Nguồn cung thịt heo ở Trung Quốc ngày càng căng thẳng
Nguồn cung thịt heo ở Trung Quốc, vốn đang bị thắt chặt do dịch tả heo châu Phi, càng thiếu hụt hơn trong bối cảnh nước này phong tỏa hoạt động vận chuyển ở nhiều khu vực để khống chế dịch do virus corona chủng mới (nCoV) gây viêm phổi cấp.
Hôm 10-2, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) thông báo, trong tháng 1-2020, chỉ số giá thực phẩm của Trung Quốc tăng vọt 20,6%, kéo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ tháng 10-2011.
Dong Lijuan, chuyên gia phân tích ở NBS lý giải rằng, CPI trong tháng 1 tăng là do giá cả hàng hóa tăng vào dịp Tết Nguyên đán và do tác động của dịch nCoV.
Đáng chú ý, trong tháng 1-2020, giá thịt heo ở Trung Quốc tăng 116% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng nhanh hơn so với mức tăng 97% vào tháng 12 năm ngoái.
Chỉ riêng mức tăng giá ở thịt heo đã đóng góp đến 2,76 điểm phần trăm trong mức tăng 5,4% của CPI. Giá thịt heo ở Trung Quốc đang quay trở lại mức kỷ lục được thiết lập hồi tháng 11 năm ngoái.
Giá thịt heo ở Trung Quốc vốn đã tăng mạnh trong năm qua vì đàn heo của Trung Quốc suy giảm do dịch tả heo châu Phi. Trong khi đó, nhu cầu thịt heo, một thực phẩm chủ chốt trong khẩu phần ăn hàng ngày của người dân Trung Quốc, thường tăng vào dịp trước Tết.
Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế nghiên cứu Trung Quốc ở Công ty tư vấn Capital Economics, nhận định cơn bùng phát dịch nCoV, có thể đã gây gián đoạn nguồn cung thực phẩm bao gồm thịt heo ở nước này.
“Dường như các gián đoạn nguồn cung và tình trạng tích trữ thực phẩm của người dân để ứng phó dịch nCoV đã kéo giá thực phẩm tăng lên ở tuần sau kỳ nghỉ Tết chính thức”, Julian Evans-Pritchard viết trong một báo cáo gửi khách hàng sau khi NBS công bố dữ liệu về CPI.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 9-2, ông Kong Liang, Phó Cục trưởng Cục Thú y và chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và các vấn đề nông thôn Trung Quốc, ghi nhận dịch nCoV đã làm trì hoãn các kế hoạch tái đàn heo, thậm chí gây áp lực thêm cho nguồn cung và giá cả thịt heo.
Ông nói dịch nCoV làm gián đoạn hoạt động vận chuyển các nguồn cung thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi quan trọng cũng như khiến người lao động chưa thể quay trở lại làm việc ở các trang trại heo.
Để khống chế đà lây lan của dịch nCoV, Trung Quốc đã cấm mọi hoạt động vận chuyển người và hàng hóa từ TP. Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, tâm điểm của dịch nCoV. Hơn 10 thành phố khác ở Hồ Bắc cùng một số khu vực khác nằm trong vùng dịch cũng bị phong tỏa. Trung Quốc đã phải trích xuất 10.000 tấn thịt heo đông lạnh từ kho dự trữ chiến lược để cung cấp cho Hồ Bắc.
“Nếu nhìn ở góc độ thị trường, do các biện pháp phong tỏa, nguồn cung thịt heo ở một số nơi ở Trung Quốc đang bị thắt chặt, khiến giá thịt heo tăng ở một mức độ nhất định”, ông ông Kong Liang nói.
Lin Guofa, nhà phân tích ở Công ty tư vấn Bric Agriculture Group ở Bắc Kinh, dự báo giá thịt heo ở Trung Quốc tiếp tục duy trì ở mức cao ít nhất trong nửa đầu năm 2020 vì nguồn cung thịt heo đã giảm đáng kể do một lượng heo lớn được giết mổ trước Tết Nguyên đán. Hơn nữa, ông cho rằng dịch nCoV đang gây khó khăn cho các kế hoạch tái đàn ở một số trang trại heo và gà.
Liu Xuezhi, nhà kinh tế ở Ngân hàng Truyền thông Trung Quốc, nói rằng tác động của dịch nCoV đối với nhu cầu hàng hóa tiêu dùng có thể lớn hơn so với những gì thể hiện qua số liệu của NBS.
Tại TP. Vũ Hán, người dân đã cuống cuồng mua thực phẩm dự trữ sau khi nhà chức trách thông báo phong tỏa thành phố này kể từ ngày 23-1. Một số người dân Vũ Hán cho biết vì sợ lây nhiễm virus nCoV khi đi mua sắm ở siêu thị nên họ đã mua thực phẩm từ những người bán ven đường với giá cao ngất ngưỡng, chẳng hạn họ mua rau với giá 140 nhân dân tệ (20 đô la Mỹ)/kg, so với mức 20 nhân dân tệ/kg vào thời điểm trước khi dịch xảy ra.
Cuối tháng trước, cơ quan quản lý thị trường ở Thượng Hải đã phạt một siêu thị 2 triệu nhân dân tệ (290.000 đô la) vì tăng giá rau xanh lên đến 692%. Gần đây, cơ quan quản lý thị trường ở TP. Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam phạt một siêu thị 500.000 nhân dân tệ (71.600 đô la) vì bán một bắp cải với giá 2 đô la.
Hannah Anderson, nhà chiến lược thị trường toàn cầu ở Công ty quản lý tài sản J.P. Morgan Asset Management, nhận định, hướng đi của lạm phát ở nước này trong năm nay phụ thuộc vào tốc độ nối lại các hoạt động kinh tế nhanh chóng ở mức nào, sau khi dịch nCoV được khống chế.
Theo CNCB, Bloomberg, Reuters
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận