Nguồn lực đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không còn là trở ngại lớn
Theo tính toán của Chính phủ, dự kiến thời điểm triển khai xây dựng vào năm 2027, quy mô nền kinh tế ước đạt 564 tỷ USD nên nguồn lực để đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không còn là trở ngại lớn.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa ký tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam.
Đi qua 20 tỉnh, thành thẳng nhất có thể
Theo đó, Chính phủ đề xuất đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có điểm đầu tại Hà Nội (ga Ngọc Hồi), điểm cuối tại TPHCM (ga Thủ Thiêm). Với tổng chiều dài khoảng 1.541km, 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa, đường sắt tốc độ cao dự kiến đi qua 20 tỉnh, thành.
Chủ trương đầu tư dự án đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Bộ Chính trị, Chính phủ thống nhất, trong đó yêu cầu huy động mọi nguồn lực để triển khai, rút ngắn tối đa tiến độ thực hiện.
Chính phủ khẳng định phương án tuyến lựa chọn đã được 20/20 tỉnh, thành phố có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua thống nhất trên nguyên tắc “thẳng nhất có thể”.
Về hình thức đầu tư, Chính phủ đề xuất hình thức đầu tư công sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Ước tính sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng (tương đương khoảng 67,34 tỷ USD). Thời gian hoàn vốn khoảng 33,61 năm.
Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, đây là dự án lớn nhất, do đó cần có những cơ chế đặc biệt để thực hiện đúng tiến độ, làm chủ công nghệ và tạo động lực phát triển KT-XH.
Mục tiêu đầu tiên là cần có cơ chế tập trung nguồn vốn. Mặc dù dự án có nguồn vốn lớn nhưng phải tập trung ưu tiên số 1, không được phép thiếu vốn trong triển khai.
Ông Cường cũng nhấn mạnh, cần phải huy động trí tuệ, tài lực từ những tập đoàn trong nước tham gia làm chủ dự án với mục tiêu tự chủ trong quá trình xây dựng, vận hành, bảo trì và sửa chữa. Khi đã làm chủ, quá trình thực hiện dự án sẽ rất nhanh.
Sẽ huy động đa dạng các nguồn vốn hợp pháp
Theo tờ trình, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được nghiên cứu trong thời gian dài. Hiện nay, nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỷ USD, nợ công ở mức thấp, khoảng 37% GDP, dự kiến thời điểm triển khai xây dựng vào năm 2027 quy mô nền kinh tế ước đạt 564 tỷ USD nên nguồn lực để đầu tư không còn là trở ngại lớn.
Để đầu tư hoàn thành dự án vào năm 2035, dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí vốn trong khoảng 12 năm, bình quân mỗi năm khoảng 5,6 tỷ USD, tương đương khoảng 16,2% kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2026 – 2030.
Trong triển khai, Chính phủ sẽ huy động đa dạng các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư và cần sử dụng nguồn vốn trong nước, tránh phụ thuộc vào các điều kiện ràng buộc các khoản vay vốn ODA.
Trong trường hợp xuất hiện các nhà tài trợ có thể cung cấp các khoản vay có chi phí thấp, ít ràng buộc, Chính phủ sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sử dụng nguồn vốn này.
Chính phủ khẳng định, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới có thể cân đối đầu tư dự án, tác động không lớn đến các công trình quan trọng quốc gia khác. Các chỉ tiêu tài chính khi đầu tư dự án và từ khai thác quỹ đất sẽ cải thiện nguồn thu nên có khả năng cân đối vốn để triển khai xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nêu thực tế Luật Đầu tư công năm 2019 quy định việc đánh giá khả năng cân đối nguồn vốn chỉ có thể thực hiện theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, phần chuyển tiếp sang giai đoạn sau không quá 20% kế hoạch đầu tư công giai đoạn trước.
Trong khi dự án đường sắt tốc độ cao kéo dài qua 3 kỳ trung hạn nên việc xác định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn là chưa có quy định.
Vì vậy, Chính phủ kiến nghị bổ sung một cơ chế đặc thù như giao Thủ tướng Chính phủ quyết định sử dụng các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài và các nguồn vốn trong nước hợp pháp khác.
Thủ tướng quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách Trung ương giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để bố trí vốn cho dự án trong trường hợp không thay đổi tổng mức vốn trung hạn và hằng năm đã được Quốc hội quyết định.
Chính phủ cũng đề xuất cơ chế không thực hiện thẩm định khả năng cân đối vốn và giao Chính phủ cân đối trình Quốc hội quyết định bố trí vốn cho từng kỳ trung hạn, bảo đảm tiến độ thực hiện dự án...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận