Nguy cơ khủng hoảng ba chiều về lương thực, năng lượng và tài chính
Tạp chí Eurasia Review nhận định, ngoài việc gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã tạo ra một cú sốc đối với nền kinh tế toàn cầu, để lại nhiều hậu quả hiện nay và cả trong tương lai.
Tình trạng lạm phát kéo dài
Là hai trong số những quốc gia “sản xuất bánh mỳ” của thế giới, Nga và Ukraine cung cấp khoảng 30% lúa mỳ và lúa mạch mà thế giới đang tiêu thụ. Xung đột đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường lương thực, năng lượng và tài chính, khiến giá hàng hóa tăng cao kỷ lục. Một câu hỏi được đặt ra là tình trạng lạm phát mà chúng ta đang trải qua là tạm thời hay vĩnh viễn?
Các nhà phân tích cho rằng cuộc xung đột tại Ukraine đã làm thay đổi hoàn toàn triển vọng kinh tế toàn cầu. Thay vì lạm phát chỉ được coi là tạm thời thì tình trạng này sẽ “kéo dài hơn”, có nghĩa là sẽ có tác động lâu dài. Giáo sư Nuria Mas của Trường kinh doanh IESE nhấn mạnh khả năng lạm phát đình trệ có thể dẫn đến giảm phát trong trung hạn. Trong khi đó, Giáo sư kinh tế Javier Diaz Gimenez cảnh báo rằng khi tình trạng lạm phát tiếp tục diễn ra, “chúng ta sẽ nghèo hơn” và các doanh nghiệp nên chuẩn bị kế hoạch ứng phó cho khả năng này.
Khó có thể giải quyết cú sốc về nguồn cung
Theo Giáo sư Mas: “Trong kinh tế học, nói một cách đơn giản, chúng ta có xu hướng nghĩ về hai loại cú sốc, đó là các cú sốc cung và cầu. Trong đó, các cú sốc về nhu cầu dễ dàng xử lý hơn với các công cụ chính sách có sẵn, bởi vì các chính phủ có thể chi tiêu nhiều hơn để kích cầu. Tuy nhiên, những gì đang xảy ra hiện nay rõ ràng là một cú sốc về nguồn cung, vì giá hàng hóa tăng cao đang tác động rất mạnh đến các nhà sản xuất. Trong tình huống này, có khả năng tăng trưởng sẽ thấp đi nhưng giá cả hàng hóa lại cao hơn. Để kích thích nền kinh tế, các chính phủ có thể không muốn mạo hiểm đẩy giá lên cao hơn nữa.”
Giáo sư Mas cho rằng, để đánh giá cú sốc hiện nay, cần phải xem xét kỹ càng hơn đối với bốn vấn đề, đó là giá cả hàng hóa, thương mại quốc tế, chuỗi cung ứng và niềm tin của người tiêu dùng. Nhìn vào bốn vấn đề này ở các nền kinh tế Mỹ, Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha nhận thấy rõ ràng tất cả đều đang bị tác động tiêu cực. Đức và Italy là hai quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất. Cú sốc về nguồn cung là rất rõ ràng nhưng vấn đề này có thể kéo dài bao lâu là một câu hỏi khác.
Sự phụ thuộc vào năng lượng
Giáo sư Diaz Gimenez nhận định, châu Âu rất dễ bị tổn thương do phụ thuộc vào năng lượng. Với việc khí đốt của Nga chiếm tới 40% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu, điều này càng trở nên rõ ràng. Do đó, châu Âu cần phải tự chủ về năng lượng. Tuy nhiên, tìm kiếm một giải pháp thay thế không hề dễ dàng. Vương quốc Anh và Na Uy có thể tăng nguồn cung nhưng vẫn chưa đủ.
Cũng như việc đối phó với cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19, phản ứng của châu Âu cho đến nay là thống nhất và đầy hứa hẹn. Các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga là một minh chứng rõ ràng về điều này. Hiện nay có vẻ là lúc cần phải đưa ra một kế hoạch năng lượng thống nhất. Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất một phác thảo kế hoạch giảm 60% sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga vào tháng 12/2022, đồng thời thúc đẩy năng lượng tái tạo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận