Người tiêu dùng Trung Quốc là chìa khóa để nâng mức tăng trưởng năm 2023 lên trên 5%
Việc Trung Quốc từ bỏ chiến lược "Zero COVID" là một dấu mốc lớn. Tuy nhiên, Bắc Kinh cần làm nhiều hơn nữa nếu muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế về gần với tốc độ trước đại dịch là 6%.
Trong bản tóm tắt cuộc họp, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh rằng họ đang tập trung thúc đẩy tiêu dùng và niềm tin của doanh nghiệp.
Mặc dù làn sóng lây nhiễm đang lan rộng trên khắp cả nước, làm cản trở hoạt động kinh tế và khiến chi tiêu tiêu dùng sụt giảm, các nhà phân tích dự đoán tác động tiêu cực của quá trình mở cửa sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Bắc Kinh tin rằng các ca nhiễm sẽ đạt đỉnh trong vòng vài tháng tới, như đã từng xảy ra tại Hong Kong vào năm ngoái, sau đó chi tiêu hộ gia đình sẽ nhanh chóng phục hồi. Nhưng câu hỏi quan trọng là tốc độ của cuộc phục hồi.
Theo ước tính trung vị của các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát, tăng trưởng GDP năm 2023 của Trung Quốc sẽ đạt 4,9%. Con số này nằm trong khoảng 4,5 - 5,5% mà các cố vấn của Bắc Kinh đã khuyến nghị nên lấy làm mục tiêu chính thức.
Yao Yang, Hiệu trưởng Trường Phát triển Quốc gia, một viện chính sách đang tư vấn cho chính phủ Trung Quốc cho rằng để tăng trưởng chạm đến giới hạn trên của khoảng mục tiêu đó, chi tiêu của người tiêu dùng phải tăng hơn 6%. “Đó có phải một mục tiêu dễ dàng. Chắc chắn là không”, ông đánh giá.
Một trong những tác dụng phụ tích cực của chính sách "Zero COVID" là các hộ gia đình Trung Quốc đã tích luỹ được khoản tiền tiết kiệm khổng lồ vào năm ngoái vì họ không đi du lịch hay chi tiêu tuỳ ý khác.
Trong 9 tháng đầu năm ngoái, tiền gửi ngân hàng của người dân Trung Quốc đạt 13.200 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1.900 tỷ USD) - cao hơn cả GDP một năm của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, tiền tiết kiệm chủ yếu là của những người giàu có và sau khi đất nước mở cửa, họ nhiều khả năng sẽ đầu tư hơn là chi tiêu cho hàng hoá và dịch vụ.
Niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng đã sa sút nghiêm trọng vào năm ngoái do các đợt phong toả trên diện rộng và chính sách kiểm soát của chính phủ đối với hai lĩnh vực bất động sản và công nghệ.
Cũng trong 9 tháng đầu năm 2022, tiền lương của người dân ở các thành phố lớn chỉ tăng 2,2% sau khi đã điều chỉnh cho yếu tố lạm phát. Tốc độ này còn chưa bằng một nửa mức trước đại dịch. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đạt gần 20%.
Chính phủ đã bỡ bỏ các biện pháp kiểm soát Covid-19, nhưng tâm lý ngần ngại của người tiêu dùng sẽ còn kéo dài.
Nhà kinh tế Houze Song của tổ chức tư vấn MacroPolo cho hay: “Tăng trưởng thu nhập tại Trung Quốc trong ba năm qua rất yếu. Bắc Kinh sẽ cần thời gian để thuyết phục các hộ gia đình rằng tương lai sẽ tốt hơn”.
Chi tiêu của người tiêu dùng suy yếu, cộng với nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc từ Mỹ và châu Âu đi xuống, sẽ khiến Bắc Kinh phải kích thích tiêu dùng trong năm nay.
Một đòn bẩy quan trọng sẽ là chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Một số nhà kinh tế dự đoán đầu tư cho cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trong năm 2023 sẽ tăng gần 10%, gấp đôi tốc độ trước đại dịch.
Ngoài ra, chính phủ có thể sẽ dựa vào các ngân hàng để cung cấp những khoản vay giá rẻ cho doanh nghiệp, nhờ đó các chủ lao động có thể thuê thêm nhân công và mở rộng đầu tư.
Và Bắc Kinh dường như đang quyết tâm làm lành với các doanh nhân, ngay cả những người trong lĩnh vực công nghệ. Việc sử dụng ba đòn bẩy trên sẽ có thể thúc đẩy việc làm và tiền lương của người dân.
Để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế, ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ giữ lãi suất ở mức thấp hoặc có thể cắt giảm lãi suất, ngay cả khi các đồng nghiệp ở Mỹ và châu Âu tiếp tục nâng lãi suất. Lạm phát thấp là một lợi thế cho Trung Quốc.
Hiệu trưởng Yao lập luận rằng Trung Quốc sẽ cần phải tiến xa hơn để tạo ra sự phục hồi đáng kể trong tiêu dùng.
Một giải pháp là đảo ngược các chính sách trước kia và kích thích hoạt động xây dựng bất động sản. Bắc Kinh đã bắt đầu thu hồi các hạn chế tín dụng đối với doanh nghiệp địa ốc và làm chậm việc cho vay thế chấp đối với các hộ gia đình. Tuy nhiên, chỉ bấy nhiêu là chưa đủ để tăng doanh số bán căn hộ. Trong tháng 11/2022, doanh số đã sụt 31% so với cùng kỳ năm trước.
Sự kết thúc của chiến lược "Zero COVID" có thể giúp thị trường bất động sản. Khi người lao động di cư từ vùng nông thôn lên làm phố làm việc, thu nhập của họ có thể phục hồi. Khi đó, nhiều chủ nhà sẽ tìm cách nâng cấp nhà ở của mình.
Tại cuộc họp chính sách kinh tế hồi tháng 12/2022, Trung Quốc nói họ sẽ giúp các nhà phát triển “thay đổi mô hình kinh doanh”. Đó có thể là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ chấm dứt mô hình đã kéo dài hàng chục năm qua: bán trước và xây sau.
Theo Caixin, trong vài tháng qua, các ngân hàng Trung Quốc đã âm thầm cấp hạn mức tín dụng 2.700 tỷ nhân dân tệ cho các nhà phát triển địa ốc lớn.
Andrew Polk, đồng sáng lập hãng tư vấn Trivium đánh giá: “Chúng tôi tin rằng điều này sẽ tạo nền tảng để ngành bất động sản Trung Quốc thoát khỏi mô hình bán trước - xây sau. Doanh số bán hàng sẽ không còn là yếu tố kích thích xây dựng, mà ngược lại”.
Đối với các quan chức Trung Quốc, cách làm này sẽ cho phép đầu tư bất động sản lấy lại vai trò của mình là một động lực thúc đẩy kinh tế, đồng thời là lời tuyên bố rằng Bắc Kinh đã thành công giảm bớt rủi ro tài chính.
Với sự kết thúc của "Zero COVID" và sự phục hồi của hoạt động xây dựng địa ốc, “nền kinh tế Trung Quốc sẽ biến hai cơn gió ngược này thành gió thuận”, Polk dự đoán.
Tất cả những bước đi trên là cơ sở để công chúng lạc quan về triển vọng của nền kinh tế tỷ dân. Tuy nhiên, Hiệu trưởng Yao khẳng định các quan chức cần nhanh chóng khơi dậy chi tiêu tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng trở lại mức 6%.
Cách làm chắn chắn nhất là chính quyền trung ương phải trợ cấp tiền mặt cho người dân, giống như phương Tây. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc từ lâu đã né tránh biện pháp này, vì họ cho rằng người dân sẽ mất động lực làm việc.
Về lo ngại đó, ông Yao cho rằng người tiêu dùng Trung Quốc khó có thể trở nên lười biếng sau khi nhận trợ cấp tiền mặt của chính phủ, dù ông không loại trừ hoàn toàn khả năng này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận