menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
SAIGON FUTURES Pro

Nguồn cung thị trường lúa mì thế giới vẫn đang khá thắt chặt

Giá lúa mì thế giới vẫn đang trong một giai đoạn điều chỉnh khá mạnh trong tâm lý bất an về thị trường lúa mì toàn cầu trước các tác động xoay quanh thông tin về chủng Covid-19 mới là Omicron. Tuy nhiên, kể từ sau khi báo cáo Cung – cầu mùa vụ thế giới (WASDE) từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) được công bố thì các áp lực đã được giải tỏa vì về mặt cơ bản các yếu tố cung cầu vẫn đang hỗ trợ cho một thế giá lên.

Trong báo cáo cung – cầu mùa vụ thế giới (WASDE) tháng 12 từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nhìn chung báo cáo cung cấp các số liệu về sản lượng có phần lạc quan hơn so với các ước tính trong báo cáo trước. Tưởng chừng đây là yếu tố sẽ tạo áp lực đè nén thị trường trong thời gian tới đi cùng với sự điều chỉnh về sản lượng thì tiêu thụ toàn cầu cũng được điều chỉnh tăng. Do đó, nhìn tổng quan lại thị trường vẫn đang trong một giai đoạn thắt chặt về cán cân cung – cầu.

Nguồn cung thị trường lúa mì thế giới vẫn đang khá thắt chặt

Nhìn lại về sản lượng trong báo cáo, USDA đã điều chỉnh tăng sản lượng đối với các quốc gia xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới như Nga, Úc và Canada, dẫn đến điều chỉnh sản lượng lúa mì toàn cầu từ mức 775.28 triệu tấn lên mức 777.89 triệu tấn. Cụ thể, sản lượng lúa mì Nga được điều chỉnh tăng thêm 1 triệu tấn lên mức 75.5 triệu tấn, Canada cũng được điều chỉnh tăng sản lượng thêm 0.65 triệu tấn lên mức 21.65 triệu tấn, ấn tượng nhất vẫn là mức điều chỉnh tăng sản lượng lúa mì Úc, tăng thêm đến 2.5 triệu tấn lên mức 34 triệu tấn.

Sản lượng lúa mì của Úc được điều chỉnh tăng mạnh do tăng đồng thời diện tích canh tác và năng suất, điều này không nằm ngoài dự đoán từ các nhà phân tích trên thị trường. Diện tích canh tác lúa mì Úc được dự kiến ở mức 13.1 triệu tấn, tăng đến 2% so với năm trước, động lực tăng diện tích canh tác do giá lúa mì tăng cao trong hai năm vừa qua cùng với điều kiện thời tiết thuận lợi tại nhiều khu vực trồng chính của Úc. Cùng với đó, năng suất lúa mì của Úc cũng ghi nhận mức cao nhất kể từ vụ 2016/17 ở mức 2.6 tấn/ha, đặc biệt là ghi nhận ở hai bang có sản lượng lớn nhất Úc là Western Australia và New South Wales.

Nguồn cung thị trường lúa mì thế giới vẫn đang khá thắt chặt

Các số liệu toàn cầu về tiêu thụ cũng ghi nhận sự điều chỉnh tăng từ 787.42 triệu tấn lên mức 789.35 triệu tấn, tương đương tăng 1.93 triệu tấn. Nhu cầu tiêu thụ lúa mì thông thường sẽ tăng cùng với sự phát triển của dân số thế giới vì đây là một trong những lương thực rất quan trọng. Tuy nhiên, điều đáng chú ý trong cơ cấu tiêu thụ lúa mì thế giới trong thời gian gần đây là mức tăng trưởng mạnh mẽ trong việc dùng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hơn là dùng trong thực phẩm, mà chủ yếu tập trung tại các khu vực có quy mô chăn nuôi lớn tại châu Âu, Trung Quốc hoặc một số các khu vực khác như Anh, Bắc Ireland và Mỹ. Trong mức tiêu thụ 789.35 triệu tấn lúa mì trong vụ 2021/22 thì có đến 160.6 triệu tấn dùng trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, tức được điều chỉnh tăng 2.04 triệu tấn so với báo cáo trước.

Đối với thị trường lúa mì, hoạt động giao thương các quốc gia đóng vai trò quan trọng đối với xu hướng tăng của giá cả. Theo báo cáo từ USDA, tình hình giao thương lúa mì toàn cầu được dự đoán sẽ tiếp tục sôi động và đạt mức cao kỷ lục, nhập khẩu sẽ được tăng cường hơn tại Iran, Indonesia và Hàn Quốc. Trong khi đó xuất khẩu sẽ được đẩy mạnh từ các thị trường như Úc, liên minh châu Âu, Ukraine, Ấn Độ, còn hoạt động xuất khẩu tại Mỹ và Nga tương đối ảm đạm.

Các quốc gia nhập khẩu lúa mì hàng đầu thế giới đa dạng hơn trong cơ cấu nhập khẩu theo quốc gia

Bên cạnh các quốc gia được đề cập tới, thì nếu đi sâu hơn vào hoạt động xuất nhập khẩu của một số quốc gia trên thị trường lúa mì thế giới sẽ nhận thấy có sự thay đổi rất đáng kể, làm thay đổi cục diện của thị trường lúa mì thế giới.

Trung Quốc là quốc gia đầu tiên được nhắc đến với sự chuyển biến trong hoạt động nhập khẩu lúa mì trên thị trường thế giới. Trong năm 2020, quốc gia này đã đẩy mạnh thu mua ồ ạt trên thị trường lúa mì thế giới với mức cao kỷ lục chưa từng thấy và xu thế này dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2021, thậm chí mức nhập khẩu lúa mì trong năm 2021 có thể đạt mức hạn ngạch thuế quan thấp (TRQ) lần đầu tiên sau hai thập kỷ kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO năm 2001.

Nguồn cung thị trường lúa mì thế giới vẫn đang khá thắt chặt

Mức hạn ngạch thuế quan thấp được thiết lập ở mức 9.636 triệu tấn và thường lệ Trung Quốc chỉ nhập khẩu trong khoảng một nửa mức nay. Tuy nhiên trong năm 2020, nhập khẩu lúa mì của Trung Quốc đạt đỉnh cao là 8.4 triệu tấn – mức cao nhất kể từ năm 1990. Nguyên nhân khiến cho lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng cao kỷ lục là do đến từ xu hướng gia tăng lúa mì dùng làm nguyên liệu trong thức ăn chăn nuôi (18% trong cơ cấu tiêu thụ năm 2018 được công bố bởi FAO) chứ không đến từ gia tăng dùng trong thực phẩm (chiếm đến 70% trong cơ cấu tiêu thụ lúa mì tại Trung Quốc). Trong năm vừa qua, việc giá ngô tăng quá mạnh đã khiến cho các nhà chăn nuôi phải tốn khá nhiều chi phí cho ngô nhập khẩu, chính vì vậy các nhà hoạch định chính sách của quốc gia đã khuyến khích nhà chăn nuôi thay đổi tỷ lệ phối trộn thức ăn với việc gia tăng sử dụng lúa mì hơn trong hàm lượng thức ăn chăn nuôi.

Mặc dù nhiều nguồn thông tin trên thị trường cho rằng Trung Quốc sẽ tăng cường thu mua lúa mì có nguồn gốc từ Mỹ nhằm đáp ứng thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 đối với cường quốc kinh tế số 1 thế giới. Nhưng nếu đi sâu phân tích từ các số liệu ra thì có thể thấy nguồn gốc nhập khẩu lúa mì của Trung Quốc là rất đa dạng, bao gồm từ Mỹ, Pháp, Canada và thậm chí là Úc mặc dù các căng thẳng thương mại giữa hai quốc gia vẫn đang diễn ra rất leo thang.

Algeria – quốc gia nhập khẩu lúa mì lớn thứ 5 trên thế giới cũng có sự chuyển đổi về cơ cấu nhập khẩu theo quốc gia đáng chú ý trong các giai đoạn vừa qua. Thông thường Pháp sẽ là quốc gia thống trị thị trường nhập khẩu lúa mì xay xát dùng cho thực phẩm như bánh mì đối với Algeria, nhưng cơ cấu này đã có sự thay đổi mạnh mẽ kể từ vụ 2020/21 với nguồn cung từ các quốc gia Liên minh châu Âu khác như Đức, Ba Lan và các nhà nước Baltic.

Nga cũng đang dần thâm nhập vào thị trường lúa mì tiềm năng này với chuyến tàu hàng lúa mì đầu tiên sang Algeria trong tháng 6, đánh dấu sự thành công sau một thời gian dài với các nỗ lực vận động hành lan. Liên minh các nhà xuất khẩu ngũ cốc của Nga tuyên bố trong năm nay, khối lượng xuất khẩu lúa mì sang Algeria có thể đạt được mốc 1 triệu tấn trong năm 2021. Trong tháng 11, chính phủ Nga thông báo đã bán 250,000 tấn lúa mì sang Algeria cho các đơn hàng vận chuyển vào tháng 12.

Hoạt động xuất khẩu tại các quốc gia hàng đầu thế giới suy giảm

Xét về hoạt động xuất khẩu, theo báo cáo Cung – cầu mùa vụ thế giới từ USDA, mặc dù Nga là quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới được điều chỉnh tăng sản lượng nhưng mức xuất khẩu của Nga vẫn được giữ nguyên ở mức 36 triệu tấn cho vụ 2021/22, tức thấp hơn so với vụ trước là 2.5 triệu tấn. Các chính sách kiềm chế xuất khẩu lúa mì của Nga tiếp tục kiềm hãm hoạt động xuất khẩu của quốc gia này, các chính sách này được ban hành nhằm kiềm chế mức lạm phát trong nước đang leo thang. Mức thuế xuất khẩu lúa mì của Nga đã chính thức cán mốc 91 USD/tấn, tăng hơn gấp 3 lần so với mức được áp dụng lần đầu tiên vào tháng 6 ở mức 28.1 USD/tấn.

Mỹ cũng là quốc gia dường như mất đi sự cạnh tranh trên thị trường lúa mì thế giới trong vụ 2021/22 với mức xuất khẩu từ USDA ước tính chỉ đạt 22.86 triệu tấn, được điều chỉnh giảm so với ước tính trong tháng 11 là 23.41 triệu tấn, các số liệu thấp hơn hoàn toàn so với mức xuất khẩu trong vụ trước là 26.99 triệu tấn. Các dữ liệu giao hàng hàng tuần từ Bộ Nông nghiệp Mỹ vẫn đang ghi nhận hàng lúa mì lên tàu hàng tuần đang duy trì ở mức thấp và thậm chí là thấp hơn so với cùng kỳ năm trước trong nhiều tuần lễ liên tiếp. Như vậy việc Trung Quốc giảm thu mua lúa mì từ Mỹ mà thay vào đó đa dạng nguồn cung hơn từ các thị trường trên thế giới cũng là một trong những nguyên nhân kéo giảm hoạt động xuất khẩu của Mỹ.

Nguồn cung thị trường lúa mì thế giới vẫn đang khá thắt chặt

Chính vì hoạt động xuất khẩu đang được điều chỉnh thấp hơn so với báo cáo trước và sản lượng được điều chỉnh tăng lên tại một số quốc gia xuất khẩu chủ chốt trên thế giới đã kéo tồn kho lúa mì trên thế giới tăng cao 2.38 triệu tấn lên mức 278.18 triệu tấn từ mức 275.8 triệu tấn trong báo cáo WASDE tháng 11. Tuy nhiên, nếu so với vụ trước thì tồn kho lúa mì thế giới vẫn đang được dự kiến thấp hơn so với vụ trước là 289.64 triệu tấn. Điều này là còn chưa kể đến việc cán cân cung cầu lúa mì thế giới tiếp tục trải qua vụ thứ 2 về tình trạng sản lượng thấp hơn so với tiêu thụ và khoản chênh lệch giữ sản lượng và tiêu thụ ngày một nới rộng ra. Đây là yếu tố được xem là nền tảng hỗ trợ cho xu hướng tăng giá trong dài hạn. Theo USDA, mức giá trung bình tại nông trại Mỹ trong vụ 2021/22 có thể đạt 7.05 USD/tấn, cao hơn so với mức trong báo cáo trước là 6.09 USD/tấn và cao hơn so với vụ trước là 5.05 USD/tấn.

Bài phân tích được thực hiện bởi đội ngũ Phân tích CTCP Saigon Futures - TVKD xuất sắc của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam năm 2020. Mọi thắc mắc về thị trường và tư vấn đầu tư, Quý NĐT vui lòng liên hệ:

- Hotline: 0286 686 0068
- Website: https://saigonfutures.com/
- Fanpage: Saigon Futures Inc.
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
SAIGON FUTURES Pro

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả