menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hiểu Minh

Nguồn tiền lớn đang đổ về, giúp ngân hàng Việt phòng vệ trước rủi ro

Các ngân hàng Việt có một cơ sở tiền gửi đa dạng, dồi dào, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn rủi ro tương tự như Silicon Valley Bank.

Cơ sở tiền gửi đa dạng và ổn định

Công ty Chứng khoán HSC mới đưa ra báo cáo về ảnh hưởng của những biến động trên thị trường ngân hàng quốc tế tới các ngân hàng Việt Nam.

Theo đánh giá ban đầu, 14 ngân hàng trong phạm vi quan sát của HSC (gồm: VIB, ACB, Sacombank, Techcombank, LienVietPostBank, OCB, HDBank, Vietcombank, MB, MSB, VPBank, VietinBank, BIDV, TPBank) vẫn duy trì hoạt động ổn định khi đối mặt với khủng hoảng tài chính bên ngoài do cơ sở tiền gửi đa dạng và ổn định; đồng thời, rủi ro chứng khoán đầu tư ảnh hưởng tới tài sản sinh lời là không đáng kể.

Cụ thể, tại 14 ngân hàng mà HSC theo dõi, tỷ trọng tiền gửi của khách hàng cá nhân dao động từ 46-86%. Mà tiền gửi cá nhân chiếm xấp xỉ 50% tổng tiền gửi của hệ thống ngân hàng. Điều này cho thấy, nguồn vốn của các ngân hàng tương đối đa dạng và ổn định, giúp giảm thiểu rủi ro rút tiền, như đã thấy trong trường hợp của Silicon Valley Bank (SVB).

Thêm vào đó, nhiều ngân hàng đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với các tập đoàn lớn để có các điều khoản cho vay tốt hơn, dẫn đến việc các tập đoàn này cũng gửi lại số tiền lớn tại ngân hàng. HSC cho rằng, việc có một cơ sở tiền gửi dồi dào và mạnh mẽ là yếu tố quan trọng nhất, vì điều đó có thể ngăn chặn tình trạng rút tiền hàng loạt xảy ra ngay từ đầu.

Thống kê của HSC cho hay, nhiều ngân hàng có tỷ trọng tiền gửi của khách hàng cá nhân đạt trên 60% như HDBank, LienVietPostBank, Techcombank, Sacombank, ACB, VIB.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 của các ngân hàng, tính đến ngày 31/12/2022, tổng tiền gửi tại 27 ngân hàng đến hết năm 2022 là hơn 8,2 triệu tỷ đồng, tăng 10,4% so với đầu năm.

Trong đó, 3 ngân hàng hút tiền gửi mạnh nhất toàn ngành vượt 1 triệu tỷ đồng đều thuộc nhóm Big 4. BIDV tiếp tục dẫn đầu toàn ngành về chỉ tiêu tiền gửi khách hàng với 1,47 triệu tỷ đồng, tăng 6,7% so với hồi đầu năm. 2 vị trí sau là VietinBank và Vietcombank với tổng tiền gửi đến hết năm 2022 lần lượt là 1,249 triệu tỷ đồng và 1,243 triệu tỷ đồng.

Đến cuối năm 2022, không có ngân hàng nào sụt giảm ở chỉ tiêu tiền gửi ngân hàng so với hồi đầu năm. Đáng chú ý, 14 ngân hàng có số dư tiền gửi khách hàng tăng trên 10%. Trong đó, có 4 ngân hàng ghi nhận chỉ tiêu này tăng vượt 20% đều thuộc nhóm nhà băng tư nhân là TPBank (39,6%), VPBank (25,4%), MSB (23,7%) và ABBank (24%).

Một lý do khác khiến HSC cho rằng, các ngân hàng Việt khó xảy ra rủi ro tương tự như SVB bởi tỷ trọng của chứng khoán đầu tư ở mức vừa phải. Phần lớn tiền gửi của các ngân hàng được đầu tư vào các khoản cho vay hơn là chứng khoán đầu tư. Chứng khoán đầu tư chỉ chiếm dưới 25% tài sản sinh lời. Điều này phản ánh rủi ro lãi suất là thấp hoặc ở mức trung bình.

Tăng cường các biện pháp ngăn chặn rủi ro

SVB sụp đổ là bài học với ngân hàng Việt về quản trị rủi ro. Vụ SVB sẽ không tác động trực tiếp đến các ngân hàng Việt Nam nhưng là cảnh báo để các ngân hàng tập trung quản trị và gia tăng khả năng phòng chống rủi ro.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, cho rằng, từ vụ sụp đổ của SVB, các ngân hàng Việt Nam cần quan tâm đến cả hai vế trong hoạt động: Quản lý các loại rủi ro chính và phát triển bền vững.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định: “Tôi cho rằng, các ngân hàng cần tính toán cân đối khoản cho vay, không tập trung quá nhiều vào nhóm rủi ro cao, như start up hay doanh nghiệp bất động sản”.

Vụ SVB cảnh báo tới các ngân hàng đang sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho hoạt động đầu tư/cho vay dài hạn mà thiếu kiểm soát một cách an toàn.

Tình trạng ngân hàng huy động vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn khá phổ biến ở Việt Nam. Gần đây nổi lên vấn đề đầu tư trái phiếu.

Các ngân hàng thương mại ở Việt Nam cũng nắm giữ trái phiếu và loại trái phiếu này đã phải chịu tác động từ việc tăng lãi suất. Ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital, ước tính, khoản lỗ khoảng 3 tỷ USD đang được ghi nhận trong các ngân hàng niêm yết của Việt Nam. Nhưng khoản lỗ này có thể dễ dàng bù đắp bằng các chủ sở hữu vốn cấp 1.

Một vấn đề nữa với các ngân hàng tại Việt Nam là vấn đề về thanh khoản.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, trong nền kinh tế Việt Nam, cũng có vấn đề về thanh khoản của các tổ chức tín dụng, đặc biệt tại một số ngân hàng nhỏ.

Theo các chuyên gia, đảm bảo tính thanh khoản của ngân hàng là điều vô cùng cần thiết. Nguồn thanh khoản dồi dào có thể làm giảm nguồn thu của các ngân hàng trong ngắn hạn nhưng nhằm đảm bảo khả năng phục hồi khi các sự kiện bất ngờ xảy ra. Các ngân hàng có thể đáp ứng yêu cầu rút tiền bất cứ lúc nào để duy trì niềm tin của khách hàng.

Ngoài ra,, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) là một trong những chỉ tiêu quan trọng khi đánh giá về hoạt động an toàn và quản trị rủi ro của các ngân hàng.

Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, hệ số an toàn vốn đã cải thiện trong những năm gần đây, khi các ngân hàng đang từng bước tiến tới những tiêu chuẩn của Basel III và xây dựng một bộ đệm vốn tốt hơn cho việc tăng trưởng tín dụng trong tương lai. Nhưng bộ đệm của các ngân hàng Việt Nam vẫn còn tương đối thấp so với tiêu chuẩn quốc tế.

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn rủi ro, tăng cường phòng vệ cho hệ thống ngân hàng.

NHNN đã tăng cường kiểm soát rủi ro vay ngắn hạn. Từ 1/10/2022, NHNN hạ tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn/cho vay trung và dài hạn từ mức 37% xuống còn 34%.

Trong khi đó, Cơ quan Thanh tra ngành ngân hàng đã thanh tra các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, dễ phát sinh sai phạm. Với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, NHNN đã thanh tra đột xuất và có kết luận thanh tra tại 11 tổ chức tín dụng.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp để kiểm soát, hạn chế rủi ro với đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng.

Đáng chú ý, trong nửa tháng cuối tháng 3, NHNN đã 2 lần tiến hành giảm một số loại lãi suất điều hành.

Nhóm phân tích của HSC nhận định: “Chúng tôi tin rằng, NHNN đang chủ động thực hiện các biện pháp để ngăn chặn mọi rủi ro lây lan tiềm ẩn từ bên ngoài. Bằng chứng là động thái giảm lãi suất điều hành thời gian gần đây, cũng như tạm dừng kênh tín phiếu trên thị trường liên ngân hàng để nới lỏng thanh khoản. Đây là những hành động thận trọng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình xử lý các ngân hàng yếu kém. Hơn nữa, hệ thống ngân hàng Việt Nam có một số đặc điểm riêng biệt, mà chúng tôi đánh giá là thuận lợi cho việc quản lý khủng hoảng thanh khoản”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại