Người già Hong Kong chật vật sống ra sao?
Số người già sống trong cảnh nghèo đói đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 12 năm qua ở Hong Kong dưới tác động của dịch bệnh COVID-19, báo cáo mới nhất của Chính phủ cho biết. Giữa một Hong Kong sôi động và giàu có bậc nhất thế giới, những mảng tối về cuộc sống của người già nơi đây vẫn là vấn nạn nhức nhối với nhà cầm quyền.
Vật lộn trong đại dịch
Hong Kong không chỉ được biết đến là “con rồng” của châu Á mà còn là một trong những khu vực giàu nhất thế giới. Nhưng bên cạnh sự giàu có và xa hoa của xứ Cảng thơm hơn 7,1 triệu dân này, hiện vẫn có hàng nghìn người đang phải sống trong những điều kiện vô cùng khổ sở, đặc biệt là đối tượng người cao tuổi. Sau các cuộc biểu tình liên miên trên toàn thành phố vào năm 2019 và chiến lược "Zero-Covid" trong hai năm trở lại đây, nền kinh tế Hong Kong đã phải đối phó với sự suy thoái trầm trọng. Năm 2021, khoảng 584.000 người cao tuổi (chiếm 45% dân số ở độ tuổi này) sống dưới mức thu nhập quy định với con số chỉ vỏn vẹn 4.400 đôla Hong Kong (khoảng 564 USD). Đáng nói, tỷ lệ nghèo của nhóm này cao hơn gấp đôi so với dân số nói chung.
Mặc dù tình trạng trên từ lâu đã hiện diện tại Hong Kong, nhưng nó được cho là đã trở nên tồi tệ hơn cả trong bối cảnh mất việc làm trên diện rộng và đại dịch COVID-19. “Đại dịch không chỉ làm gia tăng số người thất nghiệp mà còn đẩy người cao tuổi vào hoàn cảnh khốn cùng” - Wong Hung, Phó Giáo sư Khoa Công tác xã hội trường Đại học Hong Kong, nhận định.
Chính quyền Hong Kong không quy định độ tuổi về hưu chính thức nhưng thông thường người dân sẽ nghỉ việc ở khoảng 60 đến 65 tuổi và sẽ được hỗ trợ bởi hệ thống phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, mức hỗ trợ trên là không đủ với mức sống đắt đỏ nơi đây. Vì thế, những người trên 65 tuổi lại phải tiếp tục cuộc mưu sinh nhọc nhằn của mình. Cheung Yuk-fong, một cụ bà 70 tuổi đang sống bằng đồng lương kiếm được từ việc nhặt bìa cứng bỏ đi để bán lại cho các công ty - một nghề dần trở nên phổ biến trong thời gian vừa qua. Bà là một trong những “bà cụ bìa cứng” (cách gọi thân thuộc của người dân Hong Kong) đã và đang sống trong cảnh nghèo đói, phải lùng sục khắp thùng rác và bãi phế liệu của thành phố để tìm những chiếc bìa carton bán cho các doanh nghiệp tái chế địa phương. Thế nhưng, một ngày làm việc vất vả trên đường phố cũng chẳng thấm vào đâu khi họ chỉ có thể kiếm được khoảng 60 đôla Hong Kong (khoảng 7,69 USD), số tiền đủ để mua hai bữa ăn tại một cửa hàng thức ăn nhanh và không thể dư lại bất kỳ khoản tiết kiệm nào.
Tuy bèo bọt là thế, công việc này hiện lại trở thành cần câu của nhiều người già Hong Kong trong bối cảnh đất nước đóng cửa nhiều tháng liền vì dịch bệnh. “Dạo gần đây có nhiều người nhặt bìa carton hơn so với những năm trước. Khi có ai đó vứt những tấm bìa xuống đất, chúng sẽ nhanh chóng biến mất. Kiếm sống bây giờ khó quá!”, bà Cheung Yuk-fong chia sẻ.
Mảng tối khuất dưới những tòa nhà chọc trời
Không chỉ đối diện với việc thu nhập bấp bênh và hầu như không đủ sống, một bộ phận người cao tuổi ở Hong Kong còn phải đối mặt với những khó khăn khác. Nổi cộm trong số đó là vấn đề chỗ ở.
Theo nghiên cứu của công ty cung cấp dịch vụ bất động sản CBRE Group, Hong Kong vẫn là thị trường bất động sản đắt đỏ bậc nhất thế giới bất chấp đại dịch COVID-19 và sự suy thoái kinh tế. Giá thuê trung bình hàng tháng tại đây đứng thứ ba thế giới, chỉ sau New York và Abu Dhabi. Thế nên, giấc mơ sở hữu một ngôi nhà hạng trung của người cao tuổi lại càng khó trở thành hiện thực. “Nhà lồng” trở thành sự lựa chọn bắt buộc của những người lao động lớn tuổi có mức thu nhập thấp. Đó là những cái lồng như chuồng gà được ngăn nhỏ thành nhiều ô, mỗi ô có diện tích chưa đầy 1m2, chiều rộng 0,6m được bao quanh bởi các tấm sắt hoen gỉ, thủng lỗ chỗ. Giá thuê một cái “lồng” như thế là 200 đôla Hong Kong/tháng. Ông Tai Lun Po (79 tuổi), người đã sống ở “nhà lồng” suốt 30 năm trời, chua xót chia sẻ: “Tôi phải dùng chung một bếp nhỏ và một toilet đơn bẩn thỉu với 9 người khác. Tại các khu lồng khác, nhiều khi có tới 40 người phải dùng chung một toilet”. Đó cũng là tình cảnh chung của hơn 100.000 người già sống ở Hong Kong, và con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới nếu chính quyền không sớm có các giải pháp kịp thời.
Theo Alice Poon - tác giả của cuốn "Land and the Ruling Class in Hong Kong", việc giá nhà ở quá đắt đỏ đến mức nhiều người không đủ khả năng để chi trả là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn xã hội gay gắt. Những yếu tố đó bao gồm chênh lệch giàu nghèo, sự tập trung của cải vào một bộ phận người dân ngày càng sâu sắc và phần lớn người già phải chật vật trong bối cảnh giá nhà luôn ở mức cao và thu nhập không đủ trang trải. Lời hứa hẹn sẽ xóa bỏ nhà ở chất lượng kém vào năm 2049 của chính quyền Bắc Kinh có lẽ sẽ khó thực thi khi tình hình bất ổn chính trị kéo dài cùng với việc tìm “nhà lồng” cũng trở thành một điều khó khăn khi tỷ lệ người vô gia cư tăng chóng mặt ở xứ Cảng thơm.
Một điều nhức nhối nữa mà người cao tuổi Hong Kong phải đối diện là “người già vô hình”. Cụm từ nhằm chỉ những cụ già sống một mình và không có kết nối với cộng đồng đã dần trở nên phổ biến, với 152.000 người cao tuổi sống một mình với số tiền vài nghìn đôla Hong Kong mỗi tháng từ Trợ cấp An sinh Xã hội Toàn diện của chính phủ. Với dân số già hóa và hệ thống chăm sóc không đạt tiêu chuẩn, các chuyên gia cảnh báo tỷ lệ người cao tuổi chết trong cô độc sẽ trở nên tồi tệ hơn. Sze Lai-shan, phó giám đốc Hiệp hội Tổ chức Cộng đồng (SoCO), cho biết: “Không có người thân, bạn bè hay mạng lưới hỗ trợ từ cộng đồng, nhiều người già ở Hong Kong đã qua đời trong cô độc”.
Một bộ phận “người già vô hình” đã đợi nhiều năm để có chỗ trong các viện dưỡng lão được trợ cấp bởi chính phủ. Họ phải chấp nhận dịch vụ kém chất lượng tại các viện dưỡng lão tư nhân chi phí thấp, nhưng không đủ tiền cho những nơi tốt hơn. “Họ sợ rằng mình sẽ ra đi mà không ai hay”, Sze Lai-shan nói thêm.
Không chỉ dừng lại ở đó, theo Tổ chức phòng chống tự tử Samaritan Befrienders Hong Kong, dữ liệu của Coroner’s Court cho thấy có tổng cộng 1.019 vụ tự tử vào năm 2020, trong đó 438 người ở độ tuổi từ 60 trở lên. Tỷ lệ tự sát ở người già đạt mức cao nhất kể từ năm 1973. Những số liệu tồi tệ trên là hồi chuông cảnh báo để chính quyền nỗ lực hơn trong việc cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, chủ động tiếp cận với những “người già vô hình” và đưa ra những giải pháp thiết thực hơn như tăng mức hỗ trợ cho các điều dưỡng viên để họ có thêm động lực chăm sóc cho người già, tạo một mạng lưới an toàn để người cao tuổi có thể kết nối với nhau,...
Đứng trước những thách thức về việc cải thiện chất lượng sống cho đối tượng người cao tuổi, chúng ta hãy cùng đón chờ xem chính quyền bà Carrie Lam sẽ có những động thái gì để có thể lấy lại lòng tin của hàng triệu người dân Hồng Kông sau nhiều tháng bất ổn chính trị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận