Nguồn cung xăng dầu: Giải pháp hạ nhiệt
Chia sẻ với PV, một lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường, bộ này đưa ra loạt giải pháp ngắn hạn và trung hạn đồng thời giải quyết triệt để các vấn đề của thị trường trong thời gian tới, đảm bảo cho doanh nghiệp (DN) có lãi trong kinh doanh.
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, trong ba ngày trở lại đây, tại các thành phố lớn, người dân không còn phải xếp hàng chờ lâu để mua xăng. Việc cung ứng xăng dầu đã được đảm bảo khi các DN đầu mối như Petrolimex mở cửa bán 24/24 và tăng nguồn cung cho các đại lý. Tình trạng bán nhỏ giọt chỉ diễn ra tại một số cây xăng thuộc hệ thống các DN đầu mối tư nhân ở vùng ven Hà Nội và ở các địa phương. Việc Bộ Công Thương và quản lý thị trường các địa phương tăng cường yêu cầu DN đầu mối đảm bảo nguồn hàng cho các đại lý đã giúp cải thiện tình hình rất nhiều.
Một DN bán lẻ xăng dầu khu vực phía Nam cho biết, do bị lỗ kéo dài từ đầu năm, DN đang gặp đủ thứ khó khi vay vốn để nhập xăng dầu. Do chưa đáo hạn phần vay trước đó, nên đến giờ khi muốn nhập xăng dầu, công ty phải dùng một bất động sản có giá trị 7 tỷ đồng để thế chấp vay gần 2 tỷ tại một ngân hàng.
Theo giám đốc DN này, một khó khăn nữa họ phải đối mặt là lãi suất cho vay với các DN xăng dầu hiện đã lên khá cao, lên tới 12-13%. Đây cũng là áp lực rất lớn với DN bán lẻ khi giá bán hiện nay liên tục bị lỗ qua các kỳ điều chỉnh giá. Cùng với lãi suất cao, vấn đề chiết khấu thấp cũng đang khiến các DN rất đau đầu trước việc càng nhập về bán càng lỗ.
“Nguồn hàng hiện đã nhiều hơn trước nhưng mức chiết khấu với xăng RON95 chỉ ở mức 100-200 đồng/lít, xăng E5RON92 150 đồng. Riêng dầu DO cách đây 3 ngày DN muốn nhập hàng thì phải chịu mức âm 1.000-2.000 đồng/lít thì DN tính kiểu gì cũng chết vì lỗ. Không nhập hàng về bán thì DN bị cơ quan Quản lý thị trường xử lý. Đầu mối để chiết khấu thấp thì cũng chẳng khác gì bán lẻ không có hàng để nhập”, vị này nói.
Sẽ xử lý các DN không đảm bảo nguồn cung
Một lãnh đạo Bộ Công Thương cho PV biết, để đảm bảo nguồn cung cho thị trường, bộ đã yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường và cục quản lý thị trường các tỉnh, thành tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; đồng thời giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu, từ DN đầu mối, phân phối cho tới cửa hàng bán lẻ.
Các DN đầu mối và cửa hàng trên toàn quốc cũng được yêu cầu phải ký cam kết đảm bảo cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ. Việc ký cam kết này chính là căn cứ cho thấy cam kết thực hiện nghĩa vụ kinh doanh có điều kiện của DN trong lĩnh vực xăng dầu. Ai làm sai cam kết thì sẽ bị xử lý nghiêm.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, cùng với việc tăng cường giám sát, chấn chỉnh nguồn cung của DN đầu mối, thương nhân phân phối, Bộ Công Thương trong thời gian tới sẽ lấy ý kiến các bộ, ngành, chuyên gia, hiệp hội để sửa Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu. Cùng với việc xóa bỏ các tầng lớp trung gian, giảm chi phí kinh doanh xăng dầu qua các tầng lớp, Bộ Công Thương cũng: Kiên quyết chấn chỉnh những hành vi sai phạm trong lĩnh vực xăng dầu, dù người đó là ai; kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm dù bất kể thương nhân ở loại hình nào.
Theo vị này, Bộ Công thương đã được giao chủ trì, khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn, báo cáo Chính phủ trong tháng 11/2022.
Bước đầu, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp rà soát và đưa ra một số vấn đề cần đề xuất, sửa đổi, trong đó có chu kỳ điều hành giá xăng dầu, quy định chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu, đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn.
“Bộ Công Thương sẽ trao đổi với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan để đảm bảo cho DN xăng dầu có lãi, được tính đúng, tính đủ các chi phí. Những vấn đề liên quan đến thị trường phải trả về đúng cơ chế thực. Chừng nào DN có lãi, chừng đó, nguồn cung mới được đảm bảo, dù đây là việc không thể xử lý ngay trong ngày một, ngày hai”, vị này khẳng định.
Bộ Công Thương cho biết, cũng sẽ lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan về việc: Thống nhất đầu mối quản lý nhà nước đối với xăng dầu; Quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; Sửa đổi, bổ sung các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh xăng dầu...
Đề nghị thu giấy phép của thương nhân phân phối xăng dầu ở Hà Nội: Ngày 17/11, Cục Quản lý thị trường Hà Nội có văn bản báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị thu hồi giấy phép thương nhân phân phối xăng dầu của Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại Tổng hợp Hải Hà. Lý do: Công ty này đã đóng cửa không bán xăng dầu từ đầu năm 2022 đến nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận