Nguồn cung khan hiến, thế giới đối mặt với tình trạng thiếu dầu diesel trong mùa Đông?
Hầu hết khu vực trên thế giới sẽ đối mặt với tình trạng thiếu dầu diesel trong mùa Đông này. Đây là cảnh báo mà giới chuyên gia vừa đưa ra
Theo Bloomberg, trong vòng vài tháng tới, hầu hết mọi khu vực trên thế giới sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt dầu diesel do nguồn cung khan hiếm ở hầu hết các thị trường trên thế giới đã khiến lạm phát trầm trọng hơn và ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng.
Một "cơn bão mạnh" trên thị trường dầu diesel toàn cầu đang diễn ra. Công suất tinh chế bị hạn chế và các kho dự trữ đang cạn kiệt khi mùa lạnh ở Bắc bán cầu bắt đầu.
Khủng hoảng nguồn cung có nguy cơ đe dọa đến các mạng lưới giao thông quan trọng vì thiếu nhiên liệu công nghiệp cung cấp năng lượng cho tàu thuyền, xe tải và tàu lửa.
Nhiên liệu này cũng được sử dụng để sưởi ấm cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời là nguồn phát điện cho các dịch vụ khác.
Cựu Giám đốc điều hành của nhà máy lọc dầu Italy Saras SpA, Dario Scaffardi cảnh báo: "Đó chắc chắn là cuộc khủng hoảng dầu diesel lớn nhất mà tôi từng chứng kiến".
Dự trữ dầu diesel tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1982 khi chính phủ bắt đầu báo cáo dữ liệu về nhiên liệu này. Nguồn cung vào thời điểm này trong năm đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay.
Ngoài Mỹ, Tây Bắc Âu đang phải đối mặt với nguồn cung dầu diesel thấp. Tồn kho ở châu Âu dự kiến sẽ giảm hơn nữa sau khi các lệnh trừng phạt đối với dầu thô và sản phẩm dầu thô của Nga có hiệu lực trong những tháng tới.
Các thị trường xuất khẩu toàn cầu đang bị thắt chặt đến mức các thị trường mới nổi đang gặp nhiều khó khăn để mua nhiên liệu công nghiệp, như Pakistan.
Nguyên nhân thiếu hụt dầu diesel toàn cầu rất rõ ràng. Đó là một phần do đại dịch Covid-19, sau khi các đợt phong tỏa khiến nhu cầu sụt giảm và buộc các nhà máy lọc dầu phải đóng cửa một số nhà máy ít sinh lời nhất.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi dần khỏi nhiên liệu hóa thạch cũng làm giảm các khoản đầu tư vào lĩnh vực này. Kể từ năm 2020, công suất lọc dầu của Mỹ đã giảm hơn 1 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó tại châu Âu, gián đoạn vận chuyển và đình công của công nhân cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nhà máy lọc dầu.
Lệnh cấm dầu thô của Nga sang châu Âu vào tháng 12 này có nguy cơ khiến tình hình tồi tệ hơn. Sau đó, lệnh cấm dầu diesel của Nga vào tháng 2/2023 có thể gây ra nhiều hỗn loạn hơn nữa trên thị trường.
Hãng tin Reuters cho biết, các thương nhân đang ráo riết tích trữ các sản phẩm dầu mỏ của Nga trước khi lệnh cấm có hiệu lực. Đầu năm nay, Mỹ đã tạm dừng nhập dầu diesel của Nga, vốn là nhà cung cấp chính cho Bờ Đông nước Mỹ vào năm ngoái.
Ông Scaffardi cho rằng: “Nếu Nga không còn là nhà cung cấp nữa, điều đó sẽ tạo ra một lỗ hổng lớn, rất lớn cho hệ thống, điều này sẽ thực sự khó khắc phục”.
Trong khi đó, bà Amrita Sen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Energy Aspects Ltd, cho biết cuộc khủng hoảng dầu diesel đã và đang "gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu".
Mùa Đông có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề đối với Bắc bán cầu vì thị trường dầu diesel khan hiếm nhất trong nhiều thập kỷ qua có thể tàn phá bức tranh kinh tế toàn cầu vốn đang “ảm đạm”.
-------------------------------------------
Ngọc Linh tổng hợp tin tức từ Reuters, Bloomberg,...
Website: https://vct.com.vn/
https://hct.vn/motk?mid=01201338
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận