Nguyên “bộ sậu” lãnh đạo Tập đoàn Cao su Việt Nam lãnh án
Chiều 6/8, TAND TPHCM đã tuyên vụ án sai phạm gây thất thoát hàng trăm tỉ đồng xảy ra tại Tập đoàn Cao su Việt Nam.
Theo đó, bị cáo Lê Quang Thung (nguyên tổng giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam) bị tuyên án 4 năm tù và Nguyễn Hồng Phú (nguyên giám đốc công ty Cao su Phú Riềng, nguyên phó tổng giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam) bị tuyên án 3 năm 6 tháng về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Lê Quang Thung lãnh 4 năm tù
Các bị cáo Nguyễn Thành Châu (nguyên tổng giám đốc công ty Cao su Đồng Nai), Nguyễn Văn Minh (nguyên kế toán trưởng công ty Cao su Đồng Nai) và Hoàng Văn Sơn (nguyên kế toán trưởng Công ty Cao su Phú Riềng) cùng bị tuyên án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Theo HĐXX, trong vụ án này, bị cáo Thung đóng vai trò chủ mưu khi trực tiếp chỉ đạo việc góp vốn trái quy định. Hành vi của Thung và đồng phạm vi phạm Luật Doanh nghiệp 2005, Quy chế Quản lý tài chính của công ty Nhà nước và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác. Mặc dù bị cáo Thung đã khắc phục toàn bộ hậu quả, thành khẩn khai báo, là thương binh 4/4, đã ngoài 70 tuổi nhưng hậu quả vụ án là đặc biệt nghiêm trọng nên cần xử lý nghiêm.
Các bị cáo Châu, Minh và Sơn có nhân thân tốt, đã khắc phục hậu quả, tuổi cao, là thương binh, quá trình công tác có nhiều đóng góp, hành vi của các bị cáo không còn nguy hiểm cho xã hội, không cần thiết cách ly ra khỏi xã hội.
Tại tòa, ông Thung thừa nhận Tập đoàn Cao su Việt Nam không ban hành chủ trương thành lập hay góp vốn vào công ty Thủy sản Đồng Tháp nhưng do Nhà nước khuyến khích năng động, sáng tạo trong kinh doanh nên bị cáo đã mạnh dạn đầu tư. Bị cáo Thung cho rằng lúc bấy giờ bị cáo không biết hành vi của mình là sai phạm.
Sau khi thành lập công ty Thủy sản Đồng Tháp, bị cáo Thung đã gây sức ép, chỉ đạo lãnh đạo các công ty con thuộc tập đoàn, trong đó có lãnh đạo công ty Cao su Đồng Nai, công ty Cao su Phú Riềng sử dụng nguồn quỹ phúc lợi góp vốn vào công ty Thủy sản Đồng Tháp.
Bị cáo Thung biết rõ khi các công ty con thuộc tập đoàn thực hiện việc góp vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính của công ty phải có phương án và do HĐQT tập đoàn quyết định. Tuy nhiên ông Thung đã không yêu cầu các công ty con lập phương án và không báo cáo HĐQT tập đoàn quyết định. Ngoài ra, ông Thung còn chỉ đạo các công ty con thuộc tập đoàn cho công ty Thủy sản Đồng Tháp vay tiền.
Theo lời khai của ông Thung, sau khi bị khởi tố, biết hành vi của mình là sai nên ông Thung đã tự nguyện nộp tiền mua lại phần vốn của công ty Cao su Đồng Nai, công ty Cao su Phú Riềng tại công ty Thủy sản Đồng Tháp là 20 tỉ đồng.
Bị cáo Nguyễn Thành Châu và Nguyễn Hồng Phú khai nhận việc tham gia HĐQT và quyết định vào việc góp vốn vào công ty Thuỷ sản Đồng Tháp là theo chỉ đạo của Thung. Sau đó, Châu đã tự nguyện nộp 8,4 tỉ đồng để khắc phục hậu quả, còn Phú đã tự nguyện khắc phục 6 tỉ đồng.
Các bị cáo Hoàng Văn Sơn, Nguyễn Văn Minh nhận thức việc đầu tư góp vốn mà không lập phương án trình ý kiến của tập đoàn và sử dụng nguồn quỹ phúc lợi để góp vốn là sai nhưng vẫn thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo công ty và ký vào các chứng từ chuyển tiền góp vốn vào công ty Thuỷ sản Đồng Tháp. Sau khi khởi tố vụ án, bị cáo Sơn đã khắc phục 4,8 tỉ đồng, còn bị cáo Minh đã khắc phục 4 tỉ đồng.
Trong vụ án, các công ty Địa ốc Cao su, Cao su Chư Păh, Công ty cổ phần Công nghiệp dịch vụ cao su Chư Păh, công ty Cao su Chư Sê cũng không lập phương án đầu tư trình HĐQT Tập đoàn Cao su Việt Nam phê duyệt nhưng đã sử dụng quỹ phức lợi thực hiện góp vốn vào công ty Thuỷ sản Đồng Tháp từ 3-10,9 tỉ đồng.
Tuy nhiên, quá trình điều tra xác định các công ty trên thực hiện theo chỉ đạo của ông Thung. Trước khi vụ án được khởi tố, các công ty này đã thu hồi toàn bộ phần vốn góp, khắc phục xong hậu quả nên không xem xét trách nhiệm hình sự đối với lãnh đạo, nhân viên công ty này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận