1.000-1.500 đồng/kg khiến giá bán thịt gia súc, gia cầm tăng tương ứng. “Hiện dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế nên giá thịt gia súc, gia cầm sẽ có xu hướng tăng trong thời gian tới” - bà Hậu dự báo. Đồng tình với ý kiến này, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong dự báo: “Nguyên liệu đầu vào tăng đã khiến giá thành sản phẩm tăng thêm từ 5-15% trong quý I - II, dự kiến trong nửa cuối năm 2021 có thể tăng thêm 10 - 25%”.
Nhằm đảm bảo nguồn cung, ngăn chặn hiện tượng tăng giá đột biến, hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội đã tăng cường dự trữ hàng hóa. Đại diện Saigon Co.op thông tin, hệ thống siêu thị Co.opmart đã dự trữ 12.000 tấn nông thủy sản, đảm bảo cung ứng, binh ổn giá trong 6 tháng tới. Hệ thống siêu thị Mega Market đã lên kế hoạch dự trữ lượng nhu yếu phẩm trị giá 93 tỷ đồng. Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân cho biết, hệ thống đại siêu thị GO! và Big C đã chuẩn bị lượng hàng hóa tăng gấp đôi so với tháng thường, đồng thời đề nghị DN cung cấp luôn bảo đảm, bổ sung kịp thời hàng hóa nếu sức mua tăng lên đột biến.
Ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho thấy, để tránh tăng giá đột biến, bên cạnh nỗ lực dự trữ hàng hóa còn đòi hỏi DN bán lẻ cắt giảm chi phí trung gian để giữ giá sản phẩm. Với DN sản xuất, cung ứng cắt giảm lợi nhuận, đa dạng nguồn cung nguyên liệu sản xuất, qua đó không tăng giá bán, chia sẻ áp lực chi tiêu của người tiêu dùng trong giai đoạn Covid-19 chưa được khống chế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận