Ngưỡng 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD quan trọng ra sao trong thương chiến Mỹ-Trung?
Đà suy giảm gần đây của đồng Nhân dân tệ có nguy cơ kích động tới Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi ông Trump nhiều lần chỉ trích Trung Quốc vì cho rằng họ đang cố ý làm suy yếu đồng nội tệ để hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu.
Các chuyên viên phân tích cho rằng tỷ giá Nhân dân tệ bị ảnh hưởng bởi tâm lý ngày càng tệ trên thị trường trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc và Mỹ nâng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. Đồng Nhân dân tệ có thể suy yếu về ngưỡng 7 đổi 1 USD khi đàm phán thương mại Mỹ-Trung chững lại.
Đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài đã giảm gần 3% từ đầu tháng này, nằm trong nhóm những đồng tiền có thành quả tệ nhất châu Á và hôm thứ Sáu (17/05), đồng Nhân dân tệ tại Trung Quốc đã phá ngưỡng 6.9 đổi 1 USD lần đầu tiên trong năm 2019.
“Điều này sẽ cung cấp thêm lý do cho phe diều hâu ở Washington”, Hui Feng, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện châu Á Griffith và đồng tác giả của cuốn sách “The Rise of the People’s Bank of China” (tạm dịch: Sự trỗi dậy của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc), cho hay.
Trung Quốc có nhiều công cụ chính sách để đối phó với sự rung lắc trên thị trường tiền tệ, Pan Gongsheng, người đứng đầu Cục Quản lý Ngoại hối, cho hay trong một cuộc phỏng vấn với Financial News được công bố trên trang web của NHTW trong ngày Chủ nhật (19/05). Nếu đồng Nhân dân tệ phá ngưỡng 7 đổi 1 USD thì sẽ gây hại nhiều hơn là được lợi vì điều này sẽ làm giảm niềm tin và gia tăng áp lực thoái vốn, theo bài nhận định trên China Business News.
Trong ngày thứ Hai (20/05), Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã lập tỷ giá trung tâm hàng ngày ở mức mạnh hơn dự báo của các chuyên viên phân tích và trader, một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn làm giảm nhịp độ suy yếu. Đồng Nhân dân tệ tại Trung Quốc tăng lần đầu tiên trong 4 phiên vừa qua, tăng 0.08% và dao động ở mức 6.9135 vào lúc 16h39 (giờ Thượng Hải). Được biết, đồng Nhân dân tệ không được tăng/giảm quá 2% so với mức tỷ giá trung tâm.
Mặc dù các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ và lượng dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới có thể đóng vai trò một tấm đệm an toàn cho Trung Quốc, nhưng đà suy yếu của đồng Nhân dân tệ cũng sẽ là bài kiểm tra dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Mới trong tháng trước, ông Tập đã cam kết ngăn chặn đà suy yếu của đồng Nhân dân tệ - vốn ảnh hưởng tiêu cực tới các quốc gia khác. Đồng Nhân dân tệ yếu hơn có nguy cơ gây áp lực lên hộ gia đình và công ty và khiến họ rút vốn ra khỏi Trung Quốc, đồng thời buộc Chính phủ phải sử dụng tới khoản dự trữ hơn 3 ngàn tỷ USD để ngăn chặn làn sóng rút vốn.
Ngoài ra, làn sóng bán tháo của đồng Nhân dân tệ cũng khiến nhà đầu tư hoảng sợ - như đã từng chứng kiến sau đợt phá giá tiền tệ bất ngờ trong năm 2015. Trong năm đó, đà giảm của đồng Nhân dân tệ đã gây ra tình trạng hoảng loạn trên thị trường chứng khoán và làm nảy sinh lo ngại về tình trạng “hạ cánh cứng” (hard landing) của nền kinh tế.
Lo ngại ở đây là đồng Nhân dân tệ yếu hơn có thể khiến người tiêu dùng bớt sẵn lòng chi tiêu và doanh nghiệp đánh mất động lực để đầu tư, theo các chiến lược gia Lu Sun và Gaurav Garg tại Citigroup. Ngoài ra, nó cũng khiến các đối tác thương mại làm suy yếu đồng tiền của họ để đáp trả.
PBoC có thể kiểm soát sự biến động của đồng Nhân dân tệ bằng các công cụ như lập mức neo tỷ giá mạnh hơn và rút tiền mặt ở Hồng Kông, nếu căng thẳng thương mại leo thang, theo Chun Him Cheung, Chiến lược gia tại Morgan Stanley. Đồng Nhân dân tệ nhiều khả năng chưa phá ngưỡng 7 đổi 1 USD vì Trung Quốc muốn tỷ giá ổn định, nhưng họ có thể làm suy yếu đồng Nhân dân tệ vượt mức 7 đổi 1 USD nếu “các nhận định mang quan điểm diều hâu về thương mại” được đưa ra nhiều hơn trong vài tuần tới, ông viết trong một báo cáo ngày thứ Hai (20/05).
Nhà đầu tư nước ngoài – những người đã nâng tỷ trọng nắm giữ trái phiếu và cổ phiếu Trung Quốc trong nhiều năm qua – có thể đẩy nhanh quá trình bán tháo nếu đồng Nhân dân tệ vượt ngưỡng 7 đổi 1 USD, theo Sun và Garg của Citigroup. Khối ngoại có thể cũng muốn các tổ chức chỉ số toàn cầu trì hoãn việc thêm tài sản Trung Quốc vào các chỉ số của họ. Điều này có thể làm gián đoạn dòng vốn chảy vào thị trường Trung Quốc ngay khi Trung Quốc có thể bị thâm hụt tài khoản vãng lai và hủy hoại nguồn hỗ trợ dành cho đồng Nhân dân tệ.
“Mọi thứ còn phụ thuộc vào nhịp độ và mức độ suy yếu của đồng Nhân dân tệ”, Viraj Patel, Chiến lược gia ngoại hối và vĩ mô toàn cầu tại Arkera, nói với Bloomberg Television. “Nếu đó là một động thái mạnh mẽ và khiến thị trường bất ngờ thì điều đó sẽ tác động mạnh hơn tới thị trường toàn cầu”.
Đối với các nhà xuất khẩu và nhà sản xuất Trung Quốc, đà giảm của đồng Nhân dân tệ sẽ làm gia tăng khả năng cạnh tranh của họ. Một chỉ số của Bloomberg theo dõi diễn biến của đồng Nhân dân tệ so với 24 đồng tiền khác đã giảm 14 phiên liên tiếp vào ngày thứ Hai (20/05) – chuỗi giảm dài nhất kể từ khi dữ liệu này có sẵn trong tháng 1/2015.
Đà bán tháo sẽ thu hút sự chú ý của Nhà Trắng, Louis Kuijs, Chuyên gia kinh tế châu Á tại Oxford Economics ở Hồng Kông, nhận định.
“Tôi chắc rằng ông Trump sẽ không thích đà suy yếu của đồng Nhân dân tệ và ông sẽ đưa ra động thái chính trị”, Louis Kuijs cho hay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận