Nguồn cơn đối đầu dai dẳng ở giữa Armenia – Azerbaijan
Căng thẳng kéo dài nhiều thập kỷ ở vùng Nagorno – Karabakh lại vừa bùng phát thành đụng độ quân sự, gây lo ngại về nguy cơ dẫn đến một cuộc xung đột toàn diện.
Vùng đồi núi và rừng rậm Nagorno-Karabakh là đối tượng tranh chấp nhiều năm nay giữa hai nước láng giềng Armenia và Azerbaijan.
Theo luật quốc tế, Nagorno-Karabakh được công nhận là một phần của Azerbaijan. Nhưng người dân tộc Armenia chiếm đa số dân ở vùng này bác bỏ quyền cai trị của Azerbaijan. Họ tự quản lý các vấn đề của mình với sự hỗ trợ của Armenia từ khi lực lượng Azerbaijan bị đẩy khỏi khu vực này trong cuộc chiến những năm 1990.
Địa vị của khu vực này là đối tượng tranh chấp ít nhất từ năm 1918, khi Armenia và Azerbaijan độc lập khỏi Liên Xô.
Đầu những năm 1920, quyền cai trị của Liên Xô được thiết lập ở nam dãy núi Caucasus (Cáp-ca) và vùng Nagorno-Karabakh với đa số dân là người Armenia trở thành vùng tự trị trong lòng Cộng hòa Azerbaijan khi còn thuộc Liên Xô, với tất cả các quyết định đều do Mátxcơva đưa ra.
Nhưng mấy thập kỷ sau đó, khi Liên Xô bắt đầu suy yếu, điều trở nên rõ ràng là Nagorno-Karabakh trở về dưới quyền lãnh đạo trực tiếp của chính phủ Azerbaijan. Tuy nhiên, người Armenia không chấp nhận điều đó.
Năm 1988, cơ quan lập pháp Nagorno-Karabakh bỏ phiếu để gia nhập CH Armenia, nhưng bị cả chính phủ Azerbaijan và Mátxcơva bác bỏ.
Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, lực lượng ly khai được Armenia hậu thuẫn chiếm quyền kiểm soát khu vực là nơi sinh sống của nhóm thiểu số người Azerbaijan cũng như các huyện lân cận của Azerbaijan.
Ít nhất 30.000 người thiệt mạng và hàng trăm ngàn người phải bỏ nhà cửa vì cuộc xung đột.
Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn được quốc tế hậu thuẫn vào năm 1994, các cuộc đàm phán hòa bình rơi vào bế tắc và xung đột xảy ra thường xuyên quanh khu vực Nagorno-Karabakh và dọc biên giới Azerbaijan-Armenia.
Tháng 4/2016, vài chục người của hai phía bị giết hại trong cuộc xung đột nghiêm trọng nhất ở vùng Nagorno-Karabakh trong nhiều năm.
Cuộc xung đột mới nhất hôm 27/9 vừa qua gây thương vong cho cả hai phía, trong đó có cả dân thường.
Đụng độ nổ ra sau khi căng thẳng gia tăng dọc biên giới Azerbaijan-Armenia từ tháng 7, khiến ít nhất 17 binh lính của cả hai phía thiệt mạng.
Cuộc xung đột kéo dài gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế một phần vì nó đe dọa ổn định ở khu vực vốn là hành lang cho tuyến đường dẫn dầu khí ra thị trường thế giới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận