Người nước ngoài ồ ạt mua nhà: Mừng hay lo?
Không chỉ các dự án thuộc phân khúc chung cư cao cấp mới được khách hàng người nước ngoài để mắt” tới, mà ngay cả những dự án biệt thự, nhà phố trong khu compound, thậm chí là condotel tại các khu du lịch, nghỉ dưỡng cũng được không ít nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.
Đại diện truyền thông của một công ty có dự án tại khu vực Phú Mỹ Hưng (Quận 7) cho biết, nhiều dự án chung cư cao cấp của công ty được khách nước ngoài rất quan tâm. Trong đó, không ít dự án có lượng khách nước ngoài chiếm khoảng trên dưới 20% tỷ lệ sở hữu căn hộ. Những khách hàng mua căn hộ chung cư cao cấp thường là các chuyên gia, thương nhân đến từ nhiều quốc gia khác nhau, nhưng chiếm phần lớn vẫn là từ khu vực châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản...
Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, hiện tại thành phố có khoảng 100.000 người nước ngoài làm việc và thường trú, đông nhất là người Hàn Quốc, Trung Quốc với khoảng 90.000 người. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, đến nay vẫn chưa có số liệu, khảo sát cụ thể về số lượng người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại TP.HCM. Hiện chỉ có một số đơn vị nghiên cứu, chủ đầu tư tự thống kê ở một số phân khúc nên không thể phản ánh chung cho cả thị trường. Tuy nhiên, chắc chắn là số khách người nước ngoài đang gia tăng từng ngày.
“Trên thực tế, người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam chưa tác động, ảnh hưởng nhiều đến thị trường vì số lượng còn chưa đủ lớn. Song, vì những lý do liên quan an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế, cơ quan quản lý vẫn cần phải giám sát, kiểm tra chặt vấn đề này ” – ông Châu nêu quan điểm
Trước đó, Công ty CBRE Việt Nam cũng đã công bố báo cáo cho thấy trong 9 tháng năm 2018, lượng người Trung Quốc mua căn hộ tại TP.HCM thông qua đơn vị này chiếm 31% tổng lượng giao dịch, vươn lên vị trí số 1. So với các năm trước, đây là một con số “đột biến” của khách hàng Trung Quốc tại thị trường căn hộ Việt Nam. Không chỉ có Trung Quốc, khách mua đến từ Hàn Quốc cũng tăng mạnh (trong khi đó, các năm 2016 – 2017, hai quốc gia này chỉ chiếm khoảng 6-8% tổng số giao dịch qua CBRE). Trong số top 5 nhóm khách hàng mua căn hộ tại TP. HCM qua đơn vị này, ngoài Trung Quốc và Hàn Quốc, còn có Hong Kong (chiếm 10%) và Mỹ (3%). Một số công ty phân phối nhà cho người nước ngoài cũng cho hay, khách nước ngoài đa số nhắm tới phân khúc căn hộ hạng A để đầu tư do dự án ở khu vực trung tâm, có tiềm năng tăng giá và cho thuê cao.
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam nhận định, kể từ khi Chính phủ Việt Nam cho người nước ngoài mua nhà vào năm 2015, đã có rất nhiều khách hàng quốc tế đến tìm hiểu cơ hội và đầu tư căn hộ. Việc khách hàng Trung Quốc đến mua nhà tại Việt Nam ngày càng tăng là một xu hướng tất yếu, bởi căn hộ ở Việt Nam là khoản đầu tư hấp dẫn với mức giá bán khá thấp so với giá BĐS ở nước họ cũng như một số quốc gia lân cận như Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc...
Theo tìm hiểu của phóng viên Thời báo Ngân hàng, không chỉ các dự án thuộc phân khúc chung cư cao cấp mới được khách hàng người nước ngoài “để mắt” tới, mà ngay cả những dự án biệt thự, nhà phố trong khu compound, thậm chí là condotel tại các khu du lịch, nghỉ dưỡng cũng được không ít nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Thậm chí, không hiếm những trường hợp người nước ngoài nhờ người thân quen, bạn bè đứng tên để mua BĐS trị giá hàng chục tỷ đồng tại Việt Nam.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, đến nay có gần 3.000 tổ chức, cá nhân người nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Cụ thể, có 944 tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam được cấp giấy chứng nhận, cơ quan Việt Nam công nhận, 2.034 người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.
Nhiều chuyên gia đưa ra nhận định, từ khi Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực, số lượng cá nhân và tổ chức nước ngoài mua nhà ở Việt Nam gia tăng nhanh. Thậm chí, thời gian đầu, không ít nhà phát triển dự án trong nước còn coi đây có thể trở thành “động lực” thúc đẩy sự phát triển của thị trường. Tuy nhiên, gần đây một vấn đề đáng lo ngại nổi lên, nhiều địa phương có khu du lịch, những khu vực mang tính “nhạy cảm”, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng như ven biển, gần sân bay, sát biên giới như gần khu vực sân bay Long Thành (Đồng Nai), khu vực bến Vân Đồn (Quảng Ninh), vịnh Vân Phong (Khánh Hòa)… xuất hiện tình trạng người nước ngoài “núp bóng” người Việt Nam để “thu gom” BĐS ở Việt Nam nhưng chưa thống kê được con số cụ thể.
Trước tình hình này, mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu các tỉnh, thành phố báo cáo tình hình sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Bởi, theo Bộ Xây dựng, Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định rõ tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở (nhà ở riêng lẻ, căn hộ chung cư) tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại không thuộc khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh. Với thời hạn sở hữu nhà ở là 50 năm, hạn chế về tỷ lệ nhà ở được phép bán cho người nước ngoài tại các khu chung cư, khu đô thị mới, quy định phải thanh toán tiền mua nhà qua tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam...
Vì vậy, Bộ Xây dựng mong muốn phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình trạng người nước ngoài mua nhà ở trên địa bàn, nhằm tránh gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở các địa phương và cả nước nói chung.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận