'Người trẻ ở nhà thuê trọn đời là xu thế tất yếu'
Thu nhập không quá cao, nhưng luôn đòi hỏi giá nhà đất trung tâm phải rẻ vừa tầm với, đó là một suy nghĩ rất hoang đường.
Nói về câu chuyện giá nhà, đất ở Hà Nội, TP HCM, tôi cho rằng có ba yếu tố khiến bất động sản nội thành không lệ thuộc giá đáy hay đỉnh, đó là: dân số nội thành liên tục tăng, GDP nội thành cũng không ngừng tăng và quan trọng nhất là thành phố đó là duy nhất, không có cái thứ hai. Vì thế, giá nhà trung tâm cao gần như là chuyện không cần phân tích nhiều cũng có thể dễ dàng nhìn ra.
Chỉ có đất ngoại thành, vùng ven, vùng sâu, vùng xa thì mới có khái niệm gía đáy, giá đỉnh. Bây giờ các thành phố trực thuộc các tỉnh, các trung tâm huyện, thị xã, thị trấn đang còn ít dân, ít được đầu tư, nên giá còn rẻ, chứ sau này mật độ tại những nơi ấy tăng lên, đầu tư nhiều hơn, chắc chắn giá nhà đất cũng sẽ lên ngay.
Thực tế, biên độ khoảng cách giá nhà và thu nhập của người dần xa nhau khi Việt Nam tiến lên, phát triển. Nghĩa là đất nước càng giàu hơn thì khoảng cách giá nhà và GDP trung bình sẽ càng xa nhau. Ví dụ GDP hiện nay là 4.000 USD/năm, còn giá nhà chung cư trung bình khoảng 2-3 tỷ đồng. Nhưng khi GDP tăng lên 8.000 USD/năm thì khi đó giá nhà chung cư chắn chắn không chỉ tăng gấp đôi tương ứng (tức 4-6 tỷ đồng) mà sẽ thành 6-8 tỷ đồng. Với nhà phố mặt đất, giá chắc chắn còn tăng hơn nhiều nữa so với biên độ tăng của chung cư.
Theo dòng chảy của thời đại lịch sử, việc sở hữu nhà phố mặt đất chỉ còn dành cho những người có tài chính rất mạnh. Còn những ai chỉ có tài chính chỉ ở mức vừa đủ sống, đủ chi tiêu sinh hoạt các dịch vụ như đi du lịch thì ở nhà thuê sẽ là lựa chọn thích hợp nhất. Việc thuê nhà cũng phù hợp với lối sống cá nhân hóa ngày nay của giới trẻ. Tìm nhà để thuê sẽ khiến người trẻ bớt áp lực phải cố mua nhà phố bằng được.
Ngay cả các nước phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Hong Kong, Anh, Pháp, Đức, Ý... người dân cũng phần nhiều ở thuê, ít ai sở hữu được nhà riêng ở thành phố. Nếu muốn mua nhà, họ chỉ có chấp nhận về vùng nông thôn, miền quê mới hy vọng đến chuyện tìm được bất động sản giá rẻ. Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài xu thế đó. Sau này, qua quá trình chọn lọc và đào thải, những người trẻ muốn sống ở thành phố lớn đa số sẽ phải thuê chung cư. Còn sở hữu nhà đất ở thành phố sẽ chỉ dành cho người giàu có, khá giả trở lên.
Có điều, hiện nay, nhiều bạn trẻ thu nhập không quá cao, gia đình vốn không có điều kiện, nhưng lại không chấp nhận ra ngoại thành mua nhà, đất. Họ chê nhà xa trung tâm, không sĩ diện được với bạn bè, đồng nghiệp, tư tưởng lúc nào cũng muốn phải có nhà to đẹp, gần trung tâm, vị trí đặc địa, nhưng luôn đòi hỏi giá phải rẻ vừa tầm với, đó là một suy nghĩ rất hoang đường.
Nên nhớ, những nơi người dân tập trung đông là những thành phố trọng điểm kinh tế, được đầu tư nhiều. Thế nên sẽ chẳng ai bán nhà giá rẻ cho bạn ở những nơi đó. Đặt vị trí bạn là người bán, bạn có chịu bán cho tôi căn nhà bạn đang ở giữa thành phố với giá rẻ không? Ở đây, nói giá bất động sản quá cao và cần phải tìm cách hạ xuống, nhưng là cho tương xứng với thị trường, chứ không phải đòi hỏi giá nhà phải rẻ cho vừa túi tiền của mỗi người.
Tóm lại, những nước phát triển chính là tấm gương đi trước và chúng ta cũng sẽ sớm đi theo xu thế đó với việc thế hệ trẻ sau này đa số sẽ phải thuê nhà chung cư đến hết cuộc đời.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận