Người làm công ăn lương 'gồng' mình đóng thuế
Cùng một thu nhập như nhau nhưng người làm công ăn lương phải đóng tỷ lệ thuế cao hơn so với người nhận thu nhập từ kinh doanh.
Người kinh doanh đóng thuế ít hơn
Một phụ nữ sinh năm 1992 có hộ khẩu tại Q.Cầu Giấy (TP.Hà Nội) thực hiện kê khai và nộp số thuế thu nhập cá nhân lên đến 23,4 tỉ đồng cho khoản thu nhập 330 tỉ đồng. Số thu nhập này đến từ công việc sáng tạo phần mềm đăng tải trên Google Play và App Store. Một nam thanh niên khác 30 tuổi trú Q.Cầu Giấy cũng nhận khoản thu nhập “khủng” 260 tỉ đồng từ sáng tạo phần mềm đăng tải trên các ứng dụng, nộp thuế 18,1 tỉ đồng. Tính ra, mức thuế khoảng 7%. Trong khi đó, các cá nhân làm công ăn lương nếu có thu nhập từ 80 triệu đồng trở lên phải chịu ngưỡng thuế cao nhất, lên tới 35%.
Đại diện Tổng cục Thuế giải thích, cá nhân sản xuất phần mềm và có nguồn thu từ quảng cáo được xem là cá nhân kinh doanh, do đó cách tính thuế khác với người làm công ăn lương. Cá nhân, hộ kinh doanh chịu 2 loại thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và trong trường hợp này là 7%. Trong khi thu nhập từ tiền lương tiền công có biểu thuế lũy tiến lên đến 35% sau khi giảm trừ gia cảnh, còn thuế thu nhập từ kinh doanh là thuế suất toàn phần tính trên tổng doanh thu.
Theo quy định, cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu một năm trên 100 triệu đồng sẽ đóng thuế GTGT và TNCN tùy theo ngành nghề. Cụ thể, trong lĩnh vực phân phối, cung cấp hàng hóa tương ứng 1% và 0,5%; dịch vụ là 5% và 2%; riêng cho thuê tài sản, đại lý xổ số, bảo hiểm thì thuế TNCN là 5%; sản xuất, vận tải, chế biến... là 3% và 1,5%; sản xuất, dịch vụ khác... là 2% và 1%. Người có thu nhập từ tiền công, tiền lương phải nộp thuế TNCN từ 5 - 35% sau khi được khấu trừ gia cảnh cho bản thân 11 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/người/tháng.
Chị Hà Quỳnh (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết trong thời buổi khó khăn do dịch Covid-19, doanh nghiệp cắt giảm thu nhập và còn khoảng 40 triệu đồng/tháng, thu nhập chịu thuế hơn 20 triệu đồng mỗi tháng sau khi trừ đi mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân và người phụ thuộc. Theo biểu thuế lũy tiến từng phần, thu nhập của chị Hà Quỳnh rơi vào mức thuế suất cao nhất là 20%, số thuế nộp là 2,35 triệu đồng/tháng. Cùng mức thu nhập này, một cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ vận tải chịu thuế suất TNCN 1,5% và thuế GTGT là 3% nên số thuế phải đóng là 900.000 đồng; còn nếu tính trên thu nhập 40 triệu đồng/tháng thì số thuế nộp cũng 1,8 triệu đồng. Như vậy, tỷ lệ thuế trên thu nhập của người làm công ăn lương là 11,5%, còn người kinh doanh chỉ ở mức 4,5%.
Giả sử trường hợp nhận 330 tỉ đồng nói trên nếu được tính theo tiền công, tiền lương sẽ rơi vào mức thuế suất kịch trần 35%, số thuế đóng lên 114,5 tỉ đồng. Không chỉ chịu thuế cao hơn cá nhân kinh doanh, người làm công ăn lương còn gánh thuế cao hơn cả thuế thu nhập doanh nghiệp. Cụ thể, các doanh nghiệp hiện nay sau khi trừ đi các chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh đóng thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất 20% trên số tiền lời, trường hợp lỗ không phải đóng. Ví dụ với mức thu nhập chưa trừ thuế 330 tỉ đồng trong một năm, doanh nghiệp có số thuế đóng vào ngân sách nhà nước tương ứng 66 tỉ đồng. Con số này thấp hơn gần một nửa so với cá nhân đóng thuế nếu tính từ thu nhập tiền lương, tiền công.
Cần bình đẳng trong việc nộp thuế
Liên quan đến tỷ trọng thuế trên thu nhập của người làm công ăn lương ở mức cao, TS Dương Kim Thế Nguyên, Trưởng khoa Luật Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng điều người nộp thuế cần nhiều hơn không chỉ là vấn đề thuế suất cao hay thấp mà họ cần sự bình đẳng trong việc nộp thuế. So sánh đang có sự chênh lệch về thuế suất cũng như tổng số tiền thuế giữa người lao động và người kinh doanh. Có thể vào những thời điểm nhất định, chính sách thuế thể hiện sự khuyến khích hay hạn chế một ngành nghề, lĩnh vực nào đó. Chính sách thuế hiện tại cho thấy, nhà nước đang khuyến khích người dân kinh doanh hơn là làm công ăn lương (khuyến khích khởi nghiệp, tạo thêm việc làm cho chính mình và cho người khác...). Tuy nhiên, chính sách thuế, đặc biệt là thuế suất, phải tương đối đồng nhất giữa nhà kinh doanh và người lao động.
Trên thực tế, số thu thuế TNCN đạt được trong năm 2020 khoảng 100.000 tỉ đồng và dù thuế TNCN có đến 10 khoản thu nhưng chỉ tính riêng số thu từ tiền công tiền lương mỗi năm qua đã chiếm trên 70% số thuế. Chính vì thuế suất đối với khoản tiền công tiền lương ở mức cao nên nhiều kiến nghị đề nghị giảm thuế suất của đối tượng này xuống.
Ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng vấn đề bất cập biểu thuế suất lũy tiến đã nhìn ra từ năm 2017 nhưng đến nay hơn 4 năm vẫn không thấy cơ quan chức năng đề cập để điều chỉnh. Việc chênh lệch quá nhiều giữa thuế suất tiền công, tiền lương cũng như kinh doanh hay thuế thu nhập doanh nghiệp cho thấy sự không công bằng giữa các đối tượng chịu thuế. Khoản giảm trừ gia cảnh được trừ trước khi xác định thu nhập chịu thuế chỉ là một phần sinh hoạt phí, nhất là những người làm việc tại TP.HCM và Hà Nội có mức sinh hoạt phí cao hơn những tỉnh thành khác. Người làm công ăn lương để có thu nhập cao, họ cũng phải bỏ ra khoản tiền đề đầu tư, đi học, tiếp khách... Người làm công ăn lương bị tính sát từng đồng thu nhập và chịu thuế suất lên đến 35% như hiện nay là quá cao. Do đó, cần bỏ những mức thuế suất cao như 30% và 35% ra khỏi biểu thuế.
Nên khấu trừ thuế thu nhập đối với các khoản đã nộp thuế GTGT
TS Dương Kim Thế Nguyên phân tích: “Mức thuế suất hiện tại thì đối với nhiều người lao động đã qua đào tạo và có kinh nghiệm làm việc từ 5 - 10 năm đang khá cao. Trước mắt, nên giảm mức thuế lũy tiến theo hướng giảm mức tối đa là 25%, thay vì 35%. Ở mức nộp thuế cao nhất, nhà nước chỉ nên thu tối đa 1/4 thu nhập, thay vì thu hơn 1/3 thu nhập của người dân. Về lâu dài, chính sách thuế cần khuyến khích tiêu dùng để thúc đẩy sản xuất phát triển, nên khấu trừ thuế thu nhập đối với các khoản chi tiêu đã nộp thuế GTGT và có hóa đơn rõ ràng”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận