menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đỗ Nam Trung

Nguy cơ nạn đói bùng phát toàn cầu và các biện pháp giảm thiểu cú sốc

Chiến dịch quân sự tại Ukraine của Nga kéo dài hơn 3 tháng qua khiến nạn đói có nguy cơ thêm trầm trọng tại nhiều quốc gia nghèo và đang phát triển. Tuy nhiên, ngay trước chiến tranh, khủng hoảng an ninh lương thực đã ở mức báo động. Khủng hoảng chồng khủng hoảng. Làm thế nào để đối phó với tình trạng cấp bách này?

Nguy cơ nạn đói đe dọa toàn cầu ra sao?

“An ninh lương thực”, hay nói cách khác là đảm bảo người dân không bị đói và không chết vì đói, là một trong những chủ đề lo ngại hàng đầu của Liên hợp quốc (LHQ) những tuần gần đây. Ngày 19/5 vừa qua, Hội đồng Bảo an LHQ đã tổ chức phiên họp mở rộng với chủ đề “Các xung đột vũ trang và an ninh lương thực”, với sự tham gia của đại diện gần 80 quốc gia. Tại cuộc họp, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley cho biết cuộc khủng hoảng an ninh lương thực hiện nay là ở mức độ “chưa từng có”. Ông cũng đưa ra một vài số liệu cho thấy số người bị nạn đói đe dọa tăng vọt, từ khoảng 80 triệu người trước đại dịch COVID-19 lên 135 triệu người. Cuộc khủng hoảng Ukraine có thể khiến 323 triệu người là nạn nhân của nạn đói. Đó là tính số người ở bên bờ vực chết vì đói. Còn tình trạng đói ăn nói chung có thể đe dọa đến 1,5 tỷ người, thậm chí 1/3 dân số Trái Đất.

Cùng với tình hình kinh tế suy thoái và hạn hán, nạn đói hiện đã và đang đe dọa khoảng 43 quốc gia. Hệ quả sẽ là rối loạn xã hội, di cư tị nạn ồ ạt. Vẫn theo Giám đốc điều hành WFP, cuộc chiến tại Ukraine khiến xuất khẩu lương thực, thực phẩm sụt giảm mạnh, đe dọa thêm gần 40 quốc gia khác, vốn vẫn nhập khẩu đến 50% ngũ cốc từ khu vực này. Chưa kể đến nhiều khu vực ở châu Phi, vốn đã trong tình trạng thiếu ăn và bị đói trầm trọng triền miên, việc nông sản Ukraine không xuất khẩu được ra ngoài cũng khiến căng thẳng gia tăng tại nhiều quốc gia châu Á như Sri Lanka, Indonesia hay Pakistan.

Các chương trình quốc tế, hỗ trợ lương thực cho người dân đang bị đói đã bị cắt giảm mạnh. WFP giờ đây còn phải cứu trợ lương thực cho 4 triệu người Ukraine, nạn nhân chiến tranh, tại một đất nước vốn từng có đủ thực phẩm nuôi sống đến 400 triệu cư dân.

Khủng hoảng đã rất trầm trọng trước chiến dịch quân sự của Nga

Cuối tháng 5 vừa qua, một số tổ chức tư vấn về chiến lược (Eurasia Group, EY và DevryBV Sustainable Strategies) đã công bố bản báo cáo “An toàn thực phẩm và cơn bão lốc sắp ập tới”, nhấn mạnh cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu vốn dĩ đã rất trầm trọng ngay trước cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Theo ông Josef Schmidhuber, Giám đốc bộ phận thương mại và thị trường của Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO), hiện tại có đến gần 70 quốc gia, nơi chi tiêu cho các nhu cầu tối thiểu chiếm đến gần 60% ngân sách gia đình, tình trạng tồi tệ tăng gấp đôi so với năm 2017. Người phát ngôn của CCFD, hiệp hội chống đói nghèo hàng đầu của Pháp, cảnh báo rằng “chỉ còn vài tháng để hành động ở cấp độ các định chế quốc tế, với hy vọng có thể tránh được một trong những khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất của kỷ nguyên hiện đại”.

Nghịch lý: Thực phẩm dồi dào, người đói không có cái ăn

Các nhà lãnh đạo chính trị, chuyên gia hàng đầu nhấn mạnh một tình trạng nghịch lý: nạn đói đe dọa ngày càng nhiều người hơn trong bối cảnh sản lượng lương thực, thực phẩm gần như không suy giảm trong hiện tại. Vấn đề căn bản và cấp bách nhất là phải đưa được thực phẩm đến với người cần. Một rào cản chính là không có khả năng tiếp cận các kho dự trữ lương thực, thực phẩm (cụ thể như tại Ukraine đang trong chiến tranh), nhưng còn có một rào cản không thể xem nhẹ khác là giá thực phẩm thiết yếu tăng vọt trên thị trường. Nhật báo Pháp "Le Monde" ngày 8/6 có bài “Khủng hoảng lương thực: Cách giảm thiểu cú sốc”, giới thiệu một loạt biện pháp chính nhằm hóa giải khẩn cấp các thách thức đe dọa an ninh lương thực. Thách thức đầu tiên là “quyết tâm chính trị” và nỗ lực hợp tác của cộng đồng quốc tế. Bản thân cuộc khủng hoảng lương thực cũng là biểu hiện ra bên ngoài của hợp tác quốc tế đang trong trạng thái bất lực.

Một số sáng kiến đã được Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đưa ra từ tháng 5 vừa qua, cùng với Ngân hàng Thế giới (WB) và nhiều tổ chức như Liên minh thế giới vì An toàn lương thực (GAFS). Tuy nhiên, theo ông Achim Steiner, người đứng đầu Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP), các định chế quốc tế ngày càng khó khăn hơn khi phải đối mặt với hàng loạt khủng hoảng. Chỉ riêng các nhóm như G7, Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) hay các định chế như WB, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sẽ đều “không có đủ khả năng và nguồn lực” để mang lại các giải pháp “tạo nên sự khác biệt đáng kể” trong cuộc khủng hoảng này.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại