Nguồn vốn FDI tăng kỷ lục, đã vội mừng?
Trong 5 tháng đầu năm nay nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tăng kỷ lục trong vòng 4 năm trở lại đây.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã “rót tiền” đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực của Việt Nam, trong đó đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 12 tỷ USD, chiếm hơn 71% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm tự hào về môi trường đầu tư hấp dẫn, vấn đề đặt ra là chất lượng của nguồn vốn cũng như sự bền vững của đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Rót tiền vào 19 ngành
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến ngày 20/5, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 16,74 tỷ USD, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2018. Tăng trưởng về thu hút nguồn vốn FDI đã chứng tỏ ưu thế về môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã “rót tiền” đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực của Việt Nam, trong đó đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 12 tỷ USD, chiếm hơn 71% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 1,138 tỷ USD, chiếm 6,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Đây có thể coi là một tín hiệu tích cực khi dòng vốn đầu tư đã chuyển từ lĩnh vực kinh doanh bất động sản sang lĩnh vực chế biến, chế tạo vốn được coi là mang lại giá trị bền vững hơn cho kinh tế trong nước.
Xét theo đối tác đầu tư, sau 4 tháng liên tiếp dẫn đầu, Trung Quốc đã tụt xuống vị trí thứ 2 về vốn đầu tư mới trong tháng 5 với 250 triệu USD (xếp sau Hàn Quốc với 357 triệu USD). Tuy nhiên, tính lũy kế 5 tháng, Trung Quốc vẫn đứng đầu với 1,56 tỷ USD với 233 dự án, con số này gấp 5,5 lần so với đầu tư FDI của Trung Quốc vào Việt Nam cùng kỳ năm 2018. Đây cũng là năm đầu tiên Trung Quốc có số vốn đăng ký mới vào Việt Nam lớn nhất.
Các chuyên gia nhận định, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra, dòng vốn sẽ dịch chuyển từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là một trong những trung tâm, để tránh “lệnh trừng phạt” của Mỹ. Đó không chỉ là các nhà đầu tư của Trung Quốc, mà cả các nhà đầu tư nước khác “tháo chạy” khỏi Trung Quốc.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mang lại cho Việt Nam cơ hội thu hút dòng vốn FDI từ Trung Quốc do Việt Nam có môi trường kinh doanh thông thoáng, an ninh, chính trị ổn định và các nước đang sắp xếp lại chiến lược đầu tư ra nước ngoài. Các công ty lớn trên thế giới đang hoạt động đầu tư ở Trung Quốc sẽ tìm giải pháp giảm thiểu rủi ro bằng cách chuyển một số cơ sở sản xuất hay thương mại sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng, đây chỉ là một trong những lý do đem đến kết quả thu hút FDI tăng cao trong 5 tháng qua. Bên cạnh đó, Hiệp định CPTPP bắt đầu thực hiện từ năm 2019 cũng mở ra cơ hội lớn về thu hút vốn đầu tư FDI.
Đặc biệt, tiềm năng, triển vọng về xuất khẩu, hội nhập của Việt Nam cao hơn so với các nước, đặc biệt là vấn đề ổn định kinh tế trong nước cũng là “điểm cộng” để Việt Nam hút mạnh vốn FDI.
Vốn FDI từ Trung Quốc là 2 tỷ USD
Trong tổng vốn FDI Việt Nam thu hút được, vốn FDI từ Trung Quốc là 2 tỷ USD, chiếm 12%, xếp thứ 4 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ sau Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore. Nếu tính riêng vốn đăng ký cấp mới, Trung Quốc tiếp tục là quốc gia dẫn đầu, với tổng vốn đăng ký cấp mới lên tới 1,56 tỷ USD, gấp 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Trong những năm gần đây, nhiều tập đoàn tầm cỡ của Trung Quốc ngày càng quan tâm đến Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm 2019, đã có 2 dự án quy mô lớn được các nhà đầu tư Trung Quốc đăng ký đầu tư vào Việt Nam là Dự án Chế tạo lốp xe radian toàn thép ACTR với tổng vốn đăng ký 280 triệu USD, đầu tư tại Tây Ninh và Dự án Lốp Advance Việt Nam của nhà đầu tư Guizhou Advance Type Investment Co.,Ltd, với tổng vốn đăng ký 214,4 triệu USD…
Trước dòng vốn FDI từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, hiện tượng này phản ánh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là một trong các yếu tố tác động đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Mặt khác, do Việt Nam là thành viên và đã cam kết thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) cũng là một yếu tố thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của các nước và vùng lãnh thổ, trong đó có Hồng Kông và Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam để hưởng lợi về chính sách thuế của các hiệp định này.
TS Cấn Văn Lực cho rằng, đã và đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang ASEAN, trong đó Việt Nam là ưu tiên số 1. Những triển vọng của Việt Nam về tăng trưởng kinh tế khá cao, chính trị ổn định, chi phí và kỹ năng lao động cạnh tranh, môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng... đã thu hút dòng vốn FDI từ doanh nghiệp Trung Quốc và nhà đầu tư nước ngoài đang làm ăn tại Trung Quốc.
Tránh áp lực cho DN nội
Mặc dù dòng vốn FDI đang tăng kỷ lục nhưng Việt Nam cần chọn lọc dự án và nhà đầu tư chứ không nên tiếp nhận đầu tư bằng mọi giá. Đồng thời, không nên ưu đãi quá nhiều cho khối FDI, sẽ khiến các DN trong nước khó cạnh tranh.
Ông Nguyễn Bích Lâm cũng cho rằng, thu hút vốn FDI của các địa phương cần theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, giá trị gia tăng cao và công nghệ hiện đại, tiên tiến. Không để nhà đầu tư tìm đến Việt Nam với mục tiêu tận dụng thị trường lao động giá rẻ, chi phí dịch vụ tiện ích thấp, đặc biệt không để Việt Nam là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài nhằm phân tán rủi ro trong chiến tranh thương mại.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo động lực mới cho thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao.
Theo PGS. TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp, khi các DN chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ tác động không nhỏ tới DN trong nước. Đầu tiên, khi dòng vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm kiếm đối tác bản địa để liên kết, hợp tác.
Qua thực tế, số DN có khả năng trở thành đối tác của các DN nước ngoài chỉ khoảng 20%. Các DN khác chỉ cố gắng để trụ lại, tồn tại trước áp lực cạnh tranh của DN nước ngoài. Trong số 20% DN đó, chỉ có 1 DN ứng dụng đổi mới sáng tạo có hiệu quả.
Từ thực tế có xung hướng, doanh nghiệp FDI nhỏ lẻ đầu tư vào Việt Nam đóng vai trò là DN vệ tinh, cung cấp các dịch vụ cho DN lớn. Theo ông Đậu Anh Tuấn- Giám đốc Dự án PCI “Vấn đề này hàm chứa thông điệp đáng lo ngại. Bởi lẽ các DN tư nhân Việt Nam muốn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng nếu DN nước ngoài quy mô nhỏ vào nhiều thì DN tư nhân Việt Nam đối mặt cạnh tranh nhiều từ chính các DN quy mô nhỏ này”, ông Đậu Anh Tuấn cảnh báo.
Nói về điều này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho ví dụ, tỷ lệ nội địa hóa của Samsung Việt Nam hiện chỉ đạt khoảng 35%, khả năng tham gia của các DN thuần Việt vào chuỗi sản xuất của tập đoàn này là chưa cao, chưa ổn định. Hay như Canon đã hoạt động ở Việt Nam gần 20 năm, song mới chỉ có 20 DN hỗ trợ thuần Việt trên tổng số 160 DN, cũng chiếm tỷ lệ rất nhỏ, ông Hoàng An nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận