Người tham gia đấu giá đất phải đặt trước 20% giá khởi điểm
Cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp muốn tham gia đấu giá đất phải nộp tiền đặt trước bằng 20% tổng giá trị thửa đất, khu đất tính theo giá khởi điểm.
Theo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai được Chính phủ ban hành hôm 3/4, tổ chức tham gia đấu giá đất phải thuộc diện được Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Trường hợp một thửa đất hoặc một dự án (gồm một hoặc nhiều thửa đất) có hai công ty trở lên có sở hữu chéo lẫn nhau thì chỉ một công ty được tham gia đấu giá.
Doanh nghiệp phải có điều kiện về năng lực tài chính đảm bảo sử dụng đất theo tiến độ. Doanh nghiệp có vốn thuộc sở hữu để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư với dự án sử dụng đất dưới 20 ha; không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư với dự án sử dụng đất từ 20 ha.
Doanh nghiệp muốn tham gia đấu giá đất phải có khả năng huy động vốn để thực hiện dự án từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức, cá nhân khác. Trường hợp đấu giá đất để thực hiện dự án nhà ở, kinh doanh bất động sản phải đáp ứng quy định của hai lĩnh vực này.
Hộ gia đình, cá nhân tham gia đấu giá đất cũng phải nộp tiền đặt trước bằng 20% giá khởi điểm của thửa đất; nếu đấu giá đất để thực hiện dự án đầu tư phải đáp ứng điều kiện tương tự như doanh nghiệp.
Từ thời điểm công bố kết quả trúng đấu giá đất, khoản tiền đặt trước và lãi (nếu có) được chuyển thành tiền cọc để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ tài chính. Nếu người trúng đấu giá đất không nộp tiền hoặc nộp không đủ tiền trúng đấu giá thì không được nhận lại cọc. Nếu người trúng đấu giá đã nộp nhiều hơn khoản tiền đặt cọc thì được Nhà nước hoàn trả tiền chênh lệch.
Trong 120 ngày từ khi có quyết định công nhận kết quả, người trúng đấu giá đất không nộp hoặc nộp không đủ tiền thì UBND cấp có thẩm quyền hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá đất. Nếu người trúng đấu giá hoàn thành nghĩa vụ tài chính, trong 5 ngày, cơ quan tài nguyên môi trường sẽ trình cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hoặc ký hợp đồng thuê đất, bàn giao trên thực địa.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ 20/5/2023. Đây là lần đầu Chính phủ bổ sung chi tiết điều khoản về điều kiện đấu giá và chế tài với người hủy kết quả trúng đấu giá đất. Việc đấu giá đất hiện nay được điều chỉnh bởi Luật Đất đai và pháp luật về đấu giá tài sản. Luật Đất đai 2013 quy định, đấu giá đất được thực hiện công khai, liên tục, khách quan, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.
Trong dự thảo hồi tháng 4/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất người hủy kết quả trúng đấu giá đất không có lý do chính đáng, sẽ bị phạt 50% giá trị đất đã trúng. Người tự ý bỏ cọc và từ chối đấu giá đất phải bồi thường cho Nhà nước thêm khoản tiền bằng tiền đặt trước; bị cấm đấu giá đất 5 năm. Tuy nhiên, các đề xuất này không được đưa vào nghị định mới ban hành.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận