Người tiêu dùng vẫn “cô đơn” khi chiến đấu với hàng giả
Anh N.V.Dũng, một người tiêu dùng than thở về câu chuyện mua hàng online lại giao hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ... mà không biết phải khiếu nại ở đâu, gửi đơn cho ai... Đây cũng là chuyện dài nhiều tập mà nhiều người tiêu dùng gặp phải giống như anh Dũng.
Người tiêu dùng tại TPHCM đang gặp khó khăn trong việc gỏ cửa khiếu nại hàng hoá giả mạo xuất xứ; bởi vì các văn phòng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngày nay đã thay đổi khá nhiều. Nếu không rành đường đi nước bước, việc khiếu nại các sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng hoặc giả mạo xuất xứ cũng không biết gửi cho ai (thường họ chỉ có thể gửi đơn khiếu nại cho báo chí).
Trước đây khá lâu, người tiêu dùng có thể lên thẳng văn phòng Hội bảo vệ người tiêu dùng TPHCM nằm tại Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TPHCM hoặc ghé văn phòng Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng ở Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường 3 (Quatest 3) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Việt Nam.
Ví dụ như người tiêu dùng bức xúc khi báo chí đăng tải việc Asanzo nhập khẩu linh kiện Trung Quốc về lắp ráp, sau đó ghi nhãn xuất xứ Việt Nam; liệu họ có thể gửi đơn khiếu nại Asanzo về việc “giả mạo xuất xứ” hay không? Những khách hàng đã mua sản phẩm của Asanzo sẽ được ai bảo vệ (nếu thật sự là giả mạo xuất xứ)...
Trả lời TBKTSG Online, bà Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng TPHCM cho biết, cho tới thời điểm này hội vẫn chưa nhận được đơn khiếu nại nào về hàng điện tử Asanzo từ người tiêu dùng.
Còn về tổng đài 1081, Hội bảo vệ người tiêu dùng TPHCM cũng cho biết, trước đây cả trang web và tổng đài 1081 đều do bưu điện cung cấp và vận hành; Hội bảo vệ người tiêu dùng TPHCM chỉ hướng dẫn cách trả lời, tiếp nhận ý kiến khiếu nại từ người tiêu dùng (khi họ gọi tới tổng đài).
Trước đây, Sở Công Thương TPHCM có giới thiệu tổng đài bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (08) 1081 vào thời điểm ra mắt chính thức Hội bảo vệ người tiêu dùng TPHCM (tháng 3-2016).
Tuy nhiên, đầu số 08 đã thay đổi thành (028) và tổng đài (028) 1081 hiện đang được các bệnh viện giới thiệu trên trang web của mình là tổng đài đặt lịch khám dịch vụ.
Người tiêu dùng ngày nay phải đối phó nhiều hơn với thiên hình vạn trạng về xuất xứ hàng hoá, cách thức dán nhãn mác hàng Việt, hàng ngoại nhập... Ảnh minh hoạ: Điện máy Xanh
Trước kia, văn phòng Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng (VINASTAS) trước đây tại TPHCM (49 Pasteur, Quận 1); một địa chỉ quen thuộc của người tiêu dùng mỗi khi cần gửi đơn khiếu nại nay đã không còn; bởi vì Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã tách khỏi VINASTAS từ cuối năm 2018...
Đây cũng là một trở ngại không nhỏ đối với người tiêu dùng, vốn quen với cách khiếu nại truyền thống là mang hàng hoá lên thẳng văn phòng bảo vệ người tiêu dùng. Phần lớn người tiêu dùng chưa quen với kênh khiếu nại qua đường dây nóng, gửi email... cho Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (thuộc Bộ Công Thương).
Tới nay, những đơn khiếu nại gửi tới địa chỉ trước đây của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng sẽ được chuyển cho Hội bảo vệ người tiêu dùng TPHCM. Vì thế, người tiêu dùng ở TPHCM có phần lúng túng trước việc muốn gửi đơn khiếu nại vì đã có quá nhiều thay đổi về những nơi có thể gửi đơn khiếu nại về sản phẩm/dịch vụ.
Tại buổi họp báo định kỳ cung cấp thông tin cho báo chí (ngày 23-7), Thanh tra Sở Công Thương TPHCM cho biết, người tiêu dùng muốn phản ánh về chất lượng sản phẩm, hàng hoá giả mạo xuất xứ... sẽ gửi đơn khiếu nại cho Sở Công Thương TPHCM (bộ phận thanh tra sẽ tiếp nhận đơn) hoặc Cục Quản lý thị trường TPHCM (trước đây đội quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương).
Ngoài ra, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã cung cấp số điện thoại “nóng” 1800.6838 để người tiêu dùng gọi điện, gửi email khiếu nại về chất lượng hàng hoá, dịch vụ giao nhận, giả mạo xuất xứ... Đây là số điện thoại không tính cước gọi nên người tiêu dùng có thể liên hệ, khiếu nại trực tiếp về các vụ việc giao hàng kém chất lượng, mua hàng Nhật nhưng giao hàng Trung Quốc...
Những điều kể trên cho thấy dù đã có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhiều quy định về bảo vệ người tiêu dùng... nhưng hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa thực sự được chú trọng. Từ vụ khăn lụa giả xuất xứ của Khải Silk (đã xử lý), sách giả bán trên sàn thương mại điện tử... và gần đây là hàng điện máy nhập nguyên chiếc dán sẵn nhãn hiệu Việt Nam (Asanzo) mới thấy người tiêu dùng “cô đơn” khi tự chống chọi với hàng giả.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, mấy năm gần đây ngành hàng thường xuyên nằm trong nhóm bị người tiêu dùng khiếu nại, phản ánh nhiều nhất là hàng hóa tiêu dùng. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2018, tài chính, bảo hiểm, ngân hàng lại trở thành nhóm ngành hàng chiếm số lượng nhiều nhất về khiếu nại, gấp 3-4 lần so với nhóm ngành hàng nhiều thứ 2 là điện thoại, viễn thông. Nửa đầu năm 2018, Hà Nội và TPHCM là hai thành phố có nhiều phản ánh, khiếu nại nhất về vi phạm quyền lợi người tiêu dùng (tương ứng 288 và 185 vụ việc chiếm tỷ lệ lần lượt là 29,17% và 18,74% tổng số khiếu nại). |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận