24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Sơn Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Người lao động tự chọn tuổi nghỉ hưu, được không?

Theo nhiều bạn đọc Báo Người Lao Động, cơ quan soạn thảo luật nên lắng nghe ý kiến của người lao động để có những quyết sách phù hợp tránh tình trạng ngày càng nhiều người rút BHXH một lần khi đó chính sách an sinh xã hội ngày càng khó đạt được.

Trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu

Liên quan đề xuất này, Báo Người Lao Động đã có nhiều bài viết phân tích những bất cập của Luật BHXH, tập trung vào các vấn đề tuổi nghỉ hưu và mức hưởng lương hưu. Bạn đọc Lê Quỳnh Anh góp ý: "Cơ quan soạn thảo luật cũng nên đi khảo sát 1 chút cho dân đỡ khổ, công nhân làm việc vừa nặng nhọc vừa độc hại không chịu nổi đến tuổi cao như vậy. Trong khi đó doanh nghiệp chỉ muốn người trẻ khỏe đào thải người già nên ng lao động khi về già rất khổ và chật vật". Bạn đọc Thái Bình bày tỏ: "Công nhân lao động, chả làm được đến 62 tuổi đâu nếu có việc, còn đã số là phải nghỉ chờ vì yếu rồi. Qua 62 tuổi mới đủ tuổi nghỉ hưu thì có khi phải chống gậy đi lĩnh lương".

Một bạn đọc tên Liêm chia sẻ: "Cào bằng tuổi nghỉ hưu tuy hợp Luật nhưng không hợp với thực tế việc làm và đời sống của người lao động và như vậy luật không đi vào cuộc sống. Tôi thiết nghĩ sẽ không có bao nhiêu người tham gia BHXH ở tuổi 45- 47. Nguyên tắc của BHXH là đóng hưởng nên đóng ít hưởng ít. Do vậy nên nghiên cứu bỏ quy định tuổi nghỉ hưu đi, ai đóng BHXH đủ 20 năm là có quyền được nghỉ hưu, ai đủ sức khỏe thì tiếp tục làm việc và đóng thêm nhiều năm để hưởng mức lương hưu tối đa. Các nhà làm luật nên lắng nghe ý kiến của người lao động để có những quyết sách phù hợp tránh tình trạng ngày càng nhiều người rút BHXH một lần khi đó chính sách an sinh xã hội ngày càng khó đạt được".

Bạn đọc Phạm Tuấn Vinh lại cho rằng tăng tuổi hưu là hợp lý, nhưng hãy xem đó là 1 lựa chọn. Đóng đủ 35 năm bảo hiểm rất khó. Người lao động trí óc có thể làm việc lâu hơn nhưng nghịch lý là họ lại đóng bảo hiểm muộn hơn vì trước đó họ đi học, có khi 26-27 tuổi mới bắt đầu đóng bảo hiểm. Bạn đọc Trần Thanh Tùng nêu thực tế: "Chúng tôi là lao động ngoài nhà nước,tham gia sản xuất trực tiếp cho doanh nghiệp bằng sức lực là chính. Không biết có chịu nổi tới tuổi hưởng thọ không mà hưởng lương hưu". Bạn đọc Đỗ Trường chua chát: "Tôi năm nay 59 tuổi tham gia BHXH 40 năm. Vậy mà bây giờ muốn về nghỉ hưu thì phải bị trừ 3 năm trước tuổi. Thế có bất hợp lý không?".

Người lao động tự chọn tuổi nghỉ hưu, được không?

Một bạn đọc giấu tên góp ý nên để người lao động tự chọn tuổi nghỉ hưu của họ tương ứng với quyền lợi của họ đã tham gia đóng BHXH, trên tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít! Một bạn đọc tên Quang tha thiết đề nghị đưa tuổi hưu về lại 55 tuổi với nam 52 tuổi với nữ. Người lao động bất kể nam hay nữ nếu đóng đủ 30 năm BHXH thì mặc định hưởng lương hưu mà không kèm điều kiện gì. Tương tự, theo bạn đọc Nguyễn Văn Ca, nên xem xét tuổi nghỉ hưu linh động. Đóng đủ số năm qui định thì người lao động được hưởng lương hưu.

Với bạn đọc Nguyễn Thành Luân, để công bằng và phù hợp với nhiều người lao động thì tốt nhất là quy định thời gian tối thiểu đóng BHXH 15 năm, người lao động được quyền lựa chọn nghỉ hưu hay tiếp tục đóng BHXH, lấy tuổi thọ trung bình của người Việt Nam làm cơ sở tính thời gian được hưởng lương hưu, thời gian hưởng lương hưu dài mà thời gian đóng BHXH ít thì lương hưu sẽ thấp và ngược lại. Đồng quan điểm, bạn đọc Võ Thị Kim Phượng bày tỏ: "Công chức nhà nước mà trên 55 tuổi cũng mắt mờ và đầu óc kém linh hoạt, không theo kịp yêu cầu phát triển của xã hội. Làm cầm chừng chờ nghỉ hưu. Theo tôi, đến 55 tuổi đã đóng bảo hiểm trên 20 năm hoặc 25 năm thì nên cho họ được quyền quyết định nghỉ hưu hay làm tiếp. Vì thực ra công chức trên 55 tuổi lương rất cao nếu họ về hưu thì lương chênh lệch của họ có thể trả cho 1 bạn mới vào nghề. Vì vậy không nên bắt buộc công chức nghỉ hưu tuổi 60. Còn theo bạn đọc Nguyễn Văn Thi, nên giữ nguyên mức tuổi hưởng lương hưu nam 60 nữ 55 như trước đây là tạm được.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả