24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Tiểu Màn Thầu
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nguy cơ chiến tranh ở Đài Loan hiện cao nhất trong 25 năm qua

Shi Yinhong, Giáo sư về quan hệ quốc tế tại trường Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, cảnh báo rằng nguy cơ chiến tranh đối với Đài Loan đang ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa ở Eo biển Đài Loan năm 1996.

Ông Shi Yinhong lưu ý rằng căng thẳng ở Eo biển Đài Loan đã leo thang đều đặn trong bối cảnh Mỹ ngày càng tỏ rõ sự ủng hộ đối với Đài Loan. Bắc Kinh coi hòn đảo tự trị này là một tỉnh ly khai và đã biến việc tái thống nhất Đài Loan với Đại lục trở thành mục tiêu cấp bách hơn nhiều trong những năm gần đây. Phát biểu tại một diễn đàn về quan hệ quốc tế ở Bắc Kinh ngày 20/1, Giáo sư Shi Yinhong cho biết mục tiêu này - mà Bắc Kinh muốn đạt được trong vòng 1 thập kỷ - có thể có nghĩa là sử dụng vũ lực ồ ạt hoặc đe dọa sử dụng vũ lực ồ ạt.

Trong khi cảnh báo rằng các cuộc đối đầu ở Đài Loan có thể dẫn đến xung đột vũ trang hoặc thậm chí là chiến tranh ở eo biển, ông Shi cho biết việc đánh giá nghiêm túc và kỹ lưỡng về tình hình là cần thiết hơn bất kỳ lúc nào trong 25 năm qua, ám chỉ đến cuộc khủng hoảng tên lửa ở Eo biển Đài Loan năm 1996. Năm 1996, khi Đài Loan đang chuẩn bị tổ chức cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp đầu tiên, Bắc Kinh đã tổ chức một loạt cuộc tập trận quân sự và bắn tên lửa ở vùng biển xung quanh hòn đảo này, khiến Mỹ triển khai các nhóm tàu sân bay tác chiến tới các vùng biển quốc tế gần đó. Giáo sư Shi nói: "Chính phủ Trung Quốc không muốn tạo cho Mỹ và Đài Loan ấn tượng rằng [họ] tìm cách tránh hoàn toàn xung đột quân sự với Mỹ về Đài Loan vì Bắc Kinh tin rằng điều này sẽ dẫn đến việc Mỹ ngày càng ủng hộ Đài Loan và khiến Đài Loan quyết tâm hơn trong việc tìm kiếm độc lập".

Cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong đã nói rằng Mỹ và Trung Quốc nên đàm phán về "đường ray bảo vệ" và tạo ra một kênh liên lạc trực tiếp, cởi mở để các nhà lãnh đạo của họ có thể liên lạc với nhau một cách nhanh chóng nhằm ngăn chặn xung đột về Đài Loan. Phát biểu tại Diễn đàn Hong Kong lần thứ ba về quan hệ Mỹ-Trung thông qua liên kết video ngày 19/1, ông Goh Chok Tong nhấn mạnh: “Mối quan tâm lớn nhất của tôi là liệu Đài Loan có trở thành lý do khơi mào mootj cuộc chiến hay không? Tôi không nghĩ rằng Đại lục muốn xâm lược Đài Loan và thống nhất hòn đảo này với Đại lục bằng vũ lực. Tuy nhiên, nếu không thấy triển vọng thống nhất hòa bình, Đại lục có thể tin rằng họ không còn lựa chọn nào khác”. Ông Goh cho rằng Trung Quốc và Mỹ nên thiết lập một "đường dây liên lạc đỏ" tương tự đường dây liên lạc mà các nhà lãnh đạo Liên Xô và Mỹ sử dụng năm 1962, khi hai cường quốc tiến gần đến một cuộc chiến tranh hạt nhân, hay còn được gọi là cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.

Những lo ngại về một cuộc chiến tranh có thể xảy ra ở Eo biển Đài Loan đã gia tăng kể từ năm ngoái, khi một chỉ huy hàng đầu của Mỹ cảnh báo rằng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có thể xâm lược Đài Loan trong vòng 6 năm tới và Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan cho biết căng thẳng ở eo biển đã leo thang đến mức tồi tệ nhất trong vòng 40 năm qua khi ông cảnh báo về những nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công bất ngờ. Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan cho biết: “Đây là tình hình nghiêm trọng nhất mà tôi từng chứng kiến trong hơn 40 năm qua".

Cũng tại diễn đàn ở Bắc Kinh, Zhu Feng - Giáo sư quan hệ quốc tế tại trường Đại học Nam Kinh - cảnh báo rằng vấn đề Đài Loan có thể trở thành tâm điểm trong cuộc cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ vì Bắc Kinh cho rằng Mỹ đang tìm cách “dồn Trung Quốc vào chân tường” khi lặp lại các chiến thuật mà nước này đã sử dụng để chống lại Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Các nhà phân tích cũng cảnh báo về xu hướng ngày càng có nhiều đồng minh châu Âu theo chân Mỹ trong việc tìm kiếm quan hệ chặt chẽ hơn với Đài Loan theo cách tiếp cận ngoại giao liên minh của Tổng thống Joe Biden. Đầu tuần này, Slovenia đã trở thành quốc gia châu Âu nhỏ bé mới nhất tăng cường quan hệ với Đài Loan, với kế hoạch thiết lập các văn phòng thương mại trên lãnh thổ của nhau. Điều này diễn ra chỉ 2 tháng sau khi Bắc Kinh hạ cấp quan hệ với Litva vì mối quan hệ đang ấm dần lên của nước này với Đài Bắc và việc một văn phòng đại diện của Đài Loan được mở tại thủ đô của nước này.

Cui Hongjian, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho rằng tình hình đang trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết, khi Litva đi đầu trong việc đối đầu với Bắc Kinh về vấn đề Đài Loan, và những nước khác ở châu Âu cũng "noi gương". Ông Cui nói: “Việc tránh xu hướng để cho các vấn đề Đài Loan trở thành các vấn đề dài hạn và rõ ràng hơn ở châu Âu là điều rất khó, do những thay đổi chính trị ở châu Âu và sự cạnh tranh tổng thể giữa Trung Quốc và Mỹ - nước sử dụng hệ thống liên minh của mình để kiềm chế Bắc Kinh".

Jia Qingguo, Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại trường Đại học Bắc Kinh, cho biết Trung Quốc và Mỹ gần như đang trên bờ vực xung đột quân sự vì Đài Loan. Theo ông, trước mắt, dư địa cho bất kỳ sự cải thiện nào trong quan hệ Mỹ-Trung là rất hạn chế, trong khi khả năng xấu đi là cao và khả năng hợp tác khó xảy ra. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, có thể mong đợi sự ổn định và tăng cường hợp tác giữa 2 nước trong một số lĩnh vực do họ có những lợi ích chung trong các vấn đề song phương và đa phương.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả