Người giàu dù có tay trắng vẫn có thể giàu, trong khi đó người nghèo cho cả đống tiền vẫn chẳng thể "lên hương": Khác biệt nằm ở hai từ "tư duy"
Có quan điểm cho rằng: “Lấy hết của cải của người giàu, mấy năm sau người đó vẫn giàu. Nhưng cho người nghèo một khoản tiền, mấy năm sau người đó vẫn nghèo”.
Thoạt nghe, quan điểm này có vẻ vô lí nhưng nếu suy xét một cách nghiêm túc và nhìn thẳng vào vấn đề, thì việc lấy hết của cải của người giàu chỉ là lấy đi tiền và tài sản của họ, còn cách thức và phương pháp kiếm tiền, tư liệu sản xuất, những nguồn lực kinh tế mà họ khai thác thì vẫn tồn tại.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao khi lấy tất cả những thứ của người giàu, họ vẫn có thể tiếp tục trở nên giàu có? Còn khi cho người nghèo một khoản tiền, liệu họ có thực sự nghèo đi sau vài năm? Điểm mấu chốt chính là nằm ở cách suy nghĩ của mỗi người về cách kiếm tiền và tiêu tiền.
Suy nghĩ khác nhau sẽ ảnh hưởng đến việc chúng ta sử dụng đồng tiền theo các cách khác nhau, làm gia tăng sự giàu có hoặc ngược lại.
Do đó, cách đơn giản mà chúng ta có thể thực hiện ngay từ bây giờ, là học cách suy nghĩ và thói quen sinh hoạt của người giàu. Điều này không chỉ hữu ích với những người muốn thoát cảnh nghèo khó và thay đổi cuộc sống, mà còn giúp những người đã có trong tay một khối tài sản nhất định trở nên giàu hơn.
6 tư duy khác biệt của người giàu
1. Tư duy tài chính
Những người giàu có luôn vận hành cuộc sống theo một số quy tắc tài chính cơ bản, chẳng hạn:
- Không thấu chi thẻ tín dụng (thấu chi là hành vi của một tổ chức tín dụng chấp thuận bằng văn bản cho phép các khách hàng đang sử dụng thẻ ghi nợ của ngân hàng đó có thể chi vượt mức số tiền khi thẻ có tài khoản bằng 0)
- Không vay tiền để tiêu dùng
- Tiêu ít hơn số tiền kiếm được
- Cắt giảm các chi phí không chính đáng
- Tiết kiệm tiền
Mặc dù là những người có của cải và vật chất, nhưng những người giàu rất biết trân quý đồng tiền. Trước khi tiêu tiền họ đều tính toán và suy nghĩ rất kỹ. Khi muốn đầu tư, hay khi đứng trước một giao dịch nào đó, dù lớn hay nhỏ, họ đều đặt ra 3 câu hỏi và tự mình trả lời chúng:
- Tôi có cần cái này không?
- Dự án này có thể mang lại giá trị lớn hơn không?
- Tôi có thể tìm nó ở nơi khác với giá thấp hơn không?
Chúng ta thường thấy người giàu có nhà đẹp, xe sang, dùng đồ hàng hiệu và xa xỉ, nhưng đó là những thứ được mua bằng chính số tiền và tài sản mà họ kiếm được. Trong khi đó những người có thu nhập trung bình lại sẵn sàng tìm đến các khoản vay để thỏa mãn những nhu cầu tiêu dùng xa hoa.
Hãy nhớ rằng, càng mắc nợ nhiều, cuộc sống của bạn càng trở nên thụ động. Và những suy nghĩ như vậy sẽ chỉ khiến bạn ngày càng nghèo đi.
2. Sắp xếp thời gian hợp lý
Thời gian và tiền bạc tuy không phải hai khái niệm đồng nhất, nhưng chúng có quan hệ mật thiết với nhau. Cách chúng ta sử dụng thời gian sẽ liên quan đến cách chúng ta quản lý tiền bạc và cuộc sống của mình.
Tất cả chúng ta đều biết rằng thời gian là một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, nếu bạn không biết cách sử dụng nó cho những việc làm hợp lí, bạn đang lãng phí thời gian. Hiểu một cách đơn giản rằng chúng ta nên tối đa hóa giá trị của thời gian, để cùng trong một khoảng thời gian, có nhiều nhất khối lượng công việc cũng như tài sản được tạo ra.
Để làm được điều này, bạn phải lên kế hoạch và đặt mục tiêu cho riêng mình trước khoảng một tuần hoặc một tháng. Sau đó thực hiện theo đúng kế hoạch đặt ra và kiểm chứng lại kết quả. Sắp xếp và phân bổ các đầu mục công việc vào những khoảng thời gian khác nhau.
Hãy loại bỏ những thứ bạn nghĩ là cần thiết nhưng không thực sự mang lại giá trị như việc bán thời gian quá nhiều cho mạng xã hội. Thay vào đó, bạn nên dành nhiều thời gian hơn để làm những việc quan trọng. Một lưu ý nhỏ giúp cho thời gian của bạn trở nên quý giá hơn, đó là hãy sử dụng nó cho những việc bạn quan tâm và có liên quan trực tiếp đến mục tiêu của bạn.
3. Tư duy chủ động
Những người có nhiều tiền bạc và giàu có thường dành nhiều thời gian hơn để đóng vai trò “nhà sản xuất” hơn là “người tiêu dùng”. Ngược lại, những người bình thường giữ rất tốt vai trò của người tiêu dùng mà không quan tâm đến việc tính toán đầu ra, ví dụ việc làm ra sản phẩm hay của cải vật chất.
Ví dụ, doanh nhân thành lập các công ty, doanh nghiệp; số khác kiếm tiền và đặt trọn niềm đam mê vào một công việc ổn định; nhà văn, nhà thiết kế, họa sĩ làm những công việc sáng tạo... Có một điểm chung là họ luôn chủ động thực hiện công việc, không trông chờ vào những thứ có sẵn.
Tuy nhiên, những người bình thường đa số là những “người tiêu dùng”, bị động trong cuộc sống, thường bị cám dỗ bởi mạng xã hội hay các thú vui tiêu khiển.
4. Không ngừng học hỏi
Dù bạn là ai, muốn theo kịp sự phát triển của thời đại, đều phải không ngừng cố gắng, không ngừng học hỏi. Ngay cả khi bạn đã có những thành công nhất định trong tay, điều này không đồng nghĩa với việc đã đến lúc có thể thảnh thơi.
Một tư duy lười biếng cũng có thể khiến bạn tụt xa với mọi người, nhất là trong thời đại như hiện nay. Trau dồi kĩ năng và tri thức luôn là điều vô cùng cần thiết và hữu ích.
Nếu bạn cảm thấy mình tạm thời không đủ năng lực, hãy xem công việc như một cơ hội để học hỏi và phát triển các kỹ năng. Thất bại cũng được, chỉ cần bạn biết đứng lên sau vấp ngã, biết rút ra bài học kinh nghiệm và phát triển bản thân ngày một hoàn thiện và tốt lên.
Người xưa có câu “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, khó khăn là một phần của cuộc sống. Người biết chấp nhận và vượt qua khó khăn là người sở hữu một nửa sự thành công, phần còn lại phụ thuộc vào khả năng, sự bản lĩnh và ý chí của mỗi con người.
Đừng bao giờ cho rằng làm việc đơn giản chỉ để kiếm tiền. Tiền đương nhiên là quan trọng, nhưng việc tích lũy học hỏi các kỹ năng còn quan trọng hơn. Đừng làm việc chăm chỉ, hãy làm việc một cách thông minh.
5. Tư duy đầu tư
Chúng ta đều biết rằng, rất khó để trở thành một người giàu có khi chỉ trông chờ vào những đồng tiền lương ít ỏi. Để phát triển kinh tế, bạn phải đầu tư vào thứ gì đó tạo ra thu nhập thụ động, chẳng hạn như thị trường chứng khoán và bất động sản. Bắt đầu với số vốn ít nhất, lượng thời gian không quan trọng, dần dần bạn sẽ theo đuổi những mục tiêu lớn hơn.
Ví dụ, nhiều người bạn đầu tư vào trái phiếu, cổ phiếu, các nguồn quỹ... Tuy nhiên, thông qua sức mạnh của lãi suất kép, chúng có thể tạo ra một nguồn thu nhập tương đối tốt. Đó là số tiền đủ để sống khi bạn nghỉ hưu nếu biết cách đầu tư thông minh.
Tất nhiên, đầu tư là rủi ro, và bạn cần phải thận trọng khi tham gia vào thị trường này. Có thể bây giờ bạn chưa sẵn sàng và chưa đủ kinh phí để đầu tư, nhưng hãy nuôi dưỡng ngọn lửa tư duy của một nhà đầu tư trong bạn.
6. Không ngừng phát triển
Có quan điểm cho rằng cách tốt nhất và nhanh nhất để tránh thất bại là giữ nguyên vị trí, vùng an toàn, an phận và hài lòng với những gì đang có. Tuy nhiên đây không phải điều mà những người giàu có theo đuổi. Những người giàu biết rằng họ phải chấp nhận rủi ro để phát triển.
Học hỏi suốt đời và xem mọi thất bại là bước đệm để thành công là cách giúp bạn dễ dàng tiến tới thành công. Cho dù cuộc sống luôn chứa đựng những rủi ro và thử thách khiến con người nản lòng, bại chí.
Nhưng muốn thành công, phải biết chấp nhận rủi ro. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, biết chấp nhận rủi ro là cách duy nhất để phát triển, sàng lọc những người có ý chí nghị lực. Hãy coi khó khăn là một phần tất yếu của cuộc sống để khi chúng ta bị cản bước, điều này cũng không quá bất ngờ.
Người dừng bước và khuất phục trước thử thách luôn luôn là những kẻ thất bại. Đừng bao giờ đánh mất động lực, sự nhiệt huyết và hy vọng. Tất cả những điều trên đây khi kết hợp với nhau sẽ là mảnh ghép hoàn chỉnh giúp bạn bạn hình thành những cách suy nghĩ mới và thay đổi lối suy nghĩ lạc hậu, kém phát triển. Hãy tin rằng một ngày cơ hội đến, bạn sẽ đạt được những mục tiêu mà mình mong muốn.
Cuộc sống vốn dĩ luôn công bằng, thành công hay thất bại, giàu có hay nghèo nàn, phụ thuộc tất cả vào suy nghĩ của chúng ta ngày hôm nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận