Nguy cơ thu hẹp tín dụng
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc các NHTM Nhà nước chậm tăng vốn điều lệ sẽ làm giảm khả năng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, từ đó ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, giảm thu ngân sách từ thuế.
Nhu cầu cấp bách
Không phải vô cớ mà vấn đề nói trên liên tục được nêu ra trong thời gian gần đây, bởi dù nằm trong chủ trương của Chính phủ, song việc tăng vốn cho các NHTM Nhà nước đang rất chậm, có nguy cơ đe dọa đến sự an toàn của các NHTM Nhà nước và rộng hơn là cả hệ thống.
Dù đã áp dụng đồng bộ và tối đa các biện pháp như: kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng; tái cơ cấu danh mục tài sản có rủi ro theo hướng giảm tỷ trọng các tài sản có hệ số rủi ro cao; phát hành trái phiếu thứ cấp tăng vốn cấp 2 nhằm cải thiện tỷ lệ an toàn vốn…, nhưng ngoại trừ Vietcombank, các NHTM Nhà nướccòn lại đều chưa đáp ứng mức vốn tối thiểu theo chuẩn Basel II.
Ngay cả tính theo chuẩn Basel I thì theo số liệu thống kê mới nhất của NHNN, hiện tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) bình quân của 4 NHTM Nhà nước cũng chỉ ở mức 9,6%, thấp hơn so với mức bình quân chung của hệ thống các TCTD là 12,19% và chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức tối thiểu theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN là 9%.
Vì lẽ đó, theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), nếu các NHTM Nhà nước không nhanh chóng tăng được vốn điều lệ thì có thể ảnh hưởng đến sự an toàn hoạt động của các nhà băng này và tác động tiêu cực tới cả nền kinh tế. Bởi để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn buộc các NHTM Nhà nước phải siết chặt lại tín dụng, ảnh hưởng tới khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, việc tăng vốn của các NHTM Nhà nước sẽ không thể thành công nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, bởi Nhà nước vẫn đang nắm cổ phần chi phối tại các nhà băng này. “Trước mắt, các NHTM Nhà nước mong Nhà nước cho phép được giữ lại lợi nhuận hàng năm hoặc chia phần cổ tức của Nhà nước bằng cổ phiếu để tăng vốn, giải quyết phần nào những khó khăn hiện nay”, VNBA kiến nghị.
Trên thực tế, 4 ngân hàng quốc doanh đang nắm giữ 40% tổng tài sản và 50% thị phần tín dụng của toàn hệ thống, nên giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Luật sư Trương Thanh Đức – Công ty Luật Basico cho rằng, nếu không tăng được vốn điều lệ, các ngân hàng quốc doanh sẽ phải giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, tăng lãi suất cho vay, từ đó tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế, giảm thu ngân sách từ thuế, đồng thời có nguy cơ vi phạm tỷ lệ an toàn vốn, ảnh hưởng xấu đến an toàn hoạt động, mức xếp hạng tín nhiệm quốc tế...
Trường hợp của VietinBank là một minh chứng rõ nét. Do không được bổ sung thêm vốn điều lệ từ năm 2014, trong khi vẫn phải đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế nên hiện CAR của ngân hàng này đã ở rất sát ngưỡng tối thiểu. Chính vì vậy, để đảm bảo mục tiêu an toàn vốn, trong quý 4/2018 VietinBank đã buộc phải thu hẹp quy mô tín dụng, hệ quả là tăng trưởng tín dụng cả năm của ngân hàng chỉ ở mức 6%, thấp nhất trong hơn 10 năm trở lại đây. Dư nợ tín dụng của VietinBank tiếp tục giảm 0,44% trong quý 1/2019.
Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cũng cho rằng, nếu không khẩn trương tăng vốn cho các NHTM Nhà nước thì rủi ro ngày càng lớn. Do tuân thủ theo chuẩn mực của Basel II, các ngân hàng này sẽ phải hạch toán đúng chi phí, nợ xấu và những khoản vay rủi ro sẽ “ăn” vào vốn tự có của khối NHTM nhà nước, vốn đã thấp sẽ còn thấp hơn. Tuy nhiên, cách tăng vốn bằng cách chia cổ tức bằng cổ phiếu là không hợp lý vì tiếp tục làm chậm quá trình cổ phần hóa và tái cơ cấu các ngân hàng quốc doanh. “Cách tốt nhất là bán bớt cổ phần Nhà nước, hạ thấp tỷ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước xuống để thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Bởi sẽ không có nhà đầu tư nào mặn mà góp vốn vào các ngân hàng quốc doanh, nếu Nhà nước cứ khư khư nắm giữ tối thiểu 65% cổ phần tại các NHTM Nhà nước”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận