Người Nhật đã nhìn thấy thị trường bán lẻ Việt?
Dịch bệnh đã khiến hơn 8.000 doanh nghiệp (DN) buôn bán lẻ của Việt Nam lâm vào hoàn cảnh chờ giải thể, nhiều DN, cửa hàng phải chọn kinh doanh online để tồn tại. Nhiều chuyên gia dự báo các đại gia bán lẻ phải tính đến thời đại 4.0 bùng phát để thay đổi cách bán hàng.
Thế nhưng, trong thời gian này các nhà bán lẻ Nhật Bản tại Việt Nam lại liên tục khai trương cửa hàng mới. Những DN bán lẻ lớn như Aeon còn tung ra chiến lược dài hơi với những khoản đầu tư khủng. Phải chăng họ đã nhìn thấy tiềm năng thị trường Việt Nam sau đại dịch?
Khai trương giữa tâm dịch
Đầu tháng 3, khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Uniqlo đã khai trương cửa hàng đầu tiên của mình ở Hà Nội. Đây là cửa hàng thứ 2 của Uniqlo ở Việt Nam, cũng được người tiêu dùng đón nhận rất tích cực như khi thương hiệu này có mặt lần đầu ở TPHCM hồi cuối năm ngoái. Chỉ sau đó 2 tháng, vào tháng 5 Uniqlo đã liên tục khai trương thêm 2 cửa hàng nữa ở TPHCM (1 ở SC Vivo City, 1 tại Vincom Center Landmark 81). Theo kế hoạch được nhà bán lẻ này chia sẻ từ nay đến cuối năm sẽ khai trương thêm 3 cửa hàng ở Hà Nội. Cửa hàng nào của Uniqlo cũng có diện tích lớn 2.000m2 trở lên, tọa lạc ở những trung tâm có vị trí đắc địa.
Một thương hiệu bán lẻ khác của Nhật Bản cũng thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng Việt Nam là Muji. Thời điểm cuối tháng 7 khi dịch quay lại lần 2 ở Việt Nam, Muji vẫn khai trương cửa hàng trải nghiệm đầu tiên ở Parkson Đồng Khởi, ngay bên cạnh Uniqlo. Muji mang đến nhiều sản phẩm nổi bật như mỹ phẩm, thời trang, văn phòng phẩm… Đây là bước thử nghiệm thị trường của thương hiệu này trước khi mở cửa hàng chính thức vào cuối năm nay. Cũng như Uniqlo, Muji được người tiêu dùng trẻ đón nhận khá tích cực. Mở rộng thị trường giữa bão dịch còn có Fujimart (liên doanh giữa Tập đoàn BRG Việt Nam và Sumitomo Nhật Bản).
Vài năm gần đây, Việt Nam luôn nằm trong top những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới và duy trì mức tăng trưởng hơn 10%/năm, trở thành thị trường tiêu thụ hấp dẫn DN nước ngoài, trong đó có DN Nhật Bản. Vì thế, bất chấp khó khăn do dịch bệnh mang đến, DN bán lẻ Nhật Bản vẫn đầu tư mở rộng hoạt động tại thị trường bán lẻ Việt Nam. Ông lớn Aeon mới đây cho biết đang chuẩn bị khai trương trung tâm đầu tiên tại Hải Phòng và là trung tâm thứ 6 trên cả nước. Dự kiến đến năm 2025, Aeon sẽ khai trương 20 trung tâm thương mại và đầu tư hơn 2 tỷ USD vào Việt Nam.
Theo đánh giá của ông Tetsuo Konaka, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, Việt Nam có lợi thế nhờ thị trường lớn với quy mô dân số hơn 96 triệu người, nên sức hút đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, bán lẻ là rất lớn. Đó cũng là lý do Uniqlo, Aeon và nhiều tập đoàn nổi tiếng khác của Nhật Bản dòm ngó thị trường Việt Nam.
Vốn mạnh, chiến lược dài hơi và tầm nhìn xa
Ông Đỗ Thanh Năm, chuyên gia tư vấn chiến lược nhìn nhận việc đầu tư vào Việt Nam là chiến lược dài hơi của các DN Nhật Bản và họ đã có chuẩn bị về dòng tiền đầu tư. Dịch bệnh chỉ tác động trong ngắn hạn nên không làm ảnh hưởng đến kế hoạch khai phá hay mở rộng thị trường.
Thậm chí dịch bệnh còn là cơ hội để các nhà bán lẻ Nhật Bản dễ dàng chiếm được những mặt bằng đẹp với giá thuê rẻ hơn. Bởi lẽ, do tác động của dịch Covid-19, hàng ngàn DN bán lẻ Việt Nam đã phải thu hẹp hoạt động, thậm chí giải thể và chưa biết thời gian tới con số này sẽ tăng lên bao nhiêu. Đây lại là cơ hội để DN bán lẻ Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư, sau nhiều năm nghiên cứu thị trường Việt Nam.
Cụ thể, khi khai trương cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội, đại diện Uniqlo Việt Nam cho biết từ 10 năm trước tập đoàn đã muốn được thử thách tại thị trường Việt Nam. Và sau thời gian chuẩn bị chắc chắn, Uniqlo mới chính thức tham gia tại Việt Nam, thị trường non trẻ nhất trong số 25 thị trường Uniqlo đã có mặt. Tương tự, công ty mẹ của Muji cũng đã có 3 năm tìm hiểu thị trường Việt Nam trước khi mở cửa hàng đầu tiên.
Thế nhưng, nhiều ý kiến vẫn băn khoăn về việc Muji trong tháng 7 vừa qua khi khai trương cửa hàng tại Việt Nam, nhà bán lẻ này đã phải nộp đơn xin phá sản tại Mỹ, đồng thời tình hình kinh doanh tại nhiều thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch. Song dưới góc nhìn của ông Phạm Việt Anh, chuyên gia tư vấn tăng trưởng DN, dịch bệnh có ảnh hưởng khác nhau đến mỗi quốc gia nên chiến lược của các tập đoàn cũng khác nhau.
Chẳng hạn, tại Mỹ dịch ảnh hưởng khá nghiêm trọng, trong khi chi phí đầu tư cho một gian hàng quá cao, buộc các nhà bán lẻ phải tính toán lại phương án của mình. Ngược lại ở Việt Nam tuy dịch ảnh hưởng nhưng không quá tệ, các nhà đầu tư vẫn tìm thấy cơ hội, và đó là lý do họ dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Đó là chưa kể theo dự báo châu Á sẽ phục hồi nhanh hơn khi người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn.
Một con số đang chứng minh cho sự hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam chính là doanh thu bán lẻ hàng hóa. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước đạt 441.400 tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung quý III-2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.305.800 tỷ đồng, tăng 14,4% so với quý trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ 2019. Đáng chú ý, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1.022.900 tỷ đồng, tăng 11,5% và tăng 8,3%. Đây là con số rất tích cực trong bối cảnh thị trường bán lẻ của nhiều nước trong khu vực và thế giới tăng trưởng âm suốt nhiều tháng qua.
Một thuận lợi nữa cho DN bán lẻ Nhật Bản mở rộng thị trường tại Việt Nam, là trong và sau khi dịch từng bước được kiểm soát, thị trường bán lẻ Việt Nam cũng theo xu hướng chung của thế giới là dịch chuyển dần từ offline sang online. Thế nhưng những kiểu bán hàng online bất chấp chất lượng, quảng cáo thổi phồng trên các mạng xã hội như Facebook chắc chắn sẽ đến hồi thoái trào.
Kinh doanh online cũng sẽ phải qua cuộc sàng lọc khi dịch qua đi, thị trường ổn định người tiêu dùng sẽ quay lại với các cửa hàng, siêu thị offline thay vì chỉ chọn mua hàng online, vì dẫu sao “trăm nghe không bằng một thấy”. Lúc ấy những ông lớn bán lẻ Nhật Bản chắc chắn sẽ trở thành lựa chọn không thể bỏ qua của người tiêu dùng Việt.
Những kiểu bán hàng online bất chấp chất lượng, quảng cáo thồi phồng chắc chắn sẽ đến hồi thoái trào. Kinh doanh online cũng sẽ phải qua cuộc sàng lọc khi dịch qua đi, thị trường ổn định người tiêu dùng sẽ quay lại với các cửa hàng, siêu thị offline thay vì chỉ chọn mua hàng online.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận