menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Diệp Linh Invest

Nguy cơ lặp lại khủng hoảng nợ giống thập niên 80 do cuộc đua tăng lãi suất toàn cầu

Chuyên gia của WB cho rằng có sự tương đồng giữa tình hình hiện tại với các cuộc khủng hoảng nợ vào thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước, khi các quốc gia đang phát triển lao đao vì khối nợ khổng lồ, lạm phát cao và nền tài chính suy yếu...

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Nikkei Asia mới đây, ông Ayhan Kose, nhà kinh tế trưởng kiêm giám đốc bộ phận triển vọng kinh tế (Prospects Group) của Ngân hàng Thế giới (WB), tỏ ra quan ngại về xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát của ngân hàng trung ương tại các nước phát triển trên khắp thế giới.

Theo ông, việc này khiến các nền kinh tế mới nổi đang nặng nợ rơi vào tình thế bấp bênh và thậm chí đẩy các quốc gia này vào một cuộc khủng hoảng nợ. Ông cho rằng có sự tương đồng giữa tình hình hiện tại với các cuộc khủng hoảng nợ vào thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước, khi các quốc gia đang phát triển lao đao vì khối nợ khổng lồ, lạm phát cao và nền tài chính suy yếu.

Vị chuyên gia cũng cảnh báo rằng giá cả hàng hóa leo thang cùng với những gián đoạn liên quan tới đại dịch có thể làm trầm trọng thêm những khó khăn trong chuỗi cung ứng, làm suy yếu tăng trưởng và đẩy lạm phát lên cao hơn, tạo điều kiện cho tình trạng “stagflation” (tăng trưởng trì trệ kết hợp lạm phát cao).

“Chúng tôi cho rằng một trong những rủi ro là lãi suất sẽ tăng nhanh hơn dự báo, đồng nghĩa với các điều kiện tài chính đang được thắt chặt nhanh hơn nhiều”, ông Kose nói. “Một rủi ro nữa là giá cả hàng hóa tiếp tục tăng lên. Và một rủi ro quan trọng khác là những gián đoạn nghiêm trọng hơn liên quan tới Covid – loại rủi ro mà chúng ta đã chứng kiến ở Trung Quốc. Những gián đoạn này sẽ dẫn đến gián đoạn nguồn cung, tăng trưởng suy yếu và lạm phát tăng”.

Theo chuyên gia của WB, nếu những rủi ro này trở thành hiện thực, tăng trưởng của thị trường mới nổi/các nền kinh tế đang phát triển sẽ giảm khoảng 1,2 điểm phần trăm trong năm 2022, sau đó là 1,6 điểm phần trăm năm 2023.

WB dự báo tăng trưởng ở kịch bản bình thường của các nền kinh tế mới nổi/đang phát triển là 3,4% năm 2022 và 4,2% năm 2023. Theo đó, ở kịch bản căng thẳng, mức tăng trưởng này sẽ giảm xuống chỉ còn 2,2% năm nay và 2,6% năm 2023.

Nhắc lại cuộc khủng hoảng nợ những năm 1970, đầu những năm 1980 và sau đó là giai đoạn những năm 2010, ông Kose cho rằng có những điểm tương đồng với thời điểm hiện tại – điều mà các chuyên gia tại WB thực sự thấy quan ngại.

“Khi nhìn vào những năm 1970, chúng ta cũng thấy những cú sốc về nguồn cung sau khi đảo ngược các chính sách tiền tệ đã được áp dụng trong một thời gian dài. Vào những năm 2010, lãi suất ở mức tương đối thấp và lãi suất thực bình quân ở mức âm”, ông phân tích. “Một điểm tương đồng quan trọng khác là tăng trưởng kinh tế yếu vào những năm 1970, cũng suy yếu vào những năm 2010 và tất nhiên chúng tôi cũng dự báo điều tương tự vào những trong thập niên 2020 này. Chúng ta đang chứng kiến cùng một kiểu suy giảm tăng trưởng tương tự như thập niên 70”.

Với các nền kinh tế mới nổi/đang phát triển, một điểm tương đồng lớn giữa các thập niên này là động lực nợ. Vào những năm 1970 và đầu những năm 1980, các nước này cũng có mức nợ cao, lạm phát tăng và nền tài chính yếu.

“Ba nhân tố đó khiến các nền kinh tế này dễ bị ảnh hưởng khi điều kiện tài chính bị thắt chặt”, vị chuyên gia của WB nhận định.

Dẫn ví vụ về vụ vỡ nợ nổi tiếng của Mexico năm 1982, ông Kose cho biết đây là sự kiện đánh dấu sự khởi đầu của cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực Mỹ Latin. Ông cho rằng, ở thời điểm hiện tại, thách thức lớn của các nền kinh tế này là nợ khu vực tư nhân đã tăng lên đáng kể.

Chỉ riêng trong tháng 7 vừa qua, ngân hàng trung ương các nền kinh tế phát triển và mới nổi trên toàn cầu đã tăng lãi suất tổng cộng gần 12 điểm phần trăm, đẩy mạnh cuộc chiến chống lại tốc độ lạm phát cao đang cao nhất nhiều thập kỷ. Trong tháng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã lần thứ hai tăng lãi suất thứ hai với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm.

Nhận xét về động thái của Fed, ông Kose cho rằng rõ ràng ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới này đang ưu tiên chống lạm phát và ổn định giá cả trong nước.

“Tôi cho rằng stagflation là rủi ro lớn hơn với các nền kinh tế phát triển so với các thị trường mới nổi, đặc biệt là khu vực đồng tiền chung Euro và Mỹ, trong bối cảnh lạm phát đang tăng nhanh và triển vọng tăng trưởng suy yếu. Đó là lý do Fed đẩy mạnh tăng lạm phát và đây là một hướng đi đúng”, chuyên gia của WB nhận định.

Theo ông, trong bối cảnh áp lực lạm phát như hiện nay, các ngân hàng trung ương cần có nhiều hành động nữa để ổn định giá cả, bao gồm xây dựng một kế hoạch chi tiêu trung hạn đủ tốt để hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương nhất, đồng thời đảm bảo không làm tăng thêm áp lực lạm phát.

Ảnh: Reuters

Nguồn: VNeconomy

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Diệp Linh Invest

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

1 Yêu thích
4 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại