Người Việt cần bao nhiêu tiền để nhập quốc tịch "thiên đường thuế" đảo Síp?
Nhu cầu sở hữu một quốc tịch EU tại Việt Nam đang 'âm thầm' nóng lên từng ngày với các hình ảnh, thông tin về lợi ích hấp dẫn, trong đó, đảo Síp nổi lên là một trong những điểm đến hàng đầu khi được mệnh danh là 'thiên đường thuế'.
Năm 2016, vụ việc bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường bị tước tư cách đại biểu Quốc hội khoá XIV do có quốc tịch Malta (thuộc liên minh châu Âu) đã từng tạo ra làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Cho đến thời điểm này, rất ít người Việt Nam biết đến đảo quốc này cùng chương trình đầu tư định cư hấp dẫn ở những nước châu Âu như Bồ Đào Nha, Ireland, đảo Síp...
Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì nhu cầu sở hữu một quốc tịch châu Âu đang "âm thầm" nóng lên từng ngày. So với các thị trường di trú truyền thống, những website của các công ty tư vấn người Việt Nam đầu tư định cư vào châu Âu hiện chưa nhiều, nhưng thông tin rất cụ thể.
Các hình ảnh, thông tin về lợi ích khi sở hữu quốc tịch châu Âu thật sự hấp dẫn. Trong đó, đảo Síp nổi lên là một trong những điểm đến hàng đầu khi được mệnh danh là "thiên đường thuế".
Đảo Sip gọi chính thức là nước Cộng hoà Síp, là quốc đảo lớn thứ ba của Địa Trung Hải, có nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào ngành dịch vụ, vận chuyển và du lịch. Nhờ việc hoàn toàn không phát triển các ngành công nghiệp nặng, đảo Síp có bầu không khí và môi trường sống đặc biệt trong lành.
Đảo quốc này là một trong 10 quốc gia được nhiều người chọn làm nơi nghỉ hưu nhất. Bên cạnh đó, chính sách thuế với nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp cũng giúp cho Đảo Síp trở thành một trong 5 quốc gia phù hợp nhất để tái định cư.
Tháng 3/2014, giới chức Síp đã ban hành một đạo luật mới cho phép các nhà đầu tư nước ngoài trở thành công dân, có được hộ chiếu và có được thẻ xanh đảo Síp thông qua chương trình đầu tư bất động sản Síp với những điều kiện thuận lợi và dễ dàng.
Việt Anh, một chuyên viên tư vấn đầu tư định cư vào châu Âu cho biết, chương trình đầu tư lấy quốc tịch đảo Síp là cách đơn giản và hiệu quả nhất để nhà đầu tư được cấp quốc tịch Liên minh châu Âu. Đây là chương trình duy nhất cho phép nhà đầu tư lấy ngay quốc tịch châu Âu trong 90 ngày mà không cần phải đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào về thời gian cư trú.
Đặc biệt, nhà đầu tư và các thành viên trong gia đình được hưởng đủ mọi quyền lợi của công dân châu Âu, bao gồm quyền được sinh sống và làm việc ngay lập tức tại bất kỳ quốc gia thành viên nào thuộc khối châu Âu.
Bên cạnh đó, người nhâp quốc tịch Síp vẫn được quyền giữ quốc tịch Việt Nam và được truyền lại quốc tịch cho thế hệ sau.
Theo Việt Anh, để được nhập quốc tịch Síp, khách hàng có thể đầu tư theo 1 trong các phương thức như đầu tư tối thiểu 2.000.000 euro (~53 tỷ đồng) vào một bất động sản cư trú mới và được sử dụng như địa chỉ thường trú hoặc đầu tư tối thiểu 2.500.000 euro (~67 tỷ đồng) vào bất động sản cư trú trước đây đã được sử dụng cho chương trình CIP...
Ngoài ra, khách hàng cũng được yêu cầu đóng một khoản quyên góp không hoàn lại trị giá 75.000 euro (~2 tỷ đồng) cho Quỹ nghiên cứu và Đổi mới và 75.000 euro (~2 tỷ đồng) cho Tập đoàn phát triển đất đai của Cộng hòa Síp.
Cha mẹ phụ thuộc cũng phải giữ một bất động sản trị giá tối thiểu 500.000 euro (~13 tỷ đồng) như một địa chỉ thường trú hoặc giữ một cổ phần của chương trình thường trú nhân với giá trị tối thiểu là 500.000 euro.
Cũng theo nhân viên tư vấn này, nếu điều kiện cho phép, khách hàng nên sang trực tiếp để xem xét bất động sản để đầu tư, hay lựa chọn hình thức xem qua live stream từ mạng xã hội như Fecboock, Line... Tuy nhiên, khách hàng hoàn tiền yên tâm khi lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín. Toàn bộ thủ tục sẽ được bên tư vấn đứng ra đảm nhận với mức phí khoảng 50.000 euro, thời gian hoàn thành thủ tục từ 4-6 tháng.
"Với những ưu đãi về thuế, điều kiện kinh doanh và đầu tư, giới doanh nhân và nhà giàu Việt lựa chọn sở hữu song song hai quốc tịch Síp và Việt Nam ngàu càng nhiều. Các bất động sản đầu tư có thể được cho thuê lại để tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư, còn khách hàng sẽ sở hữu quốc tịch châu Âu, đi lại miễn thị thực 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm 28 nước thành viên châu Âu", Việt Anh chia sẻ thêm.
Đại biểu Quốc hội chỉ được có quốc tịch Việt Nam
Ngày 10/7/2020, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo về lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 9.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đã giới thiệu một số điểm mới đáng chú ý của Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Về đại biểu Quốc hội, ông Giang cho biết, để đảm bảo tính chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tránh xảy ra vi phạm trong quá trình bầu cử đại biểu Quốc hội như nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Luật đã bổ sung một khoản quy định về tiêu chuẩn quốc tịch đối với đại biểu Quốc hội. Theo đó, ngoài những tiêu chuẩn chung, đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận