Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung đường trong niên vụ mới
Giữa lúc giá đường thế giới đang ảm đạm do nguồn cung dư thừa trên toàn cầu, đặc biệt là ở Ấn Độ, một thông tin làm dấy lên hy vọng cho các nông dân cũng như các công ty mía đường là nguồn cung đường toàn cầu được dự báo sẽ thiếu hụt trong niên vụ 2019-2020.
Sản lượng đường ở Ấn Độ có thể giảm xuống mức thấp ba năm qua trong niên vụ mới 2019-2020 do thời tiết khô hạn làm khô héo cây mía ở một số khu vực trồng mía chính của nước này.
Hôm 13-6, Prakash Naiknavare, Giám đốc Liên đoàn quốc gia các nhà máy đường hợp tác xã, cho biết sản lượng đường ở Ấn Độ có thể giảm xuống còn 28-29 triệu tấn trong niên vụ mới bắt đầu từ tháng 10-2019, tức giảm đến 15% với mức kỷ lục 33 triệu tấn được dự báo trong năm nay.
Hạn hán đang làm héo úa những cánh đồng mía ở một số khu vực của bang Maharashtra và Karnataka, trong khi đó mùa mưa đến chậm hơn so với bình thường, làm giảm triển vọng cho vụ mía sắp tới. Ông Naiknavare nói: “Diện tích trồng mía giảm mạnh ở bang Maharashtra do hạn hán. Tình trạng khan hiếm nước tưới cũng có thể ảnh hưởng đến sản lượng mía”.
Một vụ thu hoạch mía với năng suất kém hơn sẽ giúp cắt giảm lượng đường dư thừa kỷ lục đang nằm trong các nhà kho của Ấn Độ và có khả năng khiến Ấn Độ giảm xuất khẩu, từ đó, hỗ trợ giá đường toàn cầu.
Trao đổi qua điên thoại với hãng tin Bloomberg, Naiknavare cho biết một số khu vực của bang Maharashtra và bang Karnataka đang bị hạn hán nghiêm trọng và điều này ảnh hưởng xấu đến sản lượng mía và trữ đường (lượng đường thương phẩm có thể thu hồi được từ một đơn vị khối lượng mía).
Sản xuất đường ở Maharashtra, khu vực trồng mía lớn thứ hai của Ấn Độ, có thể giảm khoảng 40% xuống còn 6,44 triệu tấn trong niên vụ 2019-2020, theo Shekhar Gaikwad, một quan chức quản lý ngành mía đường của bang Maharashtra.
Diện tích trồng mía ở bang Maharashtra cũng có khả năng sẽ giảm khoảng 28% so với năm ngoái, xuống còn 843.000ha. Gaikwad cho biết phần lớn diện tích mía ở bang Maharashtra đang khô quéo.
Mọi năm, mùa mưa thường bắt đầu ở các vùng trồng mía ở bang Maharashtra vào ngày 10-6, tuy nhiên, cho đến nay, mưa vẫn chưa xuất hiện.
Nguồn nước khan hiếm khiến thức ăn gia súc bị thiếu hụt ở một số khu vực, khiến những nông dân trồng mía như ông Ramdas Pawar ở bang Maharashtra bán mía để làm thức ăn cho gia súc. Ông nói: “Cây mía đang héo queo. Tôi trồng gần 1 hecta mía và đang bán mía cho một trang trại gia súc”.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Economic Times vào cùng ngày, Abinash Verma, Tổng Giám đốc Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ (ISMA) dự báo trong niên vụ 2019-2020, sản lượng đường toàn cầu sẽ thiếu hụt từ 2-4 triệu tấn so với nhu cầu, do đó, giá đường thế giới sẽ dần tăng lên từ mức giá hiện tại.
Trong khi đó, Tổ chức mía đường quốc tế (ISO), có trụ sở ở London (Anh), dự báo nguồn cung đường toàn cầu thiếu hụt khoảng 3 triệu tấn trong niên vụ tới so với mức thặng dư 1,83 triệu tấn trong niên vụ hiện tại. Tuy nhiên, ISO cho rằng trong thời gian tới, mức phục hồi của giá đường sẽ không lớn vì thế giới phải xoay sở giải quyết lượng đường tồn kho khổng lồ do nguồn cung đường dư thừa trong hai niên vụ 2017-2018 và 2018-2019.
Nông dân tại một trang trại gia súc ở bang Maharashtra, Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg |
Tại Brazil, nước có diện tích trồng mía lớn nhất thế giới, sản lượng đường ở khu vực miền Nam và miền Trung trong niên vụ mới 2019-2020 (bắt đầu từ tháng 4-2019) được dự báo vẫn ở mức thấp 26,5 triệu tấn của năm ngoái do phần lớn sản lượng mía được chuyển sang sản xuất ethanol.
Evandro Gussi, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường quốc gia Brazail (UNICA), cho biết tại vùng miền Trung và miền Nam Brazil, nơi chiếm 90% sản lượng mía của cả nước, chỉ có 35% sản lượng mía được sử dụng để ép lấy đường. Một tỷ lệ sản lượng mía cao hơn được chuyển sản xuất ethanol là một trong những nguyên nhân khiến sản lượng đường Brazil suy giảm 26,5% trong niên 2018-2019.
Brazil là nước có diện tích trồng mía lớn nhất thế giới nhưng vì phần lớn mía được sử dụng để sản xuất ethanol nên sản lượng đường của nước này chỉ đứng thứ hai thế giới, sau Ấn Độ.
75% xe cộ ở Brazil chạy bằng 100% ethanol; 25% xe cộ còn lại chạy bằng xăng trộn ethanol với tỷ lệ lên đến 27%. Khoảng 46% nhu cầu nhiên liệu của Brazil được đáp ứng nhờ ethanol, giúp tiết kiệm chi phí nhập khẩu dầu thô cho nước này khoảng 45 tỉ đô la Mỹ mỗi năm.
Evandro Gussi cho biết việc sử dụng ethanol như là nhiên liệu chính ở Brazil cũng giúp giảm lượng khí thải nhà kính và cải thiện chất lượng không khí. Ông cho rằng Ấn Độ nên sử dụng cách tiếp cận tương tự để giải quyết tình trạng dư thừa đường và ô nhiễm không khí. Hiện nay, Ấn Độ bắt buộc phải trộn ethanol vào xăng với tỷ lệ 10%. Để đáp ứng tỷ lệ trộn như vậy, Ấn Độ cần sản xuất 3,3 tỉ lít ethanol mỗi năm nhưng công suất hiện tại của Ấn Độ chỉ đáp ứng được 2,6 tỉ lít ethanol
Theo Bloomberg, Cogencis, Reuters
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận