Người Mỹ gốc châu Á đón Tết trong không khí trầm lắng
Khi mà cơn bùng phát dịch do biến thể Omicron vẫn chưa hạ nhiệt, cộng đồng người gốc Á ở bang California, Mỹ đón Tết Nhâm Dần 2022 trong không khí trầm lắng hơn với các lễ hội thu hẹp quy mô hoặc chuyển sang hình thức trực tuyến.
Họ cũng hạn chế các cuộc gặp gỡ họ hàng, thay vào đó, gửi những lời chúc Tết qua các nền tảng chat trực tuyến. Dù vậy, đại dịch Covid-19 tạo cơ hội để người gốc Á quảng bá ẩm thực Tết qua các nền tảng trực tuyến cũng như cho phép mọi người dành nhiều thời gian hơn bên gia đình.
Hạn chế đi chùa, thăm họ hàng
Vào một ngày trước Tết Nhâm Dần 2022, bà Anna Nguyen bước vào chùa Bảo Quang ở TP Santa Ana (quận Cam, bang California), chuẩn bị tụng kinh và cầu nguyện, rồi sẽ cúng dường 100 đô la và cầu xin đức Phật phù hộ sức khỏe cho những người thân trong gia đình. Bỗng nhiên, bà nhận được cuộc gọi từ người em họ, khuyên không nên đi chùa khi mà biến thể Omicron đang lây lan nhanh.
Anna Nguyen, một người Mỹ gốc Việt, 50 tuổi quyết định quay trở về, bỏ qua nghi lễ đón năm mới theo truyền thống mọi năm của mình. “Cô ấy đưa ra những lời khuyên đại loại như chúng ta phải hạn chế ôm nhau chào hỏi, trò chuyện trên Zoom nhiều hơn, vì không ai tổ chức những bữa tiệc linh đình, tốn kém để đón Tết”, Nguyen, 50 tuổi, làm việc trong lĩnh vực thương mại điện tử, nói về người em họ.
Trên khắp khu vực Nam California, cộng đồng người Mỹ gốc Á đang chuẩn bị đón cái Tết Nguyên đán thứ hai trong đại dịch Covid-19. Tình hình dịch bệnh khiến họ phải điều chỉnh các truyền thống lâu đời.
Thay vì ăn mặc đẹp rồi thăm những các bậc ông bà nội ngoại, các thanh niên gốc Á đang gửi những lời chúc sức khỏe trên FaceTime. Một số khác phác thảo tác phẩm nghệ thuật hoặc quay video rồi gửi cho ông bà của mình để chúc năm mới vì không muốn gặp trực tiếp để tránh rủi ro lây nhiễm Omicron cho họ.
Tại ngôi chùa Tây Lai bề thế tọa lạc trên vùng đồi núi Hacienda Heights thuộc Quận Los Angeles, Nam California, các tín đồ thường nườm nượp kéo đến để cầu nguyện năm mới vào dịp Tết, nhưng trong Tết Nhâm Dần 2022, chỉ một số ít người được phép vào chùa này cầu nguyện theo lịch hẹn trước. Những người gốc Á khác chấp nhận các rủi ro đã lường trước để tham gia các lễ hội ngoài trời hoặc tiệc tùng với một nhóm nhỏ thành viên trong gia đình.
Helen Lin, người Mỹ gốc Hoa, 32 tuổi, quyết định không bay về Đài Loan để thăm cha mình vào kỳ nghỉ Tết. Cô đã không gặp cha kể từ khi đại dịch ập đến hơn hai năm trước. Đài Loan yêu cầu cách ly 14 ngày đối với du khách quốc tế. Cha của Lin mắc bệnh tiểu đường, làm tăng nguy cơ bệnh nặng nếu nhiễm Covid-19. “Giá vé máy bay mắc hơn. Vả lại, cũng không có nhiều chuyến bay, và khi trở về, chúng tôi cần phải cách ly lâu hơn”, Lin, 32 tuổi, làm việc trong lĩnh vực bán lẻ, giãi bày.
Vào dịp Tết của những năm trước, gia đình cô mặc thường trang phục truyền thống, sườn xám (qipao) của Trung Quốc và hanbok của Hàn Quốc, để tham dự các bữa tiệc ở nhà họ hàng, thưởng thức bánh fagao (bánh thịnh vượng) trên bàn ăn được bày dọn nhiều trái kim quất hay manduguk, một loại súp bánh bao của Hàn Quốc, với ý nghĩa tượng trưng cho may mắn. Nhưng vào dịp Tết này, Lin cho biết cô có lẽ ở nhà và gọi món sushi trên ứng dụng mua đồ ăn trực tuyến.
Truyền thống phát tiền lì xì tiếp tục bị phá vỡ trong cái Tết thứ hai liên tiếp do dịch bệnh. Ngoài lý do các thành viên trong gia đình hạn chế gặp nhau trực tiếp, các tờ tiền mới, 20 đô la và 100 đô la, cũng đang thiếu hụt.
Ron Chen, 40 tuổi, người nhập cư từ Hồng Kông, đang làm việc tại một phòng khám ở Alhambra, Los Angeles, quyết định tặng thẻ quà tặng cho các cháu gái và cháu trai của mình, dù ngày Tết mà thiếu những tờ tiền lì xì 10 và 20 đô la mới cóng thì “không thực sự là một ngày lễ Tết truyền thống”.
Trong các dịp Tết, Chen và bạn bè thỉnh thoảng đến Las Vegas để ăn buffet, xem biểu diễn và đánh bạc. Nhưng điều đó sẽ không diễn ra trong Tết Nhâm Dần này. Chen nói: “Tôi sẽ tiết kiệm tiền và bảo vệ sức khỏe của mình”.
Quảng bá ẩm thực Tết trên không gian mạng
Đối với một số người gốc Á, đại dịch đã tạo cơ hội để giới thiệu ẩm thực truyền thống trong ngày lễ Tết của họ với khán giả trực tuyến cũng như có nhiều thời gian ở bên gia đình ruột thịt.
Martin Yan, đầu bếp người Mỹ gốc Hoa nổi tiếng, chủ xị của series truyền hình về ẩm thực “Yan Can Cook” thường dành thời gian trong dịp Tết để rong ruổi khắp Campuchia, Trung Quốc, Malaysia, Singapore để giao lưu và chúc Tết người dân địa phương.
Nhưng cũng như Tết năm ngoái, trong dịp Tết Nhâm Dần này, ông sẽ hướng dẫn nấu một bữa tiệc từ phòng bếp tại nhà của mình cho hàng nghìn khán giả trực tuyến.
Mối lo lắng của người dân về nguy cơ bị nhiễm bệnh trong đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy Yan chia sẻ niềm tin truyền thống của Trung Quốc về đặc tính chữa bệnh của thực phẩm. Ông đã truyền đạt với khán giả của mình rằng lê tốt cho cổ họng và phổi, trong khi lựu và quả câu kỷ tử giúp tăng cường khả năng miễn dịch.
“Ý tưởng của tôi là giáo dục nhiều người hơn về văn hóa châu Á, và hơn bao giờ hết, mọi người càng hiểu nhau hơn thông qua ẩm thực và họ sẽ càng hòa hợp với nhau hơn, đặc biệt là trong bối cảnh thái độ kỳ thị người châu Á đang tăng ở Mỹ”, Yan, 73 tuổi, người sinh ra ở Quảng Châu, Trung Quốc, nói.
Tương tự, Tien Nguyen và Diep Tran, hai chuyên gia ẩm thực gốc Việt, sẽ phát sóng trực tuyến cho khán giả ở San Francisco, New York và Dallas, cũng như Los Angeles, xem cách làm bánh chưng, món ăn truyền thống để đón năm mới của người Việt Nam.
Tien Nguyen và Diep Tran đã thành lập một nhóm có tên gọi “Bánh Chưng Collective” để tập hợp những người đam mê ẩm thực cùng tham gia những sự kiện gói bánh chưng, giúp tăng cường mối quan hệ giữa những phụ nữ, người đồng tính, song tính và chuyển giới, dị tính, liên giới tính và vô tính” (LGBTQIA) và người da màu.
Trong thời gian đại dịch xảy ra, các sự kiện của Bánh Chưng Collective đều được tổ chức trực tuyến với mọi người vẫn gói bánh chưng trong lá chuối tươi với các thành phần là nếp, hành tím, đậu xanh và thịt heo bằng cách sử dụng bộ dụng cụ trị giá 50 đô la.
Tien Nguyen, tác giá của nhiều cuốn sách dạy nấu ăn, sinh sống Eagle Rock, Los Angeles, cho biết đó là dịp giúp mọi người gắn kết trong thời kỳ dịch bệnh đầy thăng trầm này. “Khi bạn tự tay chuẩn bị một món ăn, đó là điều thú vị”, Diep Tran, cựu đầu bếp và chủ nhà hàng Good Girl Dinette ở Highland Park, Los Angeles, nói.
Thu hẹp quy mô lễ hội
Một số sự kiến chào mừng năm mới vẫn dược duy trì nhưng ở được tổ chức nhỏ gọn. Tại Trung tâm Hội chợ và sự kiện quận Cam ở Costa Mesa, Tổng hội Sinh viên Việt Nam Nam California (UVSA), đơn vị tổ chức Hội chợ Tết sinh viên (Tết Festival), lễ hội Tết Nguyên đán lớn nhất của người Việt Nam tại Mỹ, đã giảm thời gian lễ hội từ 3 ngày, xuống còn 2 ngày.
Những người dự lễ hội vào ngày 5 và 6-2 sẽ phải xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm phòng, và nước rửa tay sát khuẩn sẽ được bố trí khắp mọi nơi. Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam của Nam California, một phần của Tết Festival, sẽ được tổ chức ngoài trời.
Thinh Nguyen, người đứng đầu ban tổ chức lễ hội, dự báo lượng người tham dự sẽ chỉ bằng một nửa hoặc 3/4 so với các Tết trước đại dịch, vốn thường thu hút đến 100.000 đến tham dự từ khắp nơi trên toàn nước Mỹ.
Nguyen nói: “Đại dịch đã kéo dài hơn hai năm rồi, vì vậy, tôi đã học được cách làm những gì mình cần làm. Bạn không thể để nỗi sợ hãi cản trở lối sống của bạn”. Anh nhấn mạnh lễ hội phải tiếp tục vì đây là cơ hội hiếm hoi cho phép người Mỹ gốc Việt từ bên ngoài Nam California trải nghiệm một lễ kỷ niệm lớn về văn hóa của họ.
Christine Vo, giám đốc tuyển dụng tình nguyện viên cho sự kiện này, cho biết: “Điều mà có thể nhiều người không nhận ra là đây là cơ hội để thực sự tìm hiểu về nguồn cội của bạn. Dù có đại dịch hay không có đại dịch, khách cũng muốn đến Làng truyền thống Việt Nam để đọc thơ và chơi trò chơi. Họ muốn chụp ảnh để đăng lên mạng xã hội. Họ muốn cẩn trọng phòng chống dịch bệnh, nhưng họ cũng cần sự đoàn kết ”.
Tại khu Tiểu Sài Gòn (Little Saigon) ở TP. Westminster, quận Cam, cuộc diễu hành chào mừng Tết hàng năm dự kiến diễn ra vào ngày 1-2 với các vũ công múa lân cùng với những người biểu diễn và chức sắc khác mặc trang phục truyền thống, bất chấp những lo ngại về an toàn.
Nhưng một số nhà hoạt động đã kiến nghị hủy bỏ cuộc diễu hành này vì sợ rằng nó sẽ là sự kiện “siêu lây nhiễm biến thể Omicron”. Trong khi đó, lễ chào mừng Tết truyền thống ở Khu phố Tàu (Chinatown) ở Los Angeles sẽ chuyển từ đường phố sang trực tuyến với sự tham dự các diễn viên châu Á nổi tiếng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận