Người ở "vùng đỏ" đi khám chữa bệnh cần những thủ tục gì khi đi đường?
Từ hôm nay 6/9, Hà Nội sẽ triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại 3 vùng.
Chị Phan Hồng Diễm, ở Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) có hỏi: “Hiện gia đình tôi đang sinh sống tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Trước đó (tháng 3/2021), mẹ tôi từ quê (ở Hưng Yên) lên Hà Nội chăm cháu giúp vợ chồng tôi. Sau đó do Hà Nội giãn cách, mẹ tôi không về quê được. Mẹ tôi bị tiểu đường phải khám và lấy thuốc định kỳ ở trung tâm y tế huyện ở quê, thẻ Bảo hiểm y tế cũng để ở quê.
Hiện nay, mẹ tôi đã qua hẹn khám và lấy thuốc nhưng chưa về quê được. Trường hợp của mẹ tôi thì có được về quê khám, lấy thuốc không, nếu được thì mẹ tôi cần phải chuẩn bị những giấy tờ gì khi ra đường?”.
Phân vùng 1 (vùng đỏ): Là khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Gồm 15 đơn vị hành chính: Toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai. Một phần địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.
Phân vùng 2 (vùng vàng): Phân cách bởi hệ thống sông Hồng, Sông Đuống với Vùng 1. Toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận/huyện Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.
Phân vùng 3 (vùng xanh): Vùng sản xuất nông nghiệp và các Khu, Cụm công nghiệp, có mật độ và sinh hoạt dân cư đặc trưng nông nghiệp, có phần đô thị hóa với mật độ dân cư thấp. Chủ yếu được chia bởi Sông Nhuệ, Sông Đáy.
Như vậy, khu vực Hạ Đình (Thanh Xuân) bạn ở thuộc vùng 1 (vùng đỏ) sẽ tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tới ngày 21/9 và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn với nguyên tắc “ai ở đâu, ở đó”. Người dân chỉ ra đường khi có lý do chính đáng, phải có giấy đi đường với mã nhận diện do lực lượng chức năng có thẩm quyền cấp.
Ngoài ra, bạn cần tìm hiểu quy định phòng chống dịch của tỉnh nơi đến (cụ thể là Hưng Yên) với người về từ vùng có dịch. Từ 0h ngày 2/8, Hưng Yên không tiếp nhận người từ các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Trừ trường hợp đặc biệt phải được chủ tịch UBND tỉnh hoặc chủ tịch UBND cấp huyện cho phép nhưng phải có xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu hoặc giấy chứng nhận tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 và kết quả test nhanh âm tính trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu.
Khi dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng, người dân nên hạn chế di chuyển giữa các địa phương.
Trường hợp của mẹ bạn đọc, có thể khám chữa bệnh, mua thuốc ở cơ sở y tế tại Hà Nội. Theo quy định mới nhất, với cá nhân đi thực hiện các dịch vụ y tế bắt buộc (cấp cứu, khám chữa bệnh và mua thuốc định kỳ; Đi tiêm vắc xin và xét nghiệm Covid-19; Người chăm sóc người bệnh và người xuất viện về). Không áp dụng giấy đi đường, cá nhân chỉ cần mang theo Giấy tờ chứng minh kèm theo căn cước công dân (Chứng minh thư nhân dân).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận