24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Văn Anh Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nguy cơ hiện hữu đối với nền kinh tế số của Indonesia nếu Grab và Gojek sáp nhập

Mặc dù thỏa thuận lớn này vẫn chưa được chính thức xác nhận, nhưng có thể tạo ra những nguy cơ hiện hữu đối với nền kinh tế kỹ thuật số của Indonesia.

Theo The ASEAN Post ngày 17/12, tại Indonesia gần đây đang xôn xao trước thông tin hãng gọi xe công nghệ Grab đang ở vị trí thuận lợi với nhiều ưu thế sẽ thâu tóm đối thủ lâu năm tại thị trường Indonesia là Gojek.

Mặc dù thỏa thuận lớn này vẫn chưa được chính thức xác nhận, nhưng có thể tạo ra những nguy cơ hiện hữu đối với nền kinh tế kỹ thuật số của Indonesia.

Các nghiên cứu gần đây như Báo cáo Tư pháp của Hạ viện của Mỹ về hoạt động cạnh tranh trên thị trường kỹ thuật số đã tiết lộ cách các công ty công nghệ mạnh mẽ đang có xu hướng sử dụng các chiến lược sáp nhập để loại bỏ đối thủ cạnh tranh và chiếm thế độc quyền trên thị trường kinh doanh trong lĩnh vực này.

Theo các chuyên gia, luật cạnh tranh nghiêm cấm việc sáp nhập dẫn đến việc thị trường trở nên kém cạnh tranh hơn, vì nó có thể dẫn đến những ảnh hưởng bất lợi cho cả người tiêu dùng và các doanh nghiệp.

Điều 28 trong Luật chống độc quyền của Indonesia quy định rằng “các chủ thể kinh doanh bị cấm tiến hành sáp nhập có thể gây ra các hoạt động độc quyền và cạnh tranh kinh doanh không lành mạnh”.

Từ một phân tích chống độc quyền thông thường, lý thuyết về tác hại rất rõ ràng: Việc sáp nhập sẽ dẫn đến nguy cơ Grab trở thành một công ty độc quyền trên thực tế. Công ty nghiên cứu công nghệ có trụ sở tại New York, ABI Research báo cáo rằng tính đến ngày 18/9/2019, Grab và Gojek đã thống trị thị trường gọi xe công nghệ tại Indonesia.

Trong đó, Grab chiếm 64% thị phần còn Gojek sở hữu 35,3% thị phần. Nếu hai hãng này kết hợp thị phần thông qua hình thức sáp nhập, Grab sẽ kiểm soát 99,3% thị trường gọi xe công nghệ tại Indonesia hiện nay.

Tuy nhiên, điều nguy hiểm thực sự không phải là sự kết thúc của câu chuyện sáp nhập giữa hai “ông lớn” trên thị trường gọi xe công nghệ tại Indonesia. Trong các thị trường truyền thống, ngay cả khi một công ty trở thành độc quyền, “bàn tay vô hình” của Adam Smith sẽ có tác dụng hạn chế việc thực thi quyền lực thị trường của doanh nghiệp độc quyền.

Vì vậy, chẳng hạn, nếu doanh nghiệp độc quyền tăng giá đến mức không thể chấp nhận được, một công ty mới sẽ ngay lập tức tham gia thị trường với giá cả thấp hơn để lôi kéo người tiêu dùng về phía mình và tạo thế cạnh tranh phá bỏ hiện tượng độc quyền. Do đó, theo quy luật này thị trường sẽ tự cân bằng và điều chỉnh.

Tuy nhiên, Grab và Gojek là hai doanh nghiệp lớn không hoạt động trong các thị trường truyền thống. Hai nền tảng kỹ thuật số này đang hoạt động trong thị trường kỹ thuật số với các đặc điểm kinh tế khác biệt có thể làm trầm trọng thêm tình trạng sáp nhập thâu tóm thị trường mang tính phản cạnh tranh.

Báo cáo của Ủy ban Stigler về nền tảng kỹ thuật số năm 2019 đã cảnh báo rằng thị trường kỹ thuật số không tự cân bằng và điều chỉnh giống như thị trường truyền thống và thường có các rào cản rất phức tạp.

Kết quả là các doanh nghiệp độc quyền trên các thị trường này có thể thực hiện quyền lực thị trường lâu dài. Điều này là do sự kết hợp độc đáo của các tính năng giúp chuyển quá trình cạnh tranh từ cạnh tranh "trong" thị trường sang cạnh tranh "giành" thị trường nơi "người chiến thắng giành lấy tất cả".

Như đã ghi nhận trong Báo cáo của Ban chuyên gia về cạnh tranh kỹ thuật số của Vương quốc Anh, chính sự kết hợp của hiệu ứng mạng mạnh mẽ và quy mô và phạm vi kinh tế theo hướng dữ liệu đã khiến các thị trường kỹ thuật số dễ bị ảnh hưởng.

Do đó, một khi một nền tảng có thể tiếp cận số lượng người dùng quan trọng, nó sẽ trở thành công ty chính (nếu không phải là duy nhất) cung cấp dịch vụ. Điều này giải thích tại sao sự thống trị áp đảo của Google trong thị trường tìm kiếm trực tuyến vẫn không bị thách thức trong suốt hơn 20 năm qua.

Do những động lực của thị trường này, việc sáp nhập giữa Grab và Gojek có thể gây hại cho hàng triệu người tiêu dùng và các doanh nghiệp trong nền kinh tế kỹ thuật số của Indonesia.

Thứ nhất, người tiêu dùng có thể phải trả giá cao hơn so với trước đây. Đây là kết quả tự nhiên của tất cả các thị trường độc quyền vì doanh nghiệp đương nhiệm sẽ không phải đối mặt với bất kỳ sự cạnh tranh nào về giá cả.

Nguy cơ hiện hữu đối với nền kinh tế số của Indonesia nếu Grab và Gojek sáp nhập
Một tài xế xe ôm công nghệ Gojek tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Một bài viết được đăng tải trên The ASEAN Post năm 2018 đã xác nhận rằng ngay sau khi Grab mua lại Uber, đã có rất nhiều lời phàn nàn về việc giá cước tăng vọt sau thương vụ sáp nhập này.

Thứ hai, doanh nghiệp độc quyền sẽ không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ cuộc cạnh tranh theo đúng nghĩa đầy đủ nào trên thị trường kinh doanh. Doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng pháp nhân được hợp nhất thậm chí có thể bắt đầu tính phí đăng ký khi sử dụng nền tảng của họ để thu lợi nhuận cao hơn.

Hơn nữa, Grab và Gojek là những nền tảng đa dụng, đóng vai trò trung gian cho bên cầu (hành khách) và bên cung (tài xế).

Pháp nhân được hợp nhất có thể tìm cách tăng lợi nhuận của mình hơn nữa bằng cách áp đặt các điều khoản khắc nghiệt hơn đối với các tài xế và nhà cung cấp, những người sẽ khó từ chối do hàng triệu người dùng đã bị khóa chặt với nền tảng của đơn vị cung cấp dịch vụ đương nhiệm.

Các chiến lược tối đa hóa lợi nhuận này rất có thể xảy ra vì Grab và Gojek đã chi rất nhiều tiền trong nhiều năm để có được thị phần khổng lồ của họ và sẽ mong muốn bù lại khoản lỗ này.

Cuối cùng, người tiêu dùng có thể phải trải nghiệm một dịch vụ chất lượng thấp hơn và ít đổi mới hơn. Điều này có thể xảy ra bằng cách giới thiệu các quảng cáo được nhắm mục tiêu trong ứng dụng để tạo ra nhiều doanh thu hơn nữa hoặc bằng cách hạ thấp các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư của người dùng để các nền tảng có thể trích xuất nhiều dữ liệu hơn mà họ có thể bán cho các nhà quảng cáo.

Trong một nghiên cứu gần đây, Dina Srinivasan, thành viên của Dự án Yale’s Thurman Arnold đã giải thích cách thu thập dữ liệu của Facebook trở nên mạnh mẽ hơn sau khi không phải đối mặt với sự cạnh tranh từ MySpace.

Trong tất cả những mối nguy hiểm này, có lẽ việc đáng lo ngại nhất hiện nay là Cơ quan giám sát cạnh tranh của Indonesia (KPPU) sẽ không thể làm gì để ngăn chặn thương vụ sáp nhập giữa hai “ông lớn” này.

Nguyên nhân do Điều 29 trong Luật chống độc quyền của Indonesia đã cho phép các doanh nghiệp thông báo sau khi sáp nhập, trong đó quy định các hoạt động sáp nhập của doanh nghiệp chỉ được yêu cầu thông báo trong vòng 30 ngày sau khi hoàn thành.

Mặc dù KPPU có thể hủy bỏ việc sáp nhập theo Điều 47, nhưng họ không thể chặn việc sáp nhập trước khi thương vụ này có hiệu lực.

Do đó, đây nên được coi là một lời cảnh tỉnh đối với các nhà lập pháp của Indonesia để kịp thời sửa đổi luật chống độc quyền đã lỗi thời của quốc gia này để những lỗ hổng này không cản trở đối với nhiệm vụ giám sát của KPPU trong việc bảo vệ thị trường, nếu không Indonesia có thể phải "trả giá rất đắt" cho việc này./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả