Nguy cơ chiến tranh Trung Đông có thể châm ngòi suy thoái kinh tế toàn cầu
Những lo ngại về chiến dịch mở rộng của Israel ở Dải Gaza có thể leo thang thành một cuộc xung đột khu vực đang làm lu mờ triển vọng kinh tế toàn cầu.
Theo giới chuyên gia, vẫn còn quá sớm để nói rằng cuộc xung đột Israel - Hamas gây ra rủi ro lớn như thế nào đối với nền kinh tế toàn cầu vốn đã mong manh, nhưng những dấu hiệu cảnh báo đã khá rõ ràng.
Một trong những lý do khiến cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas được coi là mối đe dọa kinh tế toàn cầu là do thế giới phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ của khu vực Trung Đông, vốn chiếm 1/3 thị trường. Các nhà kinh tế lo ngại rằng giá dầu tăng đột biến có thể gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu.
Ông Indermit Gill, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, cho biết đây là lần đầu tiên chúng ta chứng kiến hai cú sốc năng lượng cùng một lúc, ám chỉ đến tác động từ hai cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông lên giá dầu và khí đốt.
Tình trạng tăng giá đó không chỉ làm giảm sức mua sắm của các gia đình và doanh nghiệp, mà còn đẩy chi phí sản xuất lương thực lên cao, cũng như làm tăng thêm tình trạng mất an ninh lương thực, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Ai Cập, Pakistan và Sri Lanka.
Hiện tại, các quốc gia này đang phải vật lộn với mức nợ cao bất thường, đầu tư tư nhân yếu kém và phục hồi thương mại chậm nhất trong 5 thập kỷ. Do đó, họ càng gặp khó khăn hơn trong nỗ lực thoát khỏi khủng hoảng.
Lãi suất cao hơn đã khiến chính phủ và các công ty tư nhân gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận tín dụng và ngăn chặn tình trạng vỡ nợ.
Tại Anh, hoạt động yếu kém của nền kinh tế đang làm tăng nguy cơ suy thoái vốn đang rình rập nước này. Tuần trước, trong báo cáo chính sách tiền tệ, Ngân hàng Anh cho biết Tổng Sản phẩm quốc nội (GDP) của Vương quốc Anh dự kiến không thay đổi trong quý 3 năm nay, yếu hơn so với dự kiến trong báo cáo tháng 8.
Những rắc rối kinh tế gần đây đã được thúc đẩy bởi các xung đột địa chính trị ngày càng sâu sắc, trải rộng khắp các châu lục.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về chuyển giao công nghệ và an ninh chỉ làm phức tạp thêm những nỗ lực hợp tác để giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu, giảm nợ hoặc xung đột bạo lực trong khu vực.
Những bất ổn về chính trị bao trùm cũng đồng nghĩa với việc các công cụ tài chính và tiền tệ truyền thống như điều chỉnh lãi suất hoặc chi tiêu chính phủ có thể kém hiệu quả hơn.
Ngược lại, Mỹ lại khiến các nhà dự báo bối rối về tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Từ tháng 7 đến tháng 9, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng trưởng với tốc độ hàng năm xấp xỉ 5%, nhờ lạm phát chậm lại và xu hướng tuyển dụng mạnh mẽ.
Ấn Độ, được hỗ trợ bởi người tiêu dùng, đang trên đà đạt được thành tích tốt tiếp theo, với mức tăng trưởng ước tính là 6,3%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận