Người Việt 'chưa giàu đã già'
Theo Tuổi Trẻ, tại buổi hội thảo khoa học "Già hóa dân số và chính sách thích ứng với già hóa dân số tại TP.HCM" do Sở Y tế TP.HCM phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức vào ngày 11/12, các chuyên gia cho rằng dân số "chưa giàu đã già" đang là vấn đề cấp bách và cần ưu tiên giải quyết.
Nước ta đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số vào năm 2011 khi tỉ lệ người trên 60 tuổi đạt 10%, và tỉ lệ này đã đạt 12,8% vào năm 2021, với tốc độ gia tăng nhanh chóng. Dự báo Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036.
PGS Nguyễn Văn Tân, trưởng bộ môn lão khoa, khoa y Trường đại học Y Dược TP.HCM, cho hay già hóa dân số tại Việt Nam bắt đầu diễn ra cách đây 10 năm, hiện người cao tuổi ngày càng gia tăng.
Bên cạnh đó, tuổi thọ trung bình tăng nhanh từ 65,5 tuổi năm 1994 lên 79,2 tuổi vào năm 2023, vượt qua nhiều quốc gia khác. Đáng nói mặc dù có tốc độ già hóa nhanh nhưng thu nhập bình quân đầu người lại thấp dưới 10.000 USD.
Khi tuổi thọ tăng sẽ dẫn đến nhu cầu chăm sóc càng lớn, thu nhập thấp sẽ không có đủ tiền để chăm sóc cho người cao tuổi. Ngoài ra, người cao tuổi tại Việt Nam trung bình phải sống chung với 14 năm bệnh tật và 2,69 bệnh như tim mạch, rối loạn chuyển hóa nhưng tỉ lệ nhận được lương hưu hiện lại dưới 30%.
Một trong những vấn đề đáng quan tâm là mô hình bệnh tật đã chuyển dịch từ các bệnh nhiễm trùng sang bệnh không lây nhiễm mạn tính như tim mạch, đái tháo đường và các rối loạn tâm thần.
Những bệnh lý này không chỉ gây suy giảm chức năng mà còn làm tăng nguy cơ tàn tật, điển hình như mất thị lực, mất thính lực và đau mạn tính, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống của người cao tuổi.
Nhiều bệnh không lây nhiễm cần điều trị kéo dài và chi phí lớn, làm trầm trọng thêm tình trạng khó khăn về tài chính. Trong khi đó, chi phí chăm sóc sức khỏe cho nhóm dân số này cao gấp 7-8 lần so với trẻ em, tạo ra gánh nặng tài chính đáng kể, đặc biệt ở các hộ gia đình có ít thành viên hoặc sống ở vùng sâu, vùng xa.
Theo bác sĩ Tân, hiện nay dù BHYT đã được triển khai rộng rãi, nhưng theo nghiên cứu, chưa thực sự giảm thiểu đáng kể gánh nặng tài chính trong chăm sóc sức khỏe. Điều này có thể xuất phát từ mức độ chi trả bảo hiểm còn hạn chế hoặc thiếu dịch vụ y tế phù hợp.
"Điển hình như với chi phí điều trị kỹ thuật cao nhưng BHYT không chi trả, bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim nhập viện có BHYT phải đặt stent mạch vành nhưng BHYT không chi trả mà người bệnh phải trả.
Như vậy đối với kỹ thuật cao rất tốn kém với người bệnh hoặc như nhiều người muốn được khám nhanh phải chọn bệnh viện ngoài công lập, như vậy càng thêm gánh nặng tài chính cho người bệnh và gia đình người bệnh", bác sĩ Tân nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường