Nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN tiếp tục tăng mạnh
Nguồn vốn đầu tư và các hợp đồng xây dựng của Trung Quốc tại khu vực ASEAN đã tăng mạnh, lên tới 11 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm 2019, gấp đôi so với sáu tháng cuối năm 2018.
Theo báo cáo mới được công bố của ngân hàng Maybank Kim Eng, các nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc đang quay trở lại khu vực Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với việc các dự án trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai Con đường" (BRI) đang được phục hồi, cùng với đó là căng thẳng thương mại với Mỹ khiến các công ty của Trung Quốc chuyển dòng vốn đầu tư vào khu vực Đông Nam Á.
Dữ liệu của Maybank Kim Eng cho biết, nguồn vốn đầu tư và các hợp đồng xây dựng của Trung Quốc tại khu vực ASEAN đã tăng mạnh, lên tới 11 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm 2019, gấp đôi so với sáu tháng cuối năm 2018. Trong cả năm 2018, các nguồn vốn đầu tư đã đạt 22,4 tỷ USD, thấp hơn rất nhiều so với con số 38,2 tỷ USD trong năm 2017.
Sự hồi phục và gia tăng các nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc chủ yếu diễn ra ở các nước như Indonesia, Campuchia, Singapore và Việt Nam. Tại Malaysia, việc tái khởi động các dự án thuộc BRI ở nước này được dự báo sẽ làm gia tăng mạnh nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc vào năm 2020.
Tính chung từ năm 2014 đến 2018, các dự án đầu tư của Trung Quốc trong khu vực ASEAN chiếm 35% tổng số các dự án trong khuôn khổ BRI. Trong đó, Malaysia là nước nhận được nhiều nguồn vốn đầu tư nhất, tới 27,5 tỷ USD, chiếm 7,2% tổng giá trị.
Trong khi đó, các nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc cũng đang thúc đẩy sự bùng nổ tăng trưởng trong lĩnh vực du lịch và bất động sản tại Campuchia. Tại nước này, nguồn vốn đầu tư Trung Quốc vào bất động sản tăng vọt tới 4,6 tỷ USD trong bảy tháng đầu năm 2019, cao hơn 53% so với cùng kỳ năm ngoái.
Maybank Kim Eng cũng nhận định rằng với việc Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn hơn trong khu vực ASEAN, thì Mỹ và Nhật Bản cũng đang phải tích cực triển khai thêm nhiều các sáng kiến trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, như sáng kiến Hội đồng Phát triển Tài chính Mỹ hay sáng kiến Đối tác vì Cơ sở hạ tầng có chất lượng của Nhật Bản.
Mới đây, số liệu của một cuộc khảo sát cũng cho thấy gần 25% các công ty Mỹ tại Trung Quốc đã có kế hoạch chuyển các cơ sở sản xuất tới khu vực ASEAN. Theo Maybank Kim Eng, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đang sụt giảm, chỉ đạt 3 tỷ USD trong nửa đầu năm 2019.
Trước đó, năm 2016, đầu tư Trung Quốc tại Mỹ đã đạt đỉnh 55 tỷ USD. Trong khi đó, các nguồn đầu tư về công nghệ của Trung Quốc tại ASEAN đang tăng mạnh và Singapore, Indonesia tiếp tục chiếm thị phần lớn nguồn đầu tư này của Trung Quốc./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận