menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bùi Xuân Hoài

Người Mỹ lạc quan hơn về triển vọng nền kinh tế

Tâm lý người tiêu dùng Mỹ được cải thiện trong tháng 1, đạt mức cao nhất trong 2 năm rưỡi qua trong bối cảnh sự lạc quan ngày càng tăng về khả năng lạm phát được kiềm chế và thu nhập hộ gia đình tăng cao, điều này báo hiệu tốt cho triển vọng của nền kinh tế trong năm nay.

Người Mỹ lạc quan hơn về triển vọng nền kinh tế
Chi tiêu tiêu dùng thúc đẩy khoảng hai phần ba nền kinh tế Mỹ. Ảnh: Reuters

Kỳ vọng lạm phát giảm bớt

Chỉ số tâm lý người tiêu dùng tốt hơn mong đợi do Đại học Michigan (Mỹ) công bố ngày cuối tuần, phản ánh tâm trạng lạc quan hơn ở mọi lứa tuổi và nhóm thu nhập, trình độ học vấn và vị trí địa lý cũng như đảng phái chính trị tại Mỹ.

Kết quả này cũng cho thấy, người Mỹ cuối cùng đã bắt đầu đón nhận khả năng phục hồi của nền kinh tế sau nhiều lo lắng về lạm phát cao. Kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng trong 12 tháng tới đang ở mức thấp nhất trong 3 năm, đây là tin tốt cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Christopher Rupkey - kinh tế trưởng tại FWDBONDS ở New York cho biết: “Nền kinh tế không đi lùi mà sẽ tiến lên vào đầu năm 2024. Lần đầu tiên, việc tăng lãi suất ồ ạt không làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế”.

Tâm lý của người Mỹ đang tăng lên khi lạm phát hạ nhiệt và FED báo hiệu rằng việc tăng lãi suất có thể đang ở phía sau chúng ta. Với một thị trường lao động mạnh mẽ, duy trì việc “bơm” tiền vào tài khoản ngân hàng, giúp người tiêu dùng tự do chi tiêu, nỗi sợ suy thoái cho năm 2024 đang mờ dần.

Chỉ số sơ bộ của Đại học Michigan về chỉ số tổng thể về tâm lý người tiêu dùng đạt 78,8 trong tháng này, mức cao nhất kể từ tháng 7/2021, so với mức 69,7 vào tháng 12/2023. Đây là mức tăng hàng tháng thứ hai liên tiếp và diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán phục hồi, thị trường lao động khá ổn định và giá xăng dầu vẫn ở mức thấp hơn.

Chỉ số này hiện đã phục hồi gần 60% sau khi chạm mức thấp kỷ lục vào tháng 6/2022, và chỉ kém 7% so với mức trung bình lịch sử kể từ năm 1978.

Một kết quả khác của cuộc khảo sát, chỉ số kỳ vọng lạm phát hàng năm đã giảm xuống 2,9% trong tháng này, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020. Con số này cũng đã giảm từ mức 3,1% trong tháng 12 năm ngoái.

Triển vọng lạm phát trong 5 năm của cuộc khảo sát giảm xuống 2,8% từ mức 2,9% trong tháng trước, nhưng cao hơn một chút so với mức 2,2% - 2,6% phổ biến trong hai năm trước đại dịch.

Kỳ vọng lạm phát giảm bớt hỗ trợ quan điểm của các nhà kinh tế rằng, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm nay. Kể từ tháng 3/2022, FED đã tăng lãi suất chính sách thêm 525 điểm cơ bản, lên mức 5,25% - 5,50% hiện tại.

Mặc dù không có mối tương quan chặt chẽ giữa tâm lý và chi tiêu của người tiêu dùng, động lực chính của nền kinh tế, nhưng sự gia tăng này có thể giúp xoa dịu nỗi lo về suy thoái kinh tế. Người Mỹ vẫn duy trì chi tiêu, bất chấp giá cả và chi phí vay cao hơn do sự thắt chặt của thị trường lao động, khiến tăng trưởng tiền lương tăng cao.

"Chỉ số niềm tin không phải là một chỉ báo tốt cho thấy xu hướng chi tiêu của người tiêu dùng, nhưng tâm lý được cải thiện sẽ làm giảm nguy cơ người tiêu dùng tăng mạnh tiết kiệm trong năm nay, đây là lý do chính khiến chúng tôi có triển vọng lạc quan hơn về chi tiêu tiêu dùng và tăng trưởng GDP" - Grace Zwemmer, nhà phân tích và nghiên cứu kinh tế tại Oxford Economics nói.

Dấu hiệu của sự cải thiện

Có một số yếu tố kết hợp để nâng cao giá trị tinh thần với nền kinh tế của nước Mỹ. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong lịch sử và việc tuyển dụng vẫn mạnh. Điều thay đổi nữa là lạm phát đang hạ nhiệt nhanh chóng, trong khi lãi suất thế chấp giảm mạnh so với năm ngoái và chỉ số S&P 500 đã tăng lên mưc cao kỷ lục vào thứ Sáu.

Người Mỹ lạc quan hơn về triển vọng nền kinh tế
Tâm lý người tiêu dùng Mỹ tăng lên mức cao nhất trong hơn 2 năm qua. Ảnh: Bloomberg

Neil Dutta - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Renaissance Macro cho biết: "Sự tự tin đang tăng lên và thị trường lao động đang khá tốt".

Theo khảo sát của Đại học Michigan, chỉ số tâm lý mua nhà cũng đã tăng 10% trong tháng 12/2023 so với một năm trước đó, một phần được thúc đẩy bởi sự gia tăng tỷ lệ người tiêu dùng dự đoán tỷ lệ thế chấp thấp hơn trong năm tới.

Các thước đo khác cũng cho thấy, người Mỹ cuối cùng đã thoát khỏi cuộc sống khó khăn của họ. Theo một cuộc khảo sát trong tháng 12 của FED New York, tỷ lệ người tiêu dùng nhận thấy tài chính của họ sẽ tốt hơn trong năm tới, đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 6/2021. Một thước đo niềm tin của người tiêu dùng riêng biệt vào tháng trước cũng đã chứng kiến mức tăng lớn nhất trong một tháng kể từ tháng 3/2021, theo Conference Board, một nhà cung cấp dữ liệu.

Thước đo tâm lý đã được cải thiện rõ rệt trong số các hộ gia đình kiếm được 100.000 USD hàng năm trở lên, theo Morning Consult, một công ty dữ liệu thông minh. Điều đó có thể do hiệu suất mạnh mẽ của thị trường chứng khoán, vì tỷ lệ các hộ gia đình có thu nhập cao hơn sở hữu cổ phiếu lớn hơn so với tỷ lệ của những người Mỹ có thu nhập thấp hơn, Sofia Baig, một nhà kinh tế tại Morning Consult cho biết.

Các phương tiện truyền thông cũng có thể đang nương theo tâm lý người tiêu dùng. Các bài báo liên quan đến nền kinh tế đã tăng trở lại kể từ tháng 11/2023, lên mức cao nhất kể từ năm 2018, theo Chỉ số Tình cảm tin tức hàng ngày của FED San Francisco.

Rủi ro vẫn còn

Bên cạnh những yếu tố tích cực, vẫn còn đó những rủi ro đối với nền kinh tế và tâm trạng của người Mỹ.

Trong khi các nhà kinh tế kỳ vọng Mỹ sẽ tránh được suy thoái vào năm 2024, họ cũng nhận thấy tăng trưởng đã chậm lại do tác động đầy đủ của việc tăng lãi suất của FED làm căng thẳng tài chính của các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Điều đó có thể đè nặng lên người tiêu dùng, đặc biệt nếu tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu tăng, Jeremy Schwartz, nhà kinh tế cấp cao về Mỹ tại Nomura cho rằng, suy thoái kinh tế trong năm nay có nhiều khả năng xảy ra hơn là không.

Lạm phát có thể chứng minh sự dai dẳng hơn và chịu ảnh hưởng từ các sự kiện toàn cầu như xung đột ở Trung Đông và Ukraine. Sự bùng nổ của giá xăng hoặc thực phẩm, hoặc sự sụt giảm của thị trường chứng khoán cũng có thể làm suy giảm tâm lý.

Ngay cả một nền kinh tế quá mạnh cũng có thể khiến một số người Mỹ lo lắng vì có thể khuyến khích FED giữ lãi suất cao lâu hơn. Điều đó khiến người Mỹ phải trả tiền nhiều hơn cho các nhu cầu về nhà cửa, ô tô và các thiết bị tiêu dùng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
3 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại