Người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo trước "rừng tin giả" về COVID-19 | VOV.VN
Vì sao tin giả về dịch bệnh lại bùng phát nhiều? Cần làm gì để người sử dụng không bị ảnh hưởng bởi tin giả, tin xấu độc?
Dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng, đồng thời trở thành "điểm nóng" về tin giả trên mạng xã hội nhiều ngày nay. Công an nhiều tỉnh như Lâm Đồng, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Tiền Giang, Khánh Hoà… đã triệu tập nhiều người liên quan đến việc phát tán Công văn giả mạo về việc cho học sinh đi học ngay sau Tết Nguyên đán - khi có tới hơn 50 tỉnh, thành phố ban hành công văn cho học sinh, sinh viên tiếp tục ngừng đến trường, để phòng tránh dịch bệnh. Thậm chí, thông tin giả mạo về chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19 cũng được một số tài khoản Facebook đăng tải, chia sẻ.
Đại tá Nguyễn Ngọc Cương, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết: "Tình hình đăng tải, đưa thông tin xấu độc, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân diễn ra ngày càng phức tạp, với rất nhiều thủ đoạn. Đặc biệt, chúng tôi cũng phát hiện tấn công mã độc trong đó có đính kèm những tin tức giả mạo chỉ thị về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19".
Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam thuộc Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã liên tục công bố các thông tin giả mạo trên website tingia.gov.vn, trong đó số lượng công bố tin giả về "Dịch bệnh" và "Tài khoản giả mạo" nhiều nhất. Điều này cho thấy, các giải pháp kỹ thuật đang hỗ trợ rất nhiều cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc giảm bớt tin giả, tin xấu độc trên môi trường mạng.
Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam nhận xét: "Theo chúng tôi quan sát, trong 2 năm gần đây, lượng clip hoặc tin phản cảm cũng đã giảm vì các cơ quan quản lý Nhà nước đã có những cơ chế làm việc khá chặt chẽ và thường xuyên với các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt, là nền tảng của nước ngoài có số lượng người dùng lớn. Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra rất nhiều sáng kiến, các nhóm giải pháp kỹ thuật cũng giúp cho tin xấu độc giảm rất nhiều so với trước đây. Chúng tôi cũng mong rằng, với sự quyết tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước, người dùng Internet cũng nhận thức và điều chỉnh hành vi, để không cổ vũ những thông tin có tính chất trái với thuần phong mỹ tục hay thông tin xấu độc. Có như thế, dần dần chúng ta sẽ giảm được tỷ lệ những thông tin hoặc clip phản cảm xấu độc trên nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam".
Tuy nhiên, trên các trang mạng xã hội, khi có số lượng lớn tài khoản tương tác, cũng sẽ có thêm nhiều cơ hội kiếm tiền từ quảng cáo "click ad", hay bán hàng trực tuyến - livestream… nên đã có không ít người cố tình trở thành "anh hùng bàn phím" bằng cách chia sẻ, nhấn like… càng nhiều càng tốt.
Chưa kể, trong mấy tuần gần đây cùng với việc nghỉ Tết Nguyên đán, thì số lượng người học và làm việc trực tuyến cũng gia tăng, nên khi tung tin giả, tin sai sự thật càng nhiều sẽ nhận được lượng tương tác càng lớn. Đó chính là lý do mà tin giả về dịch bệnh COVID-19 hay tin giả về việc nghỉ học, giãn cách xã hội… đang gia tăng hàng ngày. Vì vậy, cùng với việc nâng cao nhận thức của người sử dụng, để không đăng tải hoặc chia sẻ thông tin không đúng sự thật trên các trang mạng xã hội, thì Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam cho rằng, bất cứ khi nào người sử dụng nghi ngờ về các thông tin trên mạng đều có thể gọi điện đến đầu số 1800 8108, để được hướng dẫn. Ngoài ra, sau khi xác minh, trang web tingia.gov.vn sẽ gắn nhãn tin giả.
Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: "Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử có nhiệm vụ phát hiện thẩm định, gắn nhãn tin giả, công bố thông tin xác thực, tin giả, tin sai sự thật trên trang tingia.gov.vn. Chúng tôi rất cần sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất đồng bộ của các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí, để thẩm định thông tin, công bố tin giả, lan tỏa sự thật, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tin xấu độc, xây dựng môi trường mạng trong sạch, bình yên cho mọi người".
Điều này cũng cho thấy phản ánh trực tuyến của người sử dụng trên trang tingia.gov.vn và đầu số 1800 8108 là nguồn thông tin đặc biệt quan trọng, giúp cơ quan chức năng nhanh chóng tiếp nhận, thẩm định và công bố các tin sai sự thật. Như vậy, người dùng nên tỉnh táo khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội và cần tìm hiểu cụ thể các văn bản pháp luật quy định về các chế tài xử phạt đối với các hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc.
Xử phạt hành chính từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng và buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật về tình hình dịch COVID-19 mà cá nhân hay tổ chức đó đã đăng tải. Điều 156, Bộ Luật Hình sự đã quy định: "Bịa đặt hoặc lan truyền biết rõ là sai sự thật có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm". Trường hợp, cá nhân hay tổ chức có hành vi đưa lên mạng xã hội thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về "Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông". Điều 288, Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định khung hình phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận