24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lâm An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nguy cơ cho Biển Đông sau thỏa thuận an ninh Trung Quốc-Quần đảo Solomon

Tuyên bố của Trung Quốc về việc nước này đã ký kết một thỏa thuận an ninh sâu rộng với Quần đảo Solomon diễn ra chỉ vài giờ sau khi Washington thông báo sẽ cử quan chức Mỹ đến quốc đảo Thái Bình Dương này do quan ngại sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở quần đảo do Thủ tướng thân Trung Quốc Manasseh Sogavare lãnh đạo.

Truyền thông Anh lưu ý rằng việc ký kết thỏa thuận này làm dấy lên quan ngại quốc tế về việc Bắc Kinh đẩy mạnh nỗ lực để đạt được điều mà họ gọi là "quyền lịch sử" đối với Biển Hoa Nam (Biển Đông) đang tranh chấp.

Hãng tin AP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 18/4 nói rằng Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Quần đảo Solomon Jeremiah Manele đã chính thức ký kết một thỏa thuận an ninh, song không nêu rõ cụ thể là vào ngày nào. Phát biểu tại buổi họp báo, ông Uông Văn Bân cho biết thỏa thuận này bao gồm nội dung duy trì trật tự xã hội, bảo vệ người dân và tài sản, cung cấp hỗ trợ nhân đạo và ứng phó với những thảm họa thiên nhiên.

Bước đi củng cố quan hệ nói trên sau thời kỳ bất ổn chính trị và xã hội ở Quần đảo Solomon một phần vì quyết định của Honiara cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan - một hòn đảo mà Trung Quốc coi là một tỉnh ly khai - để thiết lập quan hệ với Trung Quốc.

Theo bản thảo của thỏa thuận nói trên vốn bị rò rỉ từ hồi tháng 3 vừa qua, một điều khoản trong tài liệu này cho thấy thỏa thuận cho phép các hoạt động triển khai an ninh và hải quân của Trung Quốc đến Quần đảo Solomon. Điều này làm dấy lên quan ngại của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và Australia với những phản ứng mà Bắc Kinh gọi là "thái quá". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 19/4 nói rằng phương Tây đang "cố ý nói quá những quan ngại" về thỏa thuận này. Ông Uông Văn Bân miêu tả thỏa thuận này là một hình thức "hợp tác và trao đổi thông thường giữa hai nước có chủ quyền và độc lập". Khi thông báo Trung Quốc và Quần đảo Solomon gần đây đã "chính thức ký kết thỏa thuận khung về hợp tác an ninh", người phát ngôn này không cung cấp chi tiết được nêu trong phiên bản cuối cùng của thỏa thuận này.

Thủ tướng Manasseh Sogavare luôn tái khẳng định rằng ông không có ý định cho phép Trung Quốc thiết lập một căn cứ quân sự trên quần đảo do mình quản lý và điều hành. Tuy nhiên, theo bản thảo bị rò rỉ, cảnh sát được trang bị vũ khí của Trung Quốc có thể được triển khai tại Solomon theo yêu cầu nhằm duy trì "trật tự xã hội".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm 18/4 cho rằng việc ký kết thỏa thuận "có thể làm gia tăng tình trạng bất ổn ở quần đảo Solomon và sẽ đặt ra một tiền lệ đáng quan ngại đối với toàn bộ khu vực rộng lớn hơn ở Thái Bình Dương". Ông Ned Price nêu rõ: "Bản chất bao trùm thỏa thuận an ninh này là mở đường cho việc triển khai các lực lượng quân sự của Trung Quốc tại Quần đảo Solomon".

Dự kiến, trong tuần này, một phái đoàn của Mỹ sẽ đến thăm Quần đảo Solomon. Một trong những nội dung chính của chuyến đi này sẽ là việc giới chức Nhà Trắng thảo luận với chính quyền chủ nhà về việc mở cửa trở lại đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Honiara. Hãng tin AP cho biết phái đoàn này do hai quan chức Mỹ dẫn đầu là Điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Kurt Campbell và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenink. Đại sứ quán của Mỹ ở thủ đô Honiara đã bị đóng cửa từ năm 1993. Washington đưa ra tuyên bố về việc mở cửa trở lại đại sứ quán này từ hồi tháng 2/2022 trước khi có những thông tin bị rò rỉ về thỏa thuận giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon. Tuy nhiên, vào thời điểm Mỹ đưa ra tuyên bố đó, quan ngại về tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh ở khu vực Thái Bình Dương, đặc biệt ở Quần đảo Solomon có vị trí địa lý quan trọng chiến lược, đã ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ cũng nói rằng họ quan ngại về sự "thiếu minh bạch và bản chất không rõ ràng" của thỏa thuận nói trên. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng cho rằng việc ký kết như truyền thông đưa tin cho thấy "một mô hình lặp đi lặp lại của Trung Quốc khi đưa ra những thỏa thuận mơ hồ, không rõ ràng mà không hề có sự tham vấn với các nước khác trong khu vực về vấn đề đánh bắt cá, quản lý tài nguyên, hỗ trợ phát triển và những thông lệ an ninh hiện nay".

Trong khi đó, Australia lo ngại thỏa thuận này có thể là một bước đi tạo cơ sở cho sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở một nơi cách bờ biển của nước này chỉ chưa đầy 2.000km và điều này có thể "đe dọa sự ổn định ở khu vực". Canberra cũng chỉ trích rằng thỏa thuận đã được đàm phán bí mật, đồng thời bày tỏ sự "thất vọng sâu sắc", khẳng định sẽ "tìm cách làm sáng tỏ những điều khoản trong thỏa thuận cũng như những hậu quả đối với khu vực Thái Bình Dương". Trong một thông báo chiều 19/4, hai bộ trưởng Australia đã bày tỏ quan ngại về việc thiếu tính minh bạch trong thỏa thuận cũng như nguy cơ thỏa thuận này gây hủy hoại sự ổn định khu vực. Ngoại trưởng Marise Payne và Bộ trưởng phụ trách khu vực Thái Bình Dương Zed Seselja nhấn mạnh Canberra sẽ "tiếp tục khuyến khích Quần đảo Solomon tham gia vào quá trình đối thoại khu vực và hợp tác với các nước Thái Bình Dương trước tiên, kể cả trước khi tìm kiếm sự hỗ trợ an ninh của Trung Quốc theo thỏa thuận nói trên.

Bộ trưởng Seselja đã nỗ lực dành thời gian bận rộn của mình cho chiến dịch tranh cử liên bang để đến thăm Honiara hồi tuần trước nhằm đề nghị Thủ tướng của Quần đảo Solomon cân nhắc không ký kết thỏa thuận nói trên với Bắc Kinh. Tuy nhiên, những nỗ lực này của ông dường như đã thất bại. Australia muốn Quần đảo Solomon hợp tác với "gia đình Thái Bình Dương trước tiên", trong đó ám chỉ đến những quan ngại về việc Trung Quốc đang nhận được sự hậu thuẫn trong những hành động của họ ở Biển Đông - nơi Bắc Kinh gia tăng sự hiện diện quân sự bằng cách xây dựng các đảo nhân tạo và căn cứ không quân trong những năm gần đây. Những động thái này của Bắc Kinh đã vấp phải những phản ứng ngoại giao của các nước láng giềng có cùng tranh chấp ở Biển Đông.

Theo AP, Express

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả