Nguy và cơ cho nhà đầu tư F0
Một lần nữa, đại dịch Covid 19 vẫn chưa buông tha đất nước chúng ta. Nó một lần nữa làm khổ bao nhiêu người, bao nhiêu gia đình và cả một hệ thống Chính phủ đang gồng mình chống dịch. Làn sóng Covid 19 đợt bốn diễn ra đúng dịp 30.4 khi cả nước đang tưng bừng nghỉ lễ và cũng là lúc TTCK đang đóng cửa.
Có lẽ hơn bao giờ hết, hai làn sóng ngầm đang chờ đợi thị trường mở cửa là tuôn trào. Một làn sóng chốt lãi, cảm thấy lo lắng khi đại dịch diễn ra, và cho rằng thị trường sẽ điều chỉnh mạnh như những đợt trước (08/2020, tháng 01/2021) nên chốt lãi sớm sẽ đảm bảo được lợi nhuận kiếm được. Làn sóng thứ hai là dòng Cash is King hoặc đã chốt lãi trước đó, ngồi chờ thị trường rơi rụng và vào nhặt hàng tốt giá rẻ, chờ đợi dịch được kiểm soát thì có thể kiếm ngay 20-30% lợi nhuận chỉ trong vòng 1-2 tháng. Ai sẽ thắng trong cuộc chơi này?
Bản thân tôi một, Fund Manager của quỹ nước ngoài đang quản lý hơn 55 triệu USD, cho rằng khi thị trường rơi, sẽ chẳng có ai là người chiến thắng, tất cả chúng ta đều là những kẻ thua cuộc. Vì một khi đã đầu tư vào thị trường, ít ai có thể rút chân ra một cách hoàn toàn. Chí ít cũng còn nắm một ít cổ phiếu trên thị trường, có thể tiền nhiều hơn nhưng cổ vẫn là đầy túi. Khi thị trường rơi, tài sản của chúng ta đều bốc hơi, chí ít là trên mặt sổ sách. Do đó, khi thị trường rơi, chả ai thắng mà tất cả đều thua, từ nhà đầu tư F0 với tài sản từ vài chục đến vài trăm triệu đồng hay các quỹ đầu tư lớn từ vài chục triệu USD như chúng tôi cho đến hàng tỷ USD như DC hay Vina. Hiện tại hầu hết các quỹ hiện đều đang full cổ.
Khi thị trường xuống, đương nhiên các quỹ sẽ không bán, vì chả ai bán khi xuống, thay vào đó, họ sẽ cố gắng nhặt nhặn những cổ phiếu muốn mua vào từ lâu mà giá chưa thật sự tốt, giờ đây do Covid 19, hàng loạt các chứng sĩ đều hoảng loạn, làm cho cp rơi như sung, tạo ra một cơ hội tuyệt vời để mua với giá thấp.
Đó là lý do chúng ta hay thấy nhà đầu tư nước ngoài mua ròng khi thị trường rơi. Chỉ cần chờ đợi thị trường quay đầu, tâm lý hoảng loạn dần ổn định, cổ phiếu lập tức gia tăng và thế là cả danh mục rơi như sung trước đó tăng lên và cả những cổ phiếu được gom với giá thấp khi thị trường hoảng loạn cũng tăng thần kỳ. Tất cả đều thua khi thị trường rơi nhưng sẽ có kẻ thắng khi thị trường quay đầu. Đối với họ, đây là CƠ trong NGUY. Điều này áp dụng cho tất cả nhà đầu tư trên sàn, không chỉ có quỹ nước ngoài. Nếu NĐT trong nước, dù tài sản nhỏ, nhưng không hoảng loạn, làm theo chiến lược này, thì xác suất bạn thành công là rất cao.
Vậy ai là kẻ thua cuộc ?
Xin thưa đó là những nhà đầu tư hoảng loạn cực độ và bán ngay lúc thị trường rơi. Tâm lý hoảng loạn nhưng lại không quyết đoán làm cho họ thường bán vào thời điểm đáy của thị trường, đến khi thị trường quay đầu họ cho rằng đó chỉ là tạm hồi và vẫn án binh bất động chứ không mua vào. Cho đến khi thị trường thật sự quay đầu thì lại cảm thấy tiếc nuối và không dám vào nữa. Những ai cắt lỗ khi thị trường rơi đó nhiều khả năng chính là những kẻ thua cuộc. Một sự kiện diễn ra, có thể là CƠ của người này, nhưng lại trở thành NGUY của kẻ khác.
Khi thị trường rơi tất cả đều thua, nhưng bạn sẽ trở thành những người thua thật sự và rơi ra khỏi cuộc đua nếu bạn cắt lỗ và bán một cách hoảng loạn. Vì thị trường chứng khoán là tổng hòa của những dòng tâm lý hành vi khác nhau tại những thời điểm và hoàn cảnh khác nhau. Sẽ chẳng ai có thể biết được rằng tất cả đều sẽ hành động giống nhau nếu dựa vào lịch sử hay quá khứ. Cũng như việc hàng trăm nghìn người mắc kẹt tại cung đường đi Đà Lạt vì hầu hết họ đều cho rằng, năm nay dịch, sẽ ít người đi, chúng ta đi là hợp tình, hợp lý, sẽ ổn và vắng.
Nhưng ai đâu ngờ hàng triệu người nghĩ như ta, dẫn đến cảnh kẹt xe kinh hoàng trong lịch sử. Cũng như thị trường chứng khoán vậy, ai cũng nghĩ rằng, TTCK sẽ rơi như những lần trước, chúng ta chỉ cần bán ngay đầu phiên, chờ thị trường rơi tầm 10% gom vào là ổn, kiếm lãi dễ dàng. Thế nhưng liệu nó có diễn ra như ta nghĩ, hay nó lại như cuộc nghỉ lễ 30.4 vừa qua ở Đà Lạt? Ai cũng nghĩ vậy, dẫn đến, tâm lý chờ bắt đáy cao như núi, thị trường chưa kịp rơi 10% thì lệnh đã chất như Thái Sơn, quay đầu tăng điểm, thế là mất hàng. Đương nhiên, đây chỉ là một viễn cảnh được tôi tưởng tượng ra, nhưng tâm lý hành vi là điều mà chúng ta khó có thể đoán được. Nó cũng như dự báo thời tiết mà thôi, sáng nắng chiều mưa tối mù mờ.
Ông Dominic Chủ tịch quỹ DC nói rằng hơn 30 năm đầu tư ông ta cũng không biết là mai thị trường tăng hay giảm. Nhưng có một điều tôi chắc chắn rằng, chúng ta đang trong giai đoạn uptrend, có nghĩa là tăng trong trung và dài hạn. Mọi thứ đều tốt và đẹp, kinh tế gia tăng, phục hồi và tăng trưởng tốt, doanh nghiệp ăn nên làm ra, lãi tăng đậm trong quý 1 và dự kiến sẽ tăng mạnh trong cả năm nay. Vậy thì cớ gì cổ phiếu của họ lại giảm? Đất nước Việt Nam đã qua chứng minh là quốc gia chống dịch số 1 thế giới, chưa có đại dịch nào chưa chặn được, chưa có cuộc chiến nào thua cuộc.
Chính phủ đã quá thành công trong 3 lần trước, kinh nghiệm đầy mình, năng lực nâng cao, hà cớ gì chúng ta lại không chiến thắng tiếp lần này? NIỀM TIN là một thứ xa xỉ nhưng nếu đặt vào trong một bối cảnh lịch sử hiện tại, có lẽ nó là điều bình chân như vại hay tôi vẫn nói đùa là "bình thường như cục đường".
Tôi viết chia sẻ này chủ yếu cho những nhà đầu tư F0 kém kinh nghiệm, hay bị cá mập lờn vờn săn mồi. Nếu các bạn tỉnh táo, thì không khéo các bạn sẽ kiếm được chút mồi từ cá mập, còn nếu các bạn hoảng loạn thì rõ ràng các bạn chính là những con mồi thơm, béo ngậy.
Vậy Nguy hay Cơ là do bạn chọn, lên hay xuống là do bạn chọn, thắng hay thua là cũng do bạn chọn. Còn tôi, thì tôi đã có phương án của bản thân.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận