"Nguồn lực vàng" từ kiều hối
Kiều hối không chỉ góp phần làm tăng nguồn cung ngoại tệ, ổn định tỉ giá mà còn là nguồn vốn đặc biệt cho việc phát triển kinh tế - xã hội
Ngày 22-12, tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết ở mức 23.636 đồng/USD, giảm 5 đồng so với hôm trước. Giá USD ở các NH thương mại được giao dịch quanh 23.540 đồng/USD mua vào, 23.820 đồng/USD bán ra - giảm tới 4,4% so với mức đỉnh hồi cuối tháng 10-2022. Một trong những nguyên nhân giúp tỉ giá hạ nhiệt đến từ nguồn kiều hối đang chảy về mạnh vào cuối năm.
Tăng cung ngoại tệ
Chỉ riêng tại Công ty Kiều hối Sacombank (SBR), năm 2022, lượng giao dịch kiều hối tăng ít nhất 10% so với năm trước.
Ông Nguyễn Bá Thành, Phó Tổng Giám đốc SBR, phân tích: Khi nguồn USD từ việc giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), huy động vốn quốc tế hoặc vay mượn vốn nước ngoài khó tăng đột biến vào cuối năm, kiều hối chính là nguồn bổ sung rất tốt vào nguồn cung ngoại tệ, góp phần ổn định tỉ giá hối đoái trong nước.
"Nguồn kiều hối càng có ý nghĩa lớn đối với việc ổn định tỉ giá USD/VNĐ đầu quý III năm nay trong bối cảnh tỉ giá tăng mạnh" - ông Thành nhận xét. Theo ông, dự kiến cả năm 2022, hơn 2 tỉ USD kiều hối sẽ đổ về qua kênh NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và SBR.
Ông Vũ Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Kiều hối Đông Á, cho biết nửa đầu năm 2022, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam bị ảnh hưởng do bối cảnh kinh tế thế giới. Song, tình hình đã cải thiện tích cực vào nửa cuối năm nên tính chung cả năm, lượng kiều hối vẫn khả quan. Trong đó, lượng kiều hối đổ về TP HCM có mức tăng trưởng rất tốt, dự kiến đạt 6,8 tỉ USD trong năm nay.
"Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán vốn là "mùa cao điểm" của kiều hối nên sắp tới, nguồn lực này dự kiến sẽ tăng mạnh, góp phần ổn định nguồn cung ngoại tệ trong nước. Khi nguồn cung ngoại tệ dồi dào, tỉ giá sẽ khó có những đợt tăng đột biến như mấy tháng vừa qua. Đây thực sự là một nguồn vốn đầu tư quan trọng để phát triển nền kinh tế với lợi thế lớn nhất là không tiềm ẩn rủi ro" - ông Vũ Thành Trung nhận định.
Bán ngoại tệ lấy VNĐ gửi tiết kiệm
Chuyên gia tài chính Trần Duy Phương cho biết theo chu kỳ hằng năm, kiều hối cuối năm thường chảy về nhiều khi người thân ở nước ngoài gửi ngoại tệ cho gia đình… Trong bối cảnh hiện nay, một xu hướng đáng chú ý là nhiều người nhận kiều hối về sẽ bán ra lấy VNĐ gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất cao.
Ông Trần Duy Phương phân tích: "Nhu cầu giao dịch USD và cả vàng gần đây thấp hơn so với trước khá nhiều. Người dân và doanh nghiệp đều có xu hướng bán USD để lấy nguồn vốn kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cuối năm hay mua sắm, chi tiêu. Năm nay, lãi suất gửi tiết kiệm tăng cao càng kích thích người dân bán vàng, USD lấy VNĐ gửi tiết kiệm. Do đó, nguồn cung ngoại tệ dồi dào giúp tỉ giá USD/VNĐ thường giảm dịp cuối năm, nhất là giai đoạn trước Tết Nguyên đán 2 tháng".
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM, kiều hối - với bản chất là nguồn ngoại tệ từ thu nhập, tích lũy của kiều bào, người lao động ở nước ngoài chuyển về - có vai trò đặc biệt quan trọng. Kiều hối là nguồn lực không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội mà còn hỗ trợ hiệu quả chính sách tiền tệ của cơ quan quản lý.
Nếu xem kiều hối là nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội thì đây là nguồn vốn rất đặc biệt vì không phải hoàn trả, không phải trả chi phí sử dụng, chi phí lãi vay. "Giá trị mang lại từ nguồn kiều hối là rất lớn, là "nguồn lực vàng" cần được tiếp tục khuyến khích, thu hút và phát huy hiệu quả" - ông Nguyễn Đức Lệnh nhấn mạnh.
Riêng tại TP HCM, lượng kiều hối chuyển về năm 2022 ước đạt khoảng 6,8 tỉ USD. So với năm 2021 thì giảm khoảng 0,3 tỉ USD song đặt trong bối cảnh một số quốc gia và khu vực trên thế giới gặp nhiều khó khăn do lạm phát, đồng tiền mất giá, suy giảm kinh tế, thu nhập của người dân, người lao động bị ảnh hưởng… thì 6,8 tỉ USD kiều hối chuyển về TP HCM trong năm 2022 vẫn là con số tích cực.
"Nếu so với nguồn thu ngân sách TP HCM - dự kiến năm 2022 đạt trên 434.000 tỉ đồng (tương đương khoảng 18,2 tỉ USD), nguồn kiều hối chuyển về 6,8 tỉ USD là con số không nhỏ, mang lại hiệu quả cao và hiệu ứng tích cực. Nếu so với quy mô tiền gửi bằng ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng hiện nay trên địa bàn, nguồn kiều hối chuyển về trong năm 2022 chiếm tới 48%" - ông Nguyễn Đức Lệnh so sánh.
Theo nhiều lãnh đạo các NH thương mại, trong những kênh tạo nguồn cung ngoại tệ, kiều hối là kênh dẫn vốn hiệu quả, nhanh chóng và an toàn. Nhu cầu gửi tiền kiều hối về Việt Nam ngày càng thay đổi, không chỉ giúp đỡ người thân tại Việt Nam mà còn đáp ứng nhiều mục đích khác nhau như: đầu tư bất động sản, chuẩn bị phương án hồi hương tuổi già, hỗ trợ người thân phát triển kinh tế… Vì vậy, nguồn vốn từ kiều hối góp phần hỗ trợ nền kinh tế rất tốt trong những năm qua.
Nhiều giải pháp "hút" kiều hối cuối năm
Để tận dụng nguồn kiều hối chảy về dịp cuối năm, nhiều NH thương mại, công ty kiều hối cho biết đang triển khai các giải pháp thu hút nguồn lực này. NH TMCP Đông Á và Công ty Kiều hối Đông Á đã chủ động lên kế hoạch bảo đảm dự trữ nguồn ngoại tệ, chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ trong việc chi trả nhằm đáp ứng cao nhất nhu cầu của khách hàng trong mùa cao điểm Tết Nguyên đán sắp tới.
Ông Vũ Thành Trung cho biết lượng kiều hối chuyển về vào dịp Tết Nguyên đán thường tăng 20% - 25% so với các tháng khác. Năm nay, do Tết Nguyên đán đến sớm, gần với Noel và Tết Dương lịch, kiều bào sẽ tập trung gửi tiền về dịp năm mới cho người thân ăn Tết, lì xì và mừng tuổi.
Theo ông Nguyễn Bá Thành, Sacombank và SBR đang phối hợp với nhiều đối tác trên toàn cầu triển khai các chương trình thu hút kiều hối như: đầu tư mạnh vào công nghệ để đáp ứng nhu cầu chuyển tiền nhanh chóng, chính xác, an toàn cho khách hàng; triển khai các chương trình khuyến mãi… khi khách chuyển tiền về Việt Nam qua Sacombank và SBR.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận